Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Những vụ thao túng thị trường cổ phiếu đình đám nhất thế giới

Đại Đoàn Kết 10:21 31/03/2022

Những doanh nhân có sức ảnh hưởng có thể "bóp méo thị trường tự do", trong trường hợp này là hành vi giao dịch nội gián, khiến thị trường chứng khoán tồn tại những lỗ hổng khó có thể bị lại hoàn toàn.

Xuyên suốt lịch sử thị trường chứng khoán Mỹ, có rất nhiều trường hợp các cá nhân sử dụng quyền truy cập vào thông tin nội bộ nhằm giành lấy lợi thế không công bằng với các nhà đầu tư khác.

Dù Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) có các quy định nhằm ngăn chặn giao dịch nội gián, chúng thường rất khó bị phát hiện vì các cuộc điều tra phải dựa vào rất nhiều phỏng đoán.

Một khi bị phát hiện, các trường hợp giao dịch nội gián thu hút rất nhiều sự chú ý của giới truyền thông, đặc biệt là khi người bị cáo buộc là một nhân vật công chúng mà danh tiếng sẽ bị hủy hoại nếu bị kết tội.

Giao dịch nội gián là gì?

Theo trang tin Business Insider, giao dịch nội gián theo định nghĩa SEC là các giao dịch chứng khoán mà người giao dịch có lợi thế là nắm được thông tin nội bộ của công ty phát hành cổ phiếu mà các nhà đầu tư khác không biết và được hưởng lợi từ giao dịch này.

Thông thường, người có hành vi giao dịch nội gián là người nắm được thông tin không công khai của công ty hoặc sở hữu hơn 10% cổ phần của công ty và thường giữ các chức vụ quan trọng như giám đốc hoặc thành viên ban quản trị trong doanh nghiệp đó.

Loại hình giao dịch nội gián thường thấy nhất là tận dụng các thông tin không công khai để thu lợi.

Ví dụ, giám đốc của một công ty tiết lộ thông tin quan trọng về việc mua lại của công ty mình cho một người bạn đang sở hữu cổ phần đáng kể trong công ty. Người bạn đó đã bán tất cả cổ phần trước khi thông tin được công khai ra thị trường.

Trường hợp khác là một nhân viên chính phủ có thể dựa trên hiểu biết của mình về một quy định chứng khoán mới để mua hoặc bán cổ phiếu trước khi quy định này được ban ra.

SEC thường tiến hành truy quét các giao dịch nội gián như vậy thông qua theo dõi khối lượng giao dịch của một cổ phiếu.

Dấu hiệu điển hình khi xuất hiện giao dịch nội gián là lượng giao dịch cổ phiếu tăng bất thường ngay khi có tin tức quan trọng về công ty phát hành lượng cổ phiếu đó.

Sau khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ, SEC sẽ tiến hành điều tra để xác định chính xác ai là người thực hiện giao dịch bất thường đó.

Bán khống cổ phiếu của chính công ty mình

Sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán phố Wall năm 1929, có thông tin tiết lộ rằng Albert H. Wiggin, người đứng đầu Ngân hàng JP Morgan Chase, đã bán khống hơn 40.000 cổ phiếu của chính công ty mình.

Sử dụng các công ty thuộc sở hữu của gia đình mình để che giấu các giao dịch, ông Wiggin đã tạo dựng những lợi thế đặc biệt trong việc điều hành công ty của mình.

Bằng cách sử dụng các công ty của người thân trong gia đình nhằm che giấu giao dịch, Chủ tịch Wiggin đã dần gia tăng vị thế bán khống.

Điều này cũng có nghĩa là ông ta sẽ được lợi nếu đạp ngân hàng mình đang dẫn dắt xuống bùn.

Vào thời điểm đó, chứng khoán Mỹ không có quy định cụ thể nào cấm lãnh đạo cấp cao bán khống cổ phiếu công ty của chính mình.

Do đó, khi cổ phiếu của Chase National Bank bị xả mạnh sau vụ sụp đổ của Phố Wall năm 1929, Wiggin thu về 4 triệu USD một cách hợp pháp.

Không chỉ thu lời lớn từ việc bán khống cổ phiếu chính công ty mình, Wiggin còn được công ty trả 100.000 USD lương hưu mỗi năm.

Nhưng sau đó ông ta phải từ chối số tiền này dưới áp lực phản đối của công chúng và giới truyền thông.

Tình trạng tồi tệ của Phố Wall được phát hiện sau vụ sụp đổ năm 1929 đã thúc đẩy sự ra đời của Đạo luật SEC 1934.

Câu chuyện về Wiggins nổi tiếng đến mức nhiều người cho rằng các nhà soạn thảo Đạo luật SEC 1934 đã đặt biệt danh cho Mục 16, trong đó đề cập đến các quy định nhằm ngăn chặn và truy tố giao dịch nội gián là "Mục chống Wiggin".

"Bạo chúa phố Wall" và bê bối rúng động một thời

Ivan Boesky là một nhà đầu cơ khét tiếng với vụ bê bối giao dịch nội gián những năm 1980. Vụ bê bối này cũng liên quan tới vài nhân viên làm việc trong các ngân hàng đầu tư lớn của Mỹ. Những người này mách nước cho Boesky về các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp sắp tới.

Bắt đầu từ năm 1975, sau khi tự thành lập công ty riêng có tên Ivan F. Boesky & Company, Boesky kiếm được hàng đống tiền nhờ vào việc đầu cơ vào các thương vụ thâu tóm.

Đến năm 1987, một nhóm các công ty khởi kiện Boesky vì các thỏa thuận pháp lí gian dối về mối quan hệ đối tác giữa họ và công ty của ông ta.

Từ đó, SEC bắt đầu điều tra về Boesky. SEC phát hiện rằng Boesky lập các quyết định đầu tư dựa trên thông tin nhận được từ người nội gián trong các công ty.

Boesky trả tiền cho nhân viên của ngân hàng đầu tư Drexel Burnham Lambert có liên quan tới bộ phận mua bán và sáp nhập, đổi lại, những nhân viên này đưa cho Boesky thông tin giúp ông ta ra quyết định mua cổ phiếu.

Nhờ vậy, Boesky đã trục lợi từ gần như tất cả các thương vụ M&A lớn trong thập niên 80, bao gồm Getty Oil, Nabisco, Gulf Oil, Chevron, và Texaco.

Rốt cuộc, Boesky hợp tác và cung cấp thông tin cho SEC. Những thông tin này đã dẫn đến việc bắt giữ và kết án "vua trái phiếu rác" Michael Milken. Boesky bị kết án tù 3,5 năm vì giao dịch nội gián và bị phạt 100 triệu USD. Dù được ra tù chỉ sau hai năm, ông ta bị cấm làm việc trong ngành chứng khoán vĩnh viễn.

Cựu nhà báo của Wall Street Journal

R. Foster Winans từng là một cây bút cho The Wall Street Journal, phụ trách chuyên mục khá nổi tiếng "Heard on the Street". Trong mỗi bài viết, Winans sẽ nhận định về một cổ phiếu. Giá các cổ phiếu này thường tăng hoặc giảm theo ý kiến trong bài của Winans.

Winas thỏa thuận với một nhóm các nhà môi giới, theo đó ông ta sẽ rò rỉ nội dung của các bài viết trong mục "Heard on the Street" – đặc biệt là về cổ phiếu ông sắp nhận định cho họ. Các nhà môi giới này sẽ mua vào cổ phiếu trước khi bài báo được đăng. Sau khi thu được lời, họ sẽ chia sẻ một phần lợi nhuận cho Winans.

Những vụ thao túng thị trường cổ phiếu đình đám nhất thế giới - Ảnh 5

Winans bị phát giác bởi SEC. Tuy nhiên, trường hợp của Winans khá phức tạp vì các bài báo là quan điểm cá nhân của Winans chứ không phải thông tin nội bộ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, SEC vẫn kết tội Winans với lí do là thông tin về cổ phiếu trong các bài báo thuộc về The Wall Street Journal chứ không phải Winans.

"Nữ hoàng kinh doanh" của Mỹ Martha Stewart

Tháng 12/2001, Cơ quan Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tuyên bố rằng họ sẽ không phê duyệt một loại thuốc trị ung thư mới có tên Erbitux của công ty dược phẩm ImClone.

Vì Erbitux được kì vọng lớn là sẽ được phê duyệt, loại thuốc này có vai trò quan trọng trong kế hoạch phát triển của ImClone. Ngay sau tuyên bố của FDA, cổ phiếu của ImClone cắm đầu lao dốc. Trong khi nhiều nhà đầu tư bị thua lỗ, gia đình và bạn bè của CEO Samuel Waksal của Erbitux lại không hề hấn gì.

Sau đó, SEC phát hiện rằng trước khi quyết định của FDA được công bố, nhiều giám đốc trong công ty đã bán cổ phiếu của họ dựa theo hướng dẫn của ông Waksal. Vị CEO này cũng đã cố gắng bán cổ phiếu của chính mình.

Trên thực tế, nữ doanh nhân Martha Stewart đã bán 4.000 cổ phiếu của ImClone chỉ vài ngày trước khi có thông báo từ FDA. Vào thời điểm này, cổ phiếu của ImClone vẫn được giao dịch ở mức giá khá cao. Bà Stewart thu về gần 250.000 USD từ số cổ phiếu đã bán. Vài tháng sau, giá ImClone nhanh chóng giảm từ 50 USD/cp xuống 10 USD/cp.

Bà Stewart tuyên bố đã đặt lệnh bán từ trước với nhà môi giới của mình. Nhưng thực chất bà đã được người môi giới mách nước rằng nhiều khả năng giá cổ phiếu ImClone sẽ giảm.

Cuối cùng bà Stewart phải từ chức CEO của công ty riêng của mình là Martha Stewart Living Omnidia. CEO của ImClone thì bị bắt, nhận bản án 7 năm tù và bị phạt 4,3 triệu USD vào năm 2003. Năm 2004, Stewart và người môi giới của bà cũng bị kết tội giao dịch nội gián. Bà Stewart bị kết án 5 tháng tù giam và bị phạt 30.000 USD.

Vụ thao túng Online của tỷ phú công nghệ Elon Musk

Hồi tháng 11 năm ngoái, ông Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla đăng tweet với nội dung là một cuộc bầu chọn có nên bán 10% cổ phần Tesla. Phần lớn ý kiến trên Twitter trả lời "có", Musk cũng làm theo ý kiến số đông.

Nhưng trước khi bán lượng lớn cổ phiếu ra thị trường, Musk vẫn phải gửi văn bản cho Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Mỹ (SEC) để đăng ký kế hoạch mua bán cổ phiếu và thời gian giao dịch dự kiến.

Trên thực tế, hồi năm 2018, SEC phạt nặng tỷ phú Musk và yêu cầu ông từ bỏ vị trí chủ tịch Tesla. Nguyên nhân là ông đăng tải lên Twitter bài đăng với ngụ ý mua lại toàn bộ cổ phiếu và biến Tesla thành một công ty tư nhân.

Vụ việc sau đó được giải quyết với số tiền 40 triệu USD và những thay đổi trong quản trị của công ty. Cùng với đó là một thỏa thuận yêu cầu bất cứ dòng tweet nào CEO Tesla đăng lên đều phải được phê duyệt trước.

Giáo sư Scott Galloway tại NYU Stern School of Business nhận định Elon Musk là doanh nhân có ảnh hưởng nhất thế giới, là người "có thể bóp méo hệ thống thị trường tự do của chúng ta".

"Vấn đề đáng lo ngại là gì?" giáo sư Scott Galloway đặt câu hỏi. Việc Elon Musk được coi là thần tượng đã làm méo mó dòng vốn và tài năng. Một thị trường lành mạnh sẽ không nhận tín hiệu từ những dòng tweet của một người.

Link gốc : http://daidoanket.vn/nhung-vu-thao-tung-thi-truong-co-phieu-dinh-dam-nhat-the-gioi-5683040.html

Bạn đang đọc bài viết Những vụ thao túng thị trường cổ phiếu đình đám nhất thế giới tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán