Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến thị trường chứng khoán thế giới trong ngày 28/2 tiếp tục đà tuột dốc suốt 1 tuần qua, khiến thị trường chứng khoán toàn cầu trải qua chuỗi ngày u ám nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Hậu quả là gần 6.000 tỷ USD đã "bốc hơi" trong tổng giá trị thanh khoản trên toàn cầu trong tuần giao dịch này.
Giao dịch viên làm việc tại Sở giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 25/2/2020. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Xu thế trượt dốc này chưa có dấu hiệu chậm lại khi các chỉ số chứng khoán chủ chốt của thị trường chứng khoán châu Âu giảm từ 3-5%, trong khi đà giảm liên tục của các khoản lợi tức từ trái phiếu Chính phủ Mỹ, lâu nay vốn được xem là tài sản an toàn nhất thế giới, tiếp tục xuống mức kỷ lục mới.
Nhiều chuyên gia đã hy vọng tình hình dịch bệnh COVID-19 khởi phát tại Trung Quốc đại lục sẽ qua đi trong vài tháng và hoạt động kinh tế sẽ nhanh chóng khôi phục lại, song trên thực tế, tuần qua, số ca nhiễm ngoài Trung Quốc tăng đáng kể. Có nhiều thông tin cho rằng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ nhanh chóng cắt giảm lãi suất vào tháng tới và nhiều ngân hàng trung ương khác cũng sẽ tìm cách bảo vệ nền kinh tế của mình vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và ngăn chặn nguy cơ suy thoái toàn cầu.
Hoạt động đi lại bị ngưng trệ, trong khi chuỗi cung cứng hàng hóa bị gián đoạn, trường học phải đóng cửa, nhiều sự kiện quốc tế phải hủy bỏ - tất cả những yếu tố này đã phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế thế giới, vốn suy yếu do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong suốt hơn một năm qua.
Trong tuần qua, chỉ số chứng khoán châu Á Thái Bình Dương MSCI (không tính Nhật Bản) đã giảm hơn 1% trước phiên giao dịch của thị trường chứng khoán Mỹ vào sáng 28/2 (theo giờ Mỹ) và đã giảm gần 10% trong tuần qua - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2008. Chỉ trong riêng ngày 27/2, các chỉ số chứng khoán Phố Wall đã giảm 4,4% - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8/2011.
Trong đó, cổ phiếu của các công ty lữ hành, hãng hàng không châu Âu giảm tới 18% - mức giảm lớn nhất kể từ các vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ. Trong khi đó, chỉ số CBOE, thường được biết đến với tên gọi "chỉ số e ngại", lại tăng vọt lên 47 điểm - mức cao nhất trong 2 năm qua, dù vài tháng gần đây, chỉ số này chỉ dao động trong khoảng từ 11-20 điểm.
Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei giảm 3,7% do xuất hiện lo ngại Đại hội Thể thao Olympic Tokyo 2020 có thể phải hủy bỏ do dịch COVID-19.
Chịu tác động của chứng khoán thế giới, chứng khoán Trung Quốc đã trượt dốc trong tuần qua dù tình hình dịch bệnh tại nước này đã có sự cải thiện đáng kể. Chỉ số CSI300 của Thượng Hải và Shenzhen của Hong Kong đã giảm 3,45% điểm, với mức giảm cả tuần là 5% - mức thấp nhất kể từ tháng 4/2019.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng SARS-CoV-2 có thể trở thành đại dịch khi COVID-19 đã lan sang các nền kinh tế lớn như Đức và Pháp. Trong 24 giờ qua, có khoảng 10 nước đã thông báo về những ca nhiễm đầu tiên, trong đó có Nigeria - nền kinh tế lớn nhất châu Phi.
Trong khi đó, giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua khi giảm tới 12% trong tuần qua - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2016, còn giá các loại kim loại công nghiệp đồng loạt giảm từ 3 đến 6%.
Hiện nhiều chuyên gia mong chờ quyết định cắt giảm lãi suất của FED để qua đó hỗ trợ tăng lượng tiền mặt trên thị trường. Các nhà phân tích dự đoán có 75% khả năng FED cắt giảm 0,25% lãi suất cơ bản trong cuộc họp ngày 17-19/3 tới. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể cắt giảm thêm 0,1% lãi suất vào tháng 6 tới.
Theo TTXVN