Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Tập đoàn Cotana (CSC): Thị giá ngược chiều hiệu quả kinh doanh

TDVN 10:16 24/02/2020

Trái ngược với đà đi xuống của hiệu quả kinh doanh, thị giá cổ phiếu CSC của Công ty cổ phần Tập đoàn Cotana lại có tốc độ tăng phi mã trong năm 2019 và tiếp tục diễn biến tích cực.

(Ảnh Internet)

CTCP Tập đoàn Cotana hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, hiện có 14 công ty thành viên và một chi nhánh tại TP.HCM, với vốn điều lệ hiện tại là 205 tỷ đồng.

Năm qua được coi là năm khó khăn của ngành xây dựng. Theo thống kê của Vietstock, trong 96 doanh nghiệp xây dựng niêm yết, có 12 doanh nghiệp báo lỗ và 43 doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm so với năm 2018. CSC cũng không tránh khỏi xu hướng này.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 của Cotana cho thấy, năm qua, Công ty đạt 437 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 4 tỷ đồng, lần lượt giảm 12,2% và 97% so với năm 2018.

Với kết quả này, Công ty chỉ hoàn thành 44% chỉ tiêu doanh thu và 8% chỉ tiêu lợi nhuận. Thu nhập trên mỗi cổ phần CSC từ mức 10.165 đồng trong năm 2018 đã rơi về 163 đồng.

Nhìn lại hoạt động kinh doanh của CSC những năm qua, có thể thấy năm 2019 là một bước lùi sâu của doanh nghiệp.

Từ mức 8 tỷ đồng trong năm 2015, lợi nhuận sau thuế của CSC tăng trưởng gấp đôi vào năm 2016 và đến năm 2018 đã cán mốc 122 tỷ đồng.

Cuối năm 2019, CSC còn bị truy thu, xử phạt gần 700 triệu đồng tiền thuế. Cụ thể, Cotana đã kê khai, xác định doanh thu tính thuế giá trị gia tăng chưa đúng quy định do xác định không đúng đối tượng không tính thuế, xuất giảm doanh thu không đủ hồ sơ theo quy định.

Mặc dù kết quả kinh doanh lao dốc, cổ phiếu CSC là một trong những cái tên "nóng" trên sàn chứng khoán với nhịp bứt phá ấn tượng.

Kết thúc năm 2019, cổ phiếu CSC tăng trưởng hơn 90%, lọt Top 5 doanh nghiệp xây dựng tăng giá mạnh nhất năm 2019.

Sang năm 2020, dù đà tăng có “hạ nhiệt” nhưng cổ phiếu này vẫn có diễn biến tích cực vượt trội. Cụ thể, trong khi các mã cùng ngành bất động sản và xây dựng với CSC như CCI, CCL, CIG, CLG, CX8, D11… trên sàn niêm yết được định giá từ dưới 2.000 đồng đến dưới 20.000 đồng, thì CSC dao động trong vùng giá từ 30.000 - 38.000 đồng/cổ phiếu trong thời gian gần đây.

Quan sát quan hệ cung - cầu của cổ phiếu CSC trên sàn Hà Nội cho thấy, số lệnh đặt mua - đặt bán khá ổn định, phiên thấp nhất cũng gần 100 lệnh, phiên cao có thể lên đến gần 400 lệnh mua cổ phiếu này.

Giao dịch sôi động, giá cổ phiếu được giữ ở mức cao trên nền hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp đi xuống, điều gì đang xảy ra tại CSC đang là mối quan tâm chung của nhiều thành viên thị trường.

Về phía CSC, kể từ cuối năm 2018, Ban lãnh đạo Công ty liên tiếp mua vào cổ phiếu, trong đó đáng chú ý nhất là vào cuối năm ngoái, ông Ðào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị CSC đã nâng lượng cổ phiếu nắm giữ trực tiếp lên hơn 5 triệu, tương ứng 24,47% cổ phần.

Hiện các thành viên Hội đồng quản trị và người có liên quan nắm giữ khoảng 55% trong tổng số 20,5 triệu cổ phiếu lưu hành (xem bảng), khiến số lượng cổ phiếu lưu hành tự do là không lớn.

Công ty này cũng vừa công bố ngày đăng ký cuối cùng dự họp Ðại hội đồng cổ đông là 12/3/2020 với dự kiến họp trong khoảng thời gian từ 20-28/4.

Trong khi CSC tăng giá theo cách ngược quy luật, nhà đầu tư chờ đợi lãnh đạo Công ty sớm công bố thông tin cụ thể về câu chuyện kinh doanh để nhìn rõ những mảng thông tin chưa lộ ra đại chúng.

Theo Tin nhanh Chứng khoán

Link gốc : https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep/tap-doan-cotana-csc-thi-gia-nguoc-chieu-hieu-qua-kinh-doanh-315761.html

Bạn đang đọc bài viết Tập đoàn Cotana (CSC): Thị giá ngược chiều hiệu quả kinh doanh tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán
Đã rất lâu, cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã CK: DLG) mới được giao dịch sôi động. Thể hiện ở khối lượng giao dịch tăng vọt, cá biệt có những phiên khớp lệnh tới hơn 20 triệu cổ phiếu.