Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Vững trước cơn bão, khối tiền 8 tỷ USD tiếp tục hút vốn lớn

TDVN 23:52 03/03/2020

Sàn Chứng khoán Hà Nội chứng kiến sự tăng trưởng khá ấn tượng và thanh khoản tăng vọt trong tháng 2 bất chấp dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của các nhà đầu tư.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố tổng kết giao dịch trong tháng 2/2020 với khá nhiều điểm tích cực bất chấp dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang gây ra nhiều lo ngại trong giới đầu tư.

HNX Index đạt 109,58 điểm tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2/2020, tăng 7,05% so với thời điểm cuối tháng 1.

Chỉ số HNX Index đạt mức cao nhất trong tháng 110,07 điểm vào ngày 18/2/2020 và thấp nhất 101,31 điểm vào ngày 3/2/2020. Giá trị vốn hóa thị trường đạt hơn 195,6 ngàn tỷ đồng (8,4 tỷ USD), tăng 4% so với thời điểm cuối tháng 1/2020, tương đương mức tăng 8,4 ngàn tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm trước thì tháng 2 năm nay, tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu niêm yết đạt 878 triệu cổ phiếu, tăng 51% và giá trị giao dịch đạt hơn 10,1 ngàn tỷ đồng, tăng 31%. So sánh về giao dịch bình quân thì giá trị giao dịch bình quân tại tháng 2/2020 giảm 2% nhưng khối lượng giao dịch trung bình tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.

Thanh khoản thị trường tăng mạnh, khối lượng giao dịch đạt 878 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt.. tăng 77% về khối lượng giao dịch và 87% về giá trị giao dịch so với tháng trước. Tính bình quân, giá trị giao dịch trong tháng đạt hơn 507 tỷ đồng/phiên, tăng 58,9% so với tháng trước, tương ứng khối lượng giao dịch đạt hơn 43,9 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 51,3% so với tháng trước.

Biến động chỉ số HNX-Index trong tháng 2/2020.

Tháng 2/2020, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt 47,2 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 578 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị giao dịch mua vào đạt hơn 229,7 tỷ đồng, tổng giá trị bán ra đạt hơn 472,3 tỷ đồng. Tính chung trong tháng, trên thị trường cổ phiếu niêm yết HNX, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 242,6 tỷ đồng.

Trong tháng 2/2020, tổng giá trị giao dịch của nhóm cổ phiếu HNX30 đạt hơn 7,9 ngàn tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch đạt hơn 586 triệu cổ phiếu (tăng 58% so với tháng 1), chiếm tỷ trọng 78,41% giá trị giao dịch và 66,76% khối lượng giao dịch toàn thị trường.

Chỉ số Upcom-Index trong tháng 2.

Thị trường sẽ sớm khởi sắc

Trong tháng 2/2020, cũng theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trên thị trường UPCoM có thêm 5 doanh nghiệp đăng ký giao dịch (ĐKGD) cổ phiếu mới; và 1 doanh nghiệp hủy đăng ký giao dịch là CTCP Trà Rồng Vàng. Tổng số doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên thị trường này tính đến hết ngày 28/2 (ngày giao dịch cuối cùng của tháng) là 883 doanh nghiệp với tổng khối lượng ĐKGD đạt hơn 42,1 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị ĐKGD hơn 421 nghìn tỷ đồng.

Tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 2, chỉ số UPCoM-Index đạt 55,05 điểm, giảm 0,15% so với thời điểm cuối tháng trước. Giá trị vốn hóa thị trường UPCoM tại phiên giao dịch cuối tháng 2 đạt xấp xỉ 836,6 tỷ đồng, giảm 3,61% so với tháng trước.

Toàn thị trường có hơn 295,7 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 6,4 nghìn tỷ đồng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 14,8 triệu cổ phiếu/phiên (tăng 16,19% so với tháng trước), giá trị giao dịch đạt hơn 319 tỷ đồng/phiên (tăng 46,74% so với tháng trước).

Tháng này, nhà đầu tư nước ngoài giao dịch tổng cộng 39,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,38 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị mua vào đạt 653,9 tỷ đồng, giá trị bán ra đạt 729,8 tỷ đồng. Tính chung cả tháng, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng xấp xỉ 76 tỷ đồng trên thị trường UPCoM.

Theo KIS Việt Nam, thị trường tháng 3 với những kỳ vọng tích cực hơn với thị trường sau giai đoạn ảm đạm đầu năm.

Chỉ số Upcom-Index trong tháng 2.

Trước ảnh hưởng dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những phản ứng rất nhanh. Cuối ngày 24/02, NHNN đã có văn bản khẩn gửi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước và các chi nhánh nước ngoài hướng dẫn tìm giải pháp hỗ trợ khách hàng vay trong bối cảnh dịch Covid-2019. Theo đó, dựa trên yêu cầu của khách hàng, TCTD đánh giá và được phép gia hạn thời hạn nợ, giảm lãi suất và duy trì nhóm nợ cho những khách hàng vay bị ảnh hưởng tiêu cực bởi virus và có khoản nợ gốc hoặc lãi đến hạn trong khoảng thời gian từ 23/01-31/03.

Chính sách tiền tệ hợp lý có thể khiến chứng khoán phục hồi theo mô hình chữ V. Hơn nữa, khi virus được kiểm soát, các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ bắt đầu nới lỏng các chính sách tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế. Và như thường lệ, thị trường chứng khoán có thể sẽ phản ánh các chính sách này trong mô hình phục hồi chữ V, có thể xảy ra vào tháng 3 trong kịch bản tốt nhất.

Gần đây, nhiều quỹ đưa ra đánh giá tích cực về TTCK Việt Nam. Quỹ PYN Elite Fund thậm chí tính đến phương án đầu tư “tất tay” (All in) vào TTCK Việt Nam. Quỹ ngoại này cho rằng chứng khoán Việt Nam đã có mức giá hấp dẫn ngay trước cả khi sụt giảm bởi dịch Covid-19.

Theo PYN Elite Fund, các công ty niêm yết ở Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng lợi nhuận cao, nhưng chỉ số chung đã điều chỉnh và sẵn sàng cho một cú nhảy bật trong vài năm tới. Chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu (P/E) của chỉ số Vietnam Allshare năm 2020 là 10,5x và năm tới là 9x. Theo PYN, đây là mức giá rất rẻ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam cũng như triển vọng tăng trưởng lợi nhuận các công ty.

Theo Vietnamnet

Link gốc : https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/giua-bao-covid-19-san-8-ty-usd-co-them-8-6-ngan-ty-dong-621248.html

Bạn đang đọc bài viết Vững trước cơn bão, khối tiền 8 tỷ USD tiếp tục hút vốn lớn tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán
Ngay khi mở cửa thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index rơi một mạch theo phương thẳng đứng và mất hơn 14 điểm. Đến khoảng 10h30 phút các chỉ số lại tiếp tục giảm mạnh.
Ngày 26/2, dù đã bình tĩnh hơn sau 2 phiên hoảng loạn, nhưng những thông tin tiêu cực liên tiếp về sự lây lan của virus Covid-19 sau đó được đưa ra khiến phố Wall có phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp.