Mặc dù doanh thu sụt giảm, nhưng nhiều ngân hàng vẫn nhận được khoản lợi nhuận trả trước từ ký kết độc quyền với công ty bảo hiểm. (Ảnh: Int) |
Tỷ lệ huỷ hợp đồng sau năm đầu lên đến 73%
Theo Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ qua kênh đại lý cá nhân, kênh đại lý tổ chức - bán qua ngân hàng... ước đạt 81.400 tỷ đồng, chỉ giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Dù doanh thu từ phí bảo hiểm nhân thọ tại các ngân hàng đã giảm trong những tháng đầu năm do những lùm xùm trước đó nhưng đây vẫn là "mỏ vàng" đối với các ngân hàng.
Đặc biệt, doanh thu này cũng đã giảm dần từ một vài năm trước được “lộ diện” qua công bố kết luật thanh tra của Bộ Tài chính tại 4 công ty bảo hiểm lớn ở Việt Nam.
Tại Prudential Việt Nam, năm 2021 doanh thu phí bảo hiểm qua kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng gần 6.200 tỷ đồng. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh này đạt 3.700 tỷ đồng, tương đương gần 55% doanh thu phí khai thác mới.
Prudential cũng phát hành hơn 94.000 hợp đồng bảo hiểm qua kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng trong năm 2021. Tuy nhiên sau năm đầu tiên, có tới 41% khách hàng hủy hoặc mất hiệu lực hợp đồng. Như vậy, khoảng 38.000 hợp đồng bảo hiểm của khách hàng vay vốn đã hủy hợp đồng bảo hiểm sau khi được giải ngân khoản vay. Đối chiếu với khoản doanh thu phí từ kênh bancass, khách hàng đã "mất" khoảng 2.000 tỷ đồng.
Tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas, năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đạt gần 4.500 tỷ đồng, tương ứng 78% tổng doanh thu phí. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đạt 2.820 tỷ đồng, tương đương 74% khai thác mới.
MB Ageas phát hành mới hơn 66.700 hợp đồng bảo hiểm qua kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Tuy nhiên, trong đó có gần 4.000 hợp đồng bị hủy trong thời gian cân nhắc. Sau năm đầu tiên, có 32,4% hợp đồng bảo hiểm mới qua kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng bị hủy.
Còn tại Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife, dù chỉ bán bảo hiểm qua Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam nhưng doanh thu phí bảo hiểm của kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng chiếm tới 99,2%, tương đương 1.553 tỷ đồng. Năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới triển khai bán thông qua ngân hàng đạt 452 tỷ đồng, chiếm 98,3% tổng doanh thu phí khai thác mới, nhưng cũng có tới 39,4% khách hàng hủy hợp đồng sau năm đầu tiên.
Đối với Sun Life, năm 2021 doanh nghiệp này có doanh thu phí bảo hiểm qua kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đạt 2.038 tỷ đồng, tương ứng 61,15% tổng doanh thu phí. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm qua Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đạt 1.248 tỷ đồng (chiếm 61,26%) và tổng doanh thu phí bảo hiểm qua Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) đạt 789 tỷ đồng (chiếm 38,74%). Tuy nhiên, tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau năm thứ nhất của các hợp đồng phát hành qua TPB đạt 73%, qua ACB ở mức 39%.
Nhận chi phí trả trước
Trong 2023, VNDirect dự báo tăng trưởng phí dịch vụ từ hoạt động banca (phân phối bảo hiểm độc quyền qua ngân hàng) của ngành ngân hàng sẽ chậm lại đáng kể do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng xấu đến thu nhập của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó là các cơ quan quản lý đang đẩy mạnh việc thanh tra hoạt động banca giữa những thông tin về việc người vay vốn ngân hàng bị ép mua bảo hiểm hay khách hàng gửi tiền bị nhân viên ngân hàng tư vấn không rõ ràng, khiến khách hàng tưởng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư là gửi tiết kiệm.
Theo báo cáo tại VNDirect, HDBank, ACB, và VIB có tổng thu nhập hoạt động từ banca lần lượt ở mức 9% (6 tháng năm 2022), 7% (cả năm 2022), và 6% (cả năm 2022).
Còn theo các chuyên gia phân tích của VCBS, việc các cơ quan chức năng đẩy mạnh thanh tra kiểm tra ngân hàng ép khách mua bảo hiểm có thể khiến hoạt động bán chéo bảo hiểm của ngân hàng gặp khó khăn hơn các năm trước đây. Tuy nhiên nhiều ngân hàng vẫn được "lót tay" cả ngàn tỷ đồng từ các hợp đồng ký kết hợp tác độc quyền với công ty bảo hiểm.
Chẳng hạn LPBank đã chính thức ký hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền với Dai-ichi Life trong 15 năm, với mức phí trả trước mà ngân hàng nhận được lên đến 3.000 tỷ đồng, chưa kể doanh thu từ hoa hồng bảo hiểm được kỳ vọng tăng từ 30 - 40% mỗi năm.
Thực tế, trong năm 2023 các ngân hàng như Vietcombank, ACB, VietinBank, Sacombank và VPBank cũng ghi nhận một phần phí trả trước cho hợp đồng độc quyền đã ký.
Doanh thu bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) trong 4-5 năm qua liên tục tăng, tiến gần tới vị thế của một kênh chủ lực của các nhà băng. Hiện tại hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam đều đã ký hợp đồng độc quyền phân phối cho các hãng bảo hiểm. Một số ngân hàng chưa ký độc quyền và xem đó như "của để dành" trong một thị trường ngày càng mở rộng.
Theo Nhịp sống thị trường