Hà Nội, Chủ nhật Ngày 08/09/2024

Chật vật mưu sinh mùa dịch Covid-19

TDVN 17:07 03/03/2020

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19), đời sống của người lao động gặp không ít khó khăn.

Công nhân lao động chủ động đeo khẩu trang khi làm việc hoặc tiếp xúc với người lạ để phòng tránh dịch bệnh Covid-19. (Ảnh: Giang Nam)

Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng

Ít ngày gần đây, cộng đồng mạng chia sẻ một video mà trong đó nữ quản lí của một khách sạn thông báo kế hoạch nghỉ việc tạm thời dành cho nhân viên vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nữ quản lí công bố hai phương án để mọi người lựa chọn. Với những người tự nguyện nghỉ việc, khách sạn sẽ trợ cấp 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Với những người không thể nghỉ việc, khách sạn sẽ tạo điều kiện để họ làm 18 ngày công và hưởng mức lương 4 triệu đồng mỗi tháng từ ngày 1/3.

Lương của bếp trưởng là 20 triệu đồng nhưng mức lương sắp tới cũng sẽ là 4 triệu đồng như những nhân viên bình thường. Ngay khi được đăng tải, video đã nhận được nhiều sự quan tâm, đồng tình và cảm thông. Nhiều cư dân mạng còn cho rằng, đây là ví dụ rõ nét nhất về tình trạng người lao động giữa mùa dịch khi phải chật vật với công ăn việc làm bị ngưng trệ.

Không chỉ tồn tại trên mạng xã hội, theo ghi nhận trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 cánh tài xế xe công nghệ cũng chịu cảnh vắng khách, giảm thu nhập. Anh Dương - tài xế GrabBike thường hoạt động tại bến xe Giáp Bát cho biết, thường mỗi ngày chạy được 20-25 chuyến, có thêm tích điểm thưởng. Thu nhập sau các chuyến mỗi ngày thường được khoảng 300.000-400.000 đồng. Tuy nhiên, hiện mỗi ngày anh Dương chỉ chạy được 4-5 chuyến, kiếm được 100.000-200.000 đồng. Trừ chiết khấu, xăng cộ, hao mòn dư được 30.000-50.000 đồng.

Anh Dương cho rằng, vì lo ngại lây lan từ Covid-19 nên giới văn phòng, công chức thường ngại ra đường lúc này khi không thật cần thiết. Đặc biệt, nhu cầu ra ngoài buổi tối đến các địa điểm vui chơi, ăn uống cũng giảm hẳn... tất cả khiến thu nhập của tài xế GrabBike như anh Dương sụt giảm.

Chung tình cảnh tương tự, chị Nguyễn Thị N. thường thuê góc nhỏ mặt tiền gần một trường tiểu học tại quận Hà Đông để bán hàng ăn và nước uống. Ban đầu, dù trường đóng cửa chị cũng mở quán để kinh doanh. Song việc buôn bán chỉ kéo dài vỏn vẹn được tuần đầu rồi phải nghỉ vì… quá ế. Tìm hiểu được biết, hiện sinh viên, học sinh trên địa bàn Thủ đô đều được nghỉ học. Thời gian nghỉ học tránh dịch kéo dài, kết hợp với kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2 tuần, đồng nghĩa suốt thời gian qua, lượng khách hàng mang lại thu nhập chính cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ như chị N. không còn.

Chia sẻ khó khăn với người lao động

Dịch bệnh từ Covid-19 kết hợp với thời tiết không thuận lợi thời gian qua đã khiến một số mặt hàng nhu yếu phẩm tăng giá. Qua ghi nhận tại các khu chợ tạm quanh địa điểm có đông công nhân lao động sinh sống, giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng cao, đặc biệt là rau xanh. Nhiều công nhân đi chợ phải đắn đo, cân nhắc mua từng mớ rau, lạng thịt bởi đồng lương hạn hẹp, chỉ cần quá tay một chút sẽ thâm hụt vào các khoản chi tiêu khác.

Ngoài đối mặt với nỗi lo cơm áo, với những gia đình công nhân lao động có con nhỏ, việc học sinh được nghỉ học để tránh dịch cũng khiến không ít công nhân đau đầu khi vừa phải bố trí thời gian trông con vừa phải bảo vệ sức khỏe cho con.

Anh Vũ Văn Thế, công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Nội Bài chia sẻ, hai vợ chồng đều làm công nhân nên phải sắp xếp thời gian, xin thay đổi ca làm để có người ở nhà trông con. Đây là nguyên nhân khiến nảy sinh nhiều nỗi bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, con trẻ nghỉ tránh dịch khiến cha mẹ như anh Thế phải “kiêm nhiệm” nhiều vai trò, vừa là giáo viên, người trông trẻ và cả… bác sĩ để phòng tránh Covid-19.

“Trong khi con ở nhà, chúng tôi cho con làm các bài tập giáo viên giao và xem tivi. Đồng thời hướng dẫn con thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang theo đúng chỉ định và tuyệt đối không cho con tiếp xúc với người lạ, chỗ đông người” - anh Vũ Văn Thế chia sẻ.

Được biết, để cuộc sống của người lao động không bị xáo trộn các cấp Công đoàn Thủ đô đã tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ. Cụ thể, Công đoàn của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) chủ động trang bị cho cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là lái xe, phụ xe khẩu trang, dung dịch tẩy rửa, lau chùi xe, dung dịch sát khuẩn tay. Đặc biệt, Transerco còn phát khẩu trang y tế miễn phí cho hành khách đi xe buýt và tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh để mọi người yên tâm hơn khi sử dụng dịch vụ.

Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội Tạ Thị Mỹ Thanh cho biết, Ban Thường vụ Công đoàn ngành yêu cầu các Công đoàn cơ sở trực thuộc thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban nhân dân Thành phố, Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của của vi rút Corona gây ra.

Các công đoàn cơ sở phải coi công tác phòng, chống dịch bệnh như “chống giặc”, kiên quyết ngăn chặn dịch; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động và cộng đồng; chủ động, bình tĩnh, xử lý kiên quyết và phải có phương án, kế hoạch cụ thể để kiểm soát tốt nhất dịch bệnh này theo phương châm 4 tại chỗ.

Phó Chủ tịch Công đoàn Ngô Minh Hoàn chia sẻ thêm: Hiện Công đoàn ngành đã chủ động triển khai đến các Công đoàn cơ sở trực thuộc tham gia với cấp ủy, chính quyền chuyên môn đồng cấp các giải pháp phòng chống dịch như: Tuyên truyền vận động công nhân viên chức lao động tự phòng chống dịch; vận động đoàn viên, công nhân viên chức lao động thực hiện tốt việc phòng dịch theo hướng dẫn của các cơ quan y tế, đảm bảo vệ sinh cá nhân.

Xác định công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, Ban thường vụ Công đoàn ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Công đoàn khẩn trương quyết liệt thực hiện các biện pháp chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, đảm bảo sự ổn định phát triển các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Các biện pháp phòng chống dịch đã được các công đoàn cơ sở tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức hiệu quả. Chúng tôi đẩy mạnh kết hợp giữa phương pháp tuyên tuyền truyền thống với việc tuyên tuyền thông qua các Trang thông tin điện tử, mạng xã hội, Facebook…

Trong báo cáo về tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, qua báo cáo của 30/63 tỉnh/thành phố, trong tổng số 181.597 doanh nghiệp có 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động (chiếm 0,18%), 553 doanh nghiệp giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh (chiếm 0,3%).

Ngoài ra, qua báo cáo của 22/63 tỉnh/thành phố, trong tổng số 8.773 lao động bị ảnh hưởng thì ngành nông, lâm và thủy sản có 3.227 người (chiếm 36,8%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có 2.252 người (chiếm 25,7%); ngành vận tải, kho bãi có 1.121 người (chiếm 12,8%); ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có 665 người (chiếm 7,6%). Còn lại một số ngành khác có lao động bị ảnh hưởng nhưng số lượng không nhiều.

Về số lao động bị mất việc làm, theo báo cáo của 22/63 tỉnh/thành phố, số lao động bị mất việc là 1.027 người; chủ yếu rơi vào ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (365 người, chiếm 35,5%) và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (106 người, chiếm 10,3%). Số mất việc làm còn lại rải rác ở một số ngành khác.

Theo LĐTĐ

Link gốc : http://laodongthudo.vn/chat-vat-muu-sinh-mua-dich-covid-19-104172.html

Bạn đang đọc bài viết Chật vật mưu sinh mùa dịch Covid-19 tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương