Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Đã “bơm” tiền từ khoản vay đầu tiên cho cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

TDVN 10:52 11/03/2020

Ngân hàng đã giải ngân khoản vay đầu tiên cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cam kết giải ngân 2.000 tỷ đồng trong tháng 3.

Tiến độ thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đến nay đạt 35%.

Ngày 11/3, Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, ngày 9/3 ngân hàng VietinBank (ngân hàng đầu mối) đã thực hiện giải ngân khoản vay đầu tiên cho 4 gói thầu tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Trong tháng 3/2020, dự kiến sẽ giải ngân khoảng 2.000 tỷ đồng vào dự án thông qua các gói thầu đủ điều kiện. Đại điện VietinBank chi nhánh 4 cho biết đã cùng các ngân hàng đồng tài trợ cam kết sẵn sàng đáp ứng đầy đủ vốn, kịp thời theo đúng hợp đồng đã ký với doanh nghiệp dự án.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 12.686 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác do Nhà đầu tư huy động là 3.814 tỷ đồng. Vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án là 2.186 tỷ đồng và vốn tín dụng do liên danh các ngân hàng gồm: VietinBank, BIDV, Agribank, VPBank cho vay là 6.686 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, việc thu xếp vốn tín dụng ngay từ đầu đã hết sức khó khăn. Doanh nghiệp dự án cùng với ngân hàng đã nghiêm túc đàm phán và ký kết hợp đồng tín dụng, tháo gỡ hơn 17 điều kiện giải ngân tiên quyết theo quy định tại hợp đồng tín dụng.

Theo báo cáo của Ban điều hành dự án này, hiện các nhà thầu đã thi công đạt hơn 35% tổng khối lượng. Mục tiêu chung của chủ đầu tư là thông tuyến dự án vào cuối năm 2020 và khánh thành trong năm 2021.

Theo Báo Giao thông

Link gốc : https://www.baogiaothong.vn/da-bom-tien-tu-khoan-vay-dau-tien-cho-cao-toc-trung-luong-my-thuan-d456038.html

Bạn đang đọc bài viết Đã “bơm” tiền từ khoản vay đầu tiên cho cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương