Lâu nay, tình trạng tàu cá hoạt động khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh không đúng vùng, không đúng tuyến vẫn thường xuyên xảy ra. Tàu vùng khơi thì khai thác vùng lộng, tàu vùng lộng thì lại “vươn” ra khai thác vùng khơi, thậm chí tàu ven bờ có khi mạo hiểm ra tận vùng lộng, vùng khơi để đánh bắt hải sản. Điều này vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý tàu cá, quản lý khai thác thủy sản.
Ông Nguyễn Viết Hùng – Phụ trách Phòng khai thác thủy sản – Chi cục Thủy sản cho biết: Trước thực trạng các tàu cá có màu sơn cabin lộn xộn, theo kiểu như “mạnh ai nấy làm” khiến cho lực lượng chức năng không xác định được kích cỡ tàu và các vùng, tuyến khai thác để xử lý khi phát hiện vi phạm.
Cabin tàu được sơn lộn xộn khiến cho lực lượng chức năng khó xác định kích cỡ tàu |
“Chấn chỉnh vấn đề này, Điều 25 của Thông tư 23/2018/TT- BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định cụ thể đánh dấu tàu cá. Theo đó, màu sơn xanh cho tàu có chiều dài từ 6m đến dưới 12m (ven bờ) ; màu sơn vàng cho tàu từ 12m đến dưới 15m (vùng lộng) và màu ghi sáng đối với tàu có chiều dài lớn nhất 15m trở lên (vùng khơi). Trường hợp tàu không có cabin phải sơn màu theo quy định toàn bộ phần mạn khô của tàu.” - ông Hùng cho biết thêm.
Để triển khai thực hiện, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đã phối hợp với các địa phương vùng biển tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, lồng ghép trong các buổi tập huấn cho bà con ngư dân thực hiện theo đúng quy định. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có gần 200 tàu sơn màu đúng theo kích cỡ, chủ yếu là những tàu đánh bắt vùng khơi và vùng lộng ở thị xã Kỳ Anh, Lộc Hà, Nghi Xuân ...
Tàu của ngư dân Nguyễn Văn Sơn xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) hiện đã được kẻ màu sơn theo quy định của ngành chức năng |
Tàu số hiệu HT90175TS của ngư dân Nguyễn Văn Sơn ở xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) hiện đã đánh dấu tàu cá theo quy định của ngành chức năng. Anh Sơn cho hay: Tàu có chiều dài trên 15m đánh bắt vùng khơi nên anh đã cho sơn màu ghi sáng lên cabin thay cho màu vàng trước đây. Việc sơn màu cho tàu chỉ tốn vài trăm nghìn đồng tiền sơn và chổi lông; không khó nên anh mua về tự làm.
Theo ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, việc “khoác áo” mới cho các loại tàu cá có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng quản lý và kiểm soát hoạt động tàu cá. Cũng từ đó, phát hiện, xử lý những trường hợp tàu cá vi phạm khai thác hải sản sai tuyến, vùng biển đánh bắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi hải sản, mất an toàn cho ngư dân và tàu cá ...
Các địa phương cần đốc thúc các chủ tàu tiến hành đánh dấu tàu theo quy định |
Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh mới chỉ có 200/3.697 tàu thuyền được “khoác áo” mới theo quy định. Với số lượng tàu thuyền còn lại chưa thực hiện, đòi hỏi ngành chuyên môn cùng chính quyền địa phương liên quan phải tiếp tục quan tâm, vào cuộc triển khai quyết liệt.
Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đốc thúc các chủ tàu thực hiện sơn tàu theo đúng lộ trình đặt ra trong năm 2020. Đặc biệt, phải kiên quyết xử phạt các tàu cá không thực hiện theo luật định.
Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, tại Điều 36 Vi phạm quy định về đánh dấu tàu cá, cụ thể: Phạt 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi không đánh dấu nhận biết tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m; phạt tiền từ 5- 7 triệu đồng đối với hành vi không đánh dấu nhận biết tàu cá có chiều dài từ 15 đến dưới 24m; phạt 7 – 10 triệu đồng đối hành vi không đánh dấu nhận biết với những tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên. Mức phạt trên cũng áp dụng đối với những tàu đánh dấu sai quy định. |