Xác định thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới là một nội dung quan trọng trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, ngay từ năm đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện Kim Bôi đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm đẩy mạnh tốc độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn huyện.
Xã Hạ Bì là mộ trong những xã tiêu biểu về xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi |
Từ 19 tiêu chí xây dựng NTM, ở các xã trên địa bàn huyện đã thành lập các ban chỉ đạo, các ban quản lí cấp xã, thành lập các ban phát triển ở thôn xóm. Từ đó, khơi dậy ý thức tự giác, tự nguyện tham gia của mọi tầng lớp nhân dân. Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu đề ra, huyện Kim Bôi đã chỉ đạo các xã thực hiện tốt quy chế dân chủ, phát huy tính năng động, sáng tạo của người dân, trước khi đầu tư xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn, các xã cần tổ chức họp dân, bàn bạc, công khai để đi đến thống nhất, huy động tối đa nguồn lực trong dân, sự ủng hộ của doanh nghiệp.
Tính từ năm 2015 đến nay, diện mạo nông thôn tại Kim Bôi từng bước được cải thiện, tỷ lệ đường giao thông từng bước được nhựa hóa, bê tông hóa ngày càng cao thuận tiện cho việc đi lại sinh hoạt và sản xuất của người dân; các cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, sạch đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.
Tỉ lệ đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa ngày càng cao tại Kim Bôi |
Bà Vũ Thị Ngọc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Bôi cho biết: “ Công tác xây dựng NTM triển khai có hiệu quả đã tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và các tầng lớp nhân dân. Một bộ phận nhân dân đã tích cực tự nguyện hiến đất, đóng góp về vật chất và nhân lực để xây dựng cơ sở hạ tầng như làm đường giao thông, thủy lợi, …”.
Cũng theo bà Ngọc, phần lớn nhận thức của cán bộ và nhân dân về Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được nâng lên, tạo được phong trào khí thế thi đua xây dựng nông thôn mới ở các xã; Các cấp, các ngành đã quan tâm chỉ đạo, tập trung lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương đặc biệt là các xã điểm, chăm lo phát triển giáo dục, y tế để từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố; thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao; hệ thống văn bản hướng dẫn và các cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình cơ bản hoàn thiện.
Dự kiến trong năm 2020, người dân huyện Kim Bôi sẽ tiếp tục tự nguyện hiến khoảng 371.160 m2 đất thổ cư, đất nông nghiệp để xây dựng Nhà văn hóa xã, khu thể thao xã… và trên 150.000 ngày công lao động đào đắp, đổ bê tông đường giao thôn nội đồng, nạo vét kênh mương... Tổng số nguồn lực huy động được là 1.670,8 tỷ đồng.
Số xã đạt chuẩn NTM là 10 xã, đạt 100% Nghị quyết đề ra. Bình quân thu nhập đầu người là 25 triệu đồng, đạt 100% Nghị quyết đề ra. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện hàng năm đạt 100% Nghị quyết đề ra. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn Quốc gia là 93%, đạt 103,3% Nghị quyết đề ra. Tỷ lệ dân số tham gia Bảo hiểm y tế là 99,6%, đạt 104,8% Nghị quyết đề ra.
Tính đến hết năm 2019, bình quân tiêu chí của cả huyện đạt 14,7 tiêu chí/xã. Cụ thể: Số xã đạt 19 tiêu chí: 08 xã (các xã: Trung Bì, Kim Bình, Nam Thượng, Bắc Sơn; Hợp Kim, Hạ Bì, Kim Bôi, Sơn Thủy).Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí: 02 xã; Số xã đạt từ 10-14 tiêu chí: 17 xã; Không có xã đạt dưới 10 tiêu chí.
Hạ Bì là một trong 08 xã đạt đủ 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới |
Nhìn chung, tiến độ thực hiện của từng loại tiêu chí đã có chuyển biến tích cực, các tiêu chí đều tăng so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, các tiêu chí đạt tỉ lệ cao như: Quy hoạch: 27/27 xã, đạt 100%; Điện: 27/27 xã, đạt 100%; Thông tin và Truyền thông 27/27 xã, đạt 100%; Lao động có việc làm: 27/27 xã, đạt 100%; Giáo dục 27/27 xã, đạt 100%; Hệ thống chính trị xã hội và Tiếp cận pháp luật: 27/27 xã, đạt 100%; An ninh trật tự xã hội 27/27xã, đạt 100%. Một số Tiêu chí còn đạt tỉ lệ thấp như: Trường học 11/27 xã, đạt 40,7%; Cơ sở vật chất văn hóa 11/27 xã, đạt 40,7%; Thu nhập: 8/27 xã, đạt 29,6%; Hộ nghèo 9/27 xã, đạt 33,3%; Môi trường 12/27 xã, đạt 44,4%.
Có thể nói, phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành một phong trào ý nghĩa và có sức lan tỏa sâu rộng, được người dân đồng tỉnh hưởng ứng. Nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới ngày càng được nâng cao, nhất là trong phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, trong bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh trật tự, góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn của huyện
Thôn Bình Tân, xã Nam Thượng đã cứng hóa trên 70% đường giao thông, giúp bà con thuận tiện đi lại và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. |
Cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, nâng cao chất lượng - hiệu quả sản xuất. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển,chất lượng nông sản này được quan tâm đầu tư, tăng trưởng ngành nông nghiệp hàng năm đạt 4 - 5%. Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng hoàn thiện cả về chính trị, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và kỹ năng vận động quần chúng. An ninh, trật tự xã hội ở nông thôn tiếp tục được giữ vững và ổn định.
Tuy nhiên, công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn huyện Kim Bôi vẫn còn tồn tại một số hạn chế như nhu cầu xây dựng nông thôn mới của địa phương là rất lớn, nhưng vốn ngân sách nhà nước (kể cả vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác) còn thấp so với yêu cầu, đặc biệt là cơ sở hạ tầng trong khi đó khả năng huy động nguồn nội lực còn rất hạn chế vì đa số là các xã 135, CT229, thu nhập của người nông dân còn thấp, vốn huy động từ các doanh nghiệp không nhiều.
Chất lượng một số tiêu chí NTM tại một số xã đạt chuẩn NTM còn hạn chế. Cảnh quan môi trường nông thôn chưa thật sự xanh - sạch - đẹp. Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn có xu hướng gia tăng ở nhiều nơi. Tác động của thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại về tài sản, con người và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, qua đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập, hộ nghèo, môi trường...
Bởi vậy, Đảng bộ và Chính quyền huyện Kim Bôi kiến nghị Trung ương cân đối tăng mức hỗ trợ vốn trực tiếp của Chương trình cho các địa phương miền núi phía Bắc, nhất là vốn đầu tư phát triển, hỗ trợ công tác tuyên truyền, công tác quy hoạch xã NTM sau khi sáp nhập.Ưu tiên tập trung hỗ trợ cho các thôn, xóm xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; hỗ trợ một số nội dung trọng tâm để thúc đẩy phát triển, nâng cao thu nhập, đặc biệt là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Trong giai đoạn 2021-2025, phát huy những kết quả đạt được của giai đoạn 10 năm để đề ra được Chương trình, mục tiêu cụ thể sát với tình hình thực tế, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới ở các thôn, xóm khó khăn; phát động các phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới; xác định tiêu chí, nhiệm vụ cụ thể cần tập trung nâng cao chất lượng, khắc phục những yếu kém, khơi dậy được những tiềm năng, lợi thế phát triển, nâng cao trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ sở; huy động các nguồn lực để xây dựng chương trình, đặc biệt là sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để tạo động lực phát triển; quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra đến năm 2025.
An Dân – Trà Giang -ĐTVN/SHTT