Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa những thế mạnh để bứt phá

Nhanh Trần (TH-ĐTVN)/SHTT 14:33 17/01/2020

Đây là một huyện của tỉnh Thanh Hóa có nhiều mỏ vàng có thể khai thác ở quy mô công nghiệp: Cẩm Quý, Cẩm Tâm, Cẩm Long

Cẩm Thủy là một huyện nằm ở phía tây bắc của tỉnh Thanh Hóa, có diện tích 425,03 km², huyện lỵ cách thành phố Thanh Hóa 70 km. Cẩm Thủy có địa hình dạng lòng chảo và thấp dần từ phía tây nam và đông bắc xuống thung lũng sông Mã, trong đó trên 80% diện tích là đồi núi. Đường liên vận quốc tế 217 dài 40 km nối vùng thượng Lào với biển Đông. Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 217, sông Mã giao nhau tại thị trấn Phong Sơn tạo điều kiện gắn Cẩm Thủy với các lãnh thổ kinh tế trong và ngoài tỉnh, nhất là với thủ đô Hà Nội và các vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Cẩm Thuỷ có lực lượng lao động dồi dào, trẻ, năng động, đã dần tiếp cận với nền kinh tế thị trường, hàng năm có gần 1.000 lao động được đào tạo, xuất khẩu trên 100 lao động. Đây là nguồn lao động có đủ điều kiện phục vụ cho nền sản xuất công nghiệp.

Nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng có nhiều mỏ vàng có thể khai thác ở quy mô công nghiệp: Cẩm Quý, Cẩm Tâm, Cẩm Long…quặng phốt phát ở Cẩm Tú, Cẩm Sơn, Cẩm Giang, Cẩm Thành… than bùn và than đá ở Cẩm Yên, Cẩm Ngọc, Cẩm Phú… quặng ở Cẩm Tú, Cẩm Giang, Cẩm Quý…Đất đai màu mỡ phù hợp cho sự phát triển cây công nghiệp, lâm nghiệp (cao su, luồng, tre, nứa), cây công nghiệp ngắn ngày (mía), cây màu lương thực (ngô, lúa, đậu, lạc) và phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng (gạch). Nguồn nước mặt sông Mã và nguồn nước ngầm đủ cung cấp phục vụ sản xuất và sinh hoạt của huyện.

Với diện tích khoảng 7.000 ha trữ lượng lớn núi đá vôi, nằm không xa các trục giao thông chính, đây là nguồn nguyên liệu phục vụ phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Xi măng, đá ốp lát xuất khẩu.

Toàn huyện có trên 15.000 ha rừng diện có, gần 2000 ha rừng trồng; Cây lâm nghiệp chủ yếu là lát, lim, tràm, keo, luồng, tre, nứa…đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho sản xuất mây tre đan xuất khẩu, đồ mộc, giấy…

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng: 100 % số xã có đường giao thông đến trung tâm, 100 % số xã có điện, 96 % số hộ dùng điện; hệ thống trường học được kiên cố và cao tầng, 100 % trạm y tế xã có bác sỹ, có 10/20 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 90 % số hộ dùng nước sạch, 100 % số xã có điểm bưu điện văn hoá, 17 xã có trạm truyền thanh.

Cẩm Thuỷ là nơi có mật độ di tích và danh thắng cao, nhiều di tích lịch sử văn hoá và danh thắng đã được xếp hạng: Di chỉ khảo cổ Làng Hạ (Cẩm Sơn), Đền Ngọc (Cẩm Lương), Thung Chẹ, Chùa Bình Vôi (Cẩm Phong), Thung Phổ (Cẩm Thành), Cửa Hà (Cẩm Phong), Động Vân Màu, Động núi Vụng Thung, Eo Lê, núi và động Diệu Sơn (Cẩm Vân), Chùa Rồng (Cẩm Thạch), Chùa Chặng (Cẩm Sơn), Chùa Vọng (Cẩm Giang).

Suối cá thần của huyện Cẩm Thủy, địa điểm du lịch thu hút rất nhiều lượt khách tới thăm quan chiêm ngưỡng mỗi năm.

Đặc biệt, được thiên nhiên ban tặng, tại Làng Ngọc, xã Cẩm Lương có suối cá, với giống cá quý, màu sắc sặc sỡ được nhân dân trong vùng gọi là cá thần, hàng năm đã có hàng chục nghìn du khách đến thăm. Năm 2004, UBND tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng và phát triển du lịch suối cá Cẩm Lương. Đến nay suối cá Cẩm Lương là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh, tạo ra Tuor du lịch trong tỉnh: Hàm Rồng (TP Thanh Hoá) - Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc) - Suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thuỷ) - Lam Kinh (Thọ Xuân) và Tuor du lịch trong huyện: Cửa Hà (Cẩm Phong) – suối cá làng Ngọc (Cẩm Lương) – Chùa Rồng (Cẩm Thạch) –Ngọc Châu Tự (Cẩm Sơn).

Năm 2019 tốc độ gia tăng giá trị sản xuất trong toàn huyện đạt hơn 15% cao nhất trong những năm gần đầy. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm hơn 42% tăng 2,11% so với năm 2018. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đạt hơn 6.600 tỷ đồng. Hoạt động tài chính, ngân sách, đầu tư phát triển đạt kết quả cao. Chất lượng giáo dục, y tế được nâng lên; chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, đúng quy định. Đời sống nhân dân có nhiều cải thiện góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm còn 2,71%.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, đồng chí Phạm Văn Tiến – Bí thư Huyện ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền cần tập trung xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về phương hướng, nhiệm vụ năm 2020. Thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng. Tăng cường công tác tài chính ngân sách, xây dựng cơ bản, cải thiện mạnh mẽ môi trường thu hút đầu tư kinh doanh.

Bạn đang đọc bài viết Huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa những thế mạnh để bứt phá tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương