Hà Nội, Thứ Ba Ngày 16/04/2024

Cao Bằng: (Bài 2) Cần rà soát lại và xử lý nghiêm nếu có chuyện “xà xẻo” ngân sách

Người Đưa Tin Pháp Luật 09:54 16/06/2021

Liên quan đến tình trạng đội giá thiết bị trường học trong công tác đấu thầu tại phòng GD- ĐT huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, PV đã ghi nhận những quan điểm, ý kiến của PGS.TS Bùi Thị An.

PV: Thưa bà, câu chuyện các gói thầu thiết bị y tế, giáo dục ở nhiều địa phương có hiện tượng tỉ lệ tiết kiệm thấp, đội giá đã không còn mới. Quan điểm của bà thế nào về tình trạng này?

Bà Bùi Thị An: Chủ trương của Đảng, Chính phủ là xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục là hoàn toàn đúng. Việc này cũng rất cần thiết bởi nếu thực hiện tốt xã hội hóa có thể tận dụng thêm nhiều nguồn lực từ xã hội, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, cần có giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc triển khai thực hiện, nếu không sẽ xảy ra rất nhiều vấn đề mà như báo chí cũng đã nhiều lần phản ánh.

Riêng trong lĩnh vực giáo dục, cá nhân tôi thấy rằng trong suốt một thời gian dài, chính sách nhân đạo của Nhà nước là dành một nguồn kinh phí tương đối lớn cho giáo dục, thậm chí đã có những lúc lên đến 20% ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này. Bởi đầu tư cho giáo dục cũng chính là đầu tư cho tương lai.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Chủ trương, chính sách tốt đẹp, nhân văn là thế, nhưng trong quá trình thực hiện có những lúc, có những nơi, có những vùng, có những miền chúng ta đã không để ý và giám sát cẩn thận nên để xảy ra tình trạng thiết bị thì kém chất lượng nhưng giá lại cao, hoặc thiết bị có chất lượng không tương xứng với giá thành chi cho sản phẩm, nhiều sản phẩm bị đội giá lên gấp nhiều lần, khiến ngân sách bị trục lợi hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỷ đồng.

Câu chuyện đấu thầu cũng vì thế mà trở nên méo mó, làm giảm sút niềm tin trong dư luận. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, mà còn khiến chính bản thân các em học sinh, các thầy cô giáo là những người thụ hưởng trực tiếp các thiết bị trở nên thiệt thòi. Họ phải dùng những thiết bị không xứng đáng với đồng tiền mà Nhà nước đã đầu tư.

PV: Vậy theo bà, chúng ta cần làm gì để ngăn chặn tình trạng này?

Bà Bùi Thị An: Tôi cho rằng, với những địa phương đã phát hiện ra sự việc bất thường hoặc những sự việc có dấu hiệu bất thường như ở Hà Quảng, Cao Bằng thì cần có sự vào cuộc ngay của các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Cơ quan chức năng cần làm rõ vấn đề để công bố công khai trước dư luận, sai đến đâu xử lý đến đó. Ai sai sẽ phải chịu trách nhiệm và thậm chí là xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Không thể vì một số lợi ích của cá nhân hay một nhóm người mà làm câu chuyện chính sách bị xấu đi.

Tôi cũng nghĩ rằng, nhân việc ở Hà Quảng, Cao Bằng thì các địa phương khác cũng nên lấy đó làm bài học kinh nghiệm để chủ động rà soát lại tất cả các gói thầu cũng như những chính sách đã triển khai trong thời gian qua. Chúng ta vẫn nói phòng hơn chống, vậy thì với sai phạm cũng cần chủ động tìm ra và xử lý kịp thời, vừa củng cố niềm tin trong nhân dân, vừa giảm thiểu các thiệt hại không mong muốn. Đừng để sự đã rồi, việc đã vỡ lở, bị phát hiện, dư luận, báo chí vào cuộc phanh phui rồi mới vào xử lý kiểu vuốt đuôi, chạy theo, thả gà ra đuổi, như thế thì hiệu quả xử lý sẽ không cao.

Cần phải nhấn mạnh thêm rằng, nguồn tiền cho giáo dục luôn là nguồn tiền được ưu tiên, không ai được phép trục lợi chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước. Dù bằng cách này hay cách khác thì mọi biểu hiện của sự trục lợi chính sách đều cần phải bị trừng trị trước pháp luật.

Bảng so sánh giá trị trúng thầu và thực tế của các thiết bị trong gói thầu của phòng GD&ĐT Hà Quảng.

Đất nước còn nghèo, việc đầu tư cho giáo dục là rất cần thiết, nhưng đầu tư phải có hiệu quả, phải đến được đúng nơi cần đầu tư và đầu tư là phải có chất lượng, tạo thế và lực cho ngành giáo dục phát triển. Không vì những ưu tiên cho giáo dục mà chúng ta cho phép mình được “xà xẻo” ngân sách bằng những mánh khóe núp dưới danh nghĩa đấu thầu.

Nhân dịp này cũng nên nhìn nhận lại câu chuyện xã hội hóa trong giáo dục, y tế. Hiện tượng một số địa phương có dấu hiệu bất thường trong giá đấu thầu trang thiết bị trường học thì tức là chúng ta chưa thể yên tâm với chính sách đầu tư ban đầu. Cần tìm ra những lỗ hổng để xử lý triệt để.

PV: Thưa bà, những lỗ hổng mà bà nói, phải chăng đến từ chính yếu tố con người. Khi con người không đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ về vật chất, quyền lực thì câu chuyện thông thầu, móc ngoặc là rất có thể xảy ra?

Bà Bùi Thị An: Đúng là như vậy. Chúng ta mong xã hội hóa, mong đấu thầu để làm sao tiết kiệm nhất cho ngân sách Nhà nước, để từng đồng tiền thuế của nhân dân được sử dụng đúng mục đích. Thế nhưng, những vấn đề bất thường mà báo chí phản ánh đã gợn về việc việc làm khuất tất, tiêu cực, không tường minh, cũng là cơ sở để cơ quan chức năng cần vào cuộc và làm rõ.

Bây giờ chúng ta đã bước vào cuộc cách mạng 4.0, công nghệ thông tin phát triển là một lợi thế giúp con người trong rất nhiều công việc. Ngay như câu chuyện đấu thầu này, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm tra các mức giá, chất lượng sản phẩm có tương đương mức giá hay không, mức giá sản phẩm, thiết bị ở các địa phương khác thế nào… trước khi lựa chọn nhà thầu. Không chỉ là sản phẩm trong nước mà sản phẩm nhập ngoại cũng hoàn toàn có thể dễ dàng kiểm tra thông tin.

Trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị thì ngay từ đầu đã phải công khai thông tin, không mập mờ. Điều quan trọng nhất vấn là người đứng đầu. Người đứng đầu quyết liệt, trung thực, thẳng thắn, công minh thì sẽ không bao giờ có chuyện tiêu cực xảy ra tại nơi mà mình quản lý.

PV: Xin cảm ơn bà!

Một chuyên gia kinh tế (đề nghị không nêu tên) cho rằng: Trên thực tế, lợi dụng lỗ hổng trong công tác quản lý, tổ chức mời thầu tại nhiều cơ quan Nhà nước, nhiều nhà thầu đã “đi đêm” với các đơn vị tư vấn lập, thẩm định và đánh giá hồ sơ dự thầu để hình thành một “vòng tròn” khép kín, nhằm qua mặt chủ đầu tư, rút ruột nguồn vốn ngân sách một cách phi pháp. Đây chỉ là một thủ đoạn thông thầu thường thấy, còn trăm ngàn các “mánh khóe” khác nhau để những “liên minh ma quỷ” tha hồ đục khoét nguồn vốn đầu tư công vốn dĩ đã vô cùng hạn hẹp.

Một trong số những thủ đoạn thường xuyên được sử dụng là các nhà thầu tham dự sẽ thống nhất trả giá cao hơn dự toán gói thầu hoặc cố tình chuẩn bị hồ sơ không đúng theo yêu cầu, qua đó sẽ bị loại. Để lại một nhà thầu trả giá trúng, tất nhiên, nhà thầu này sẽ phải “chung chi” một lợi ích nhất định cho các “quân xanh” kia.

Cứ như vậy, công tác đấu thầu tưởng như công khai, đúng luật nhưng thực chất chỉ là một màn đi ngang “sân khấu”, né tránh sự giám sát của dư luận và các cơ quan hữu quan. Hành vi thông thầu này cực kỳ nguy hiểm cho ngân sách Nhà nước bởi, để có đủ lợi ích chia sẻ, bên trúng thầu sẽ làm mọi cách để tăng giá nhằm tối đa hóa lợi ích, thu về những phần “lót tay” đã chi ra. Bên thiệt hại duy nhất ở đây là nguồn vốn đầu tư công.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/dspl/cao-bang-bai-2-can-ra-soat-lai-va-xu-ly-nghiem-neu-co-chuyen-xa-xeo-ngan-sach-a504030.html

Bạn đang đọc bài viết Cao Bằng: (Bài 2) Cần rà soát lại và xử lý nghiêm nếu có chuyện “xà xẻo” ngân sách tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương