Theo đó, sẽ có 14 loại cây ăn quả chủ lực được lựa chọn để tập trung phát triển thời gian tới gồm: Thanh long, xoài, chuối, vải, nhãn, cam, bưởi, dứa, chôm chôm, sầu riêng, mít, chanh dây, bơ và na (mãng cầu). Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, nhiều quốc gia hạn chế nhập khẩu thì thông tin nói trên rất được chú ý.
Đề án xuất khẩu trái cây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích cây ăn trái cả nước đạt 1,2 triệu ha với sản lượng đạt 14 triệu tấn, trong đó có 14 loại cây ăn trái chủ lực với diện tích đạt 960.000ha với sản lượng đạt khoảng 11 triệu đến 12 triệu tấn. Đến năm 2030, diện tích cây ăn trái cả nước đạt 1,3 triệu ha, sản lượng trên 16 triệu tấn, trong đó, diện tích 14 loại cây ăn trái chủ lực đạt 1 triệu hecta, sản lượng khoảng 13 triệu đến 14 triệu tấn.
Đề án cũng nêu rõ sản lượng của từng loại trái cây chủ lực nhắm tới xuất khẩu. Đồng thời Bộ NNPTNT giao Cục Bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp các địa phương quản lý dịch bệnh trên các loại cây ăn quả; hướng dẫn các địa phương xây dựng mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; phối hợp với các đơn vị thực hiện biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm cây ăn quả; tháo gỡ rào cản thương mại, mở rộng thị trường; chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ nông dân vay vốn, xây dựng vùng trồng cây ăn quả tập trung; liên kết thu mua, chế biến sản phẩm theo cơ chế thị trường; thu hút, đầu tư cơ sở chế biến sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh sản phẩm cây ăn quả...
Các thị trường xuất khẩu chính (và mở rộng) được xác định là Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nga, ASEAN, Liên minh Châu Âu (EU), Trung Đông, Bắc Phi...
Cùng với những mục tiêu xuất khẩu trái cây, tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 44,9 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cũng nhiều mặt hàng chủ lực đã bị giảm giá, ví dụ nhóm hàng rau quả gần 2,8 tỷ USD (giảm 6,5%).
Xuất khẩu trái cây sang các nước là kỳ vọng của nông nghiệp Việt Nam. Nhiều mục tiêu đã được đặt ra tuy nhiên để đạt được là không dễ dàng. Vào thời điểm cuối năm 2018, nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp đã bày tỏ quan ngại sẽ không đạt mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2025. Quan ngại đó dựa trên kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2018 chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 10% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với con số trên 42,4% của năm 2017. Ở thời điểm đó đã có khoảng 40 loại rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, tới nay những lo ngại ấy không còn, vì thực tế xuất khẩu nông sản, trong đó có trái cây vẫn tiếp đà tăng. Có thể thấy mục tiêu đề ra đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt trên 5 tỷ USD và đến năm 2030 đạt khoảng 6,5 tỷ USD là “trong tầm tay”.
Nhưng, trong đà phát triển ấy vẫn còn không ít vướng mắc cần được tháo gỡ.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, trước tiên là phải loại bỏ được tâm lý vì muốn thu lợi nhuận nhanh nên người trồng đã ép cho trái, khiến chất lượng quả không đạt và cây bị bệnh nhiều. Để mở cửa thị trường xuất khẩu vẫn còn nhiều hàng rào kỹ thuật phải vượt qua, trong đó thách thức lớn nhất là việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, dẫn tới không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nông nghiệp được coi là lĩnh vực nhiều dư địa phát triển, nhưng tới nay vẫn không nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư. Nhất là việc trồng trái cây quảng canh, chất lượng cao thì hầu như vắng bóng doanh nghiệp, vì thế cũng chưa thành được những vùng chuyên canh, thâm canh lớn, tập trung.
Một trong những vấn đề then chốt để phát triển cây ăn trái chính là phải đầu tư tập trung vào Đồng bằng sông Cửu Long. Xưa nay, đây vẫn là nơi được coi là “vựa trái cây” của Việt Nam, khi có tới 400.000 ha trồng cây ăn quả, chiếm gần 40% diện tích cả nước. Nơi đây cũng đã hình thành một đội ngũ “kỹ sư chân đất, nhà nông sáng chế” rất đáng quý.
Vướng mắc nhất tại khu vực này là năng lực tài chính của các hộ dân, doanh nghiệp còn khiêm tốn. Đầu tư kinh phí cho nghiên cứu, nhất là cho lĩnh vực cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp ít, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày một cao và đa dạng của sản xuất. Quy mô sản xuất trái cây còn nhỏ lẻ, manh mún.
Vì thế, muốn trái cây của Việt Nam ngày càng chinh phục thị trường thế giới thì hơn hết cần cơ giới hóa, hiện đại hóa trồng trọt vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Coi đó là “đột phá khẩu” để “bơi ra biển lớn”.