Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình nhận định tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 vừa qua: “Sau gần 10 năm, bộ mặt nông thôn tỉnh Hòa Bình có nhiều đổi mới tích cực. Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, chất lượng đời sống vật chất của người dân được nâng cao, nhận thức về xây dựng NTM được tăng cường, kết quả các xã, huyện trong toàn tỉnh đạt chuẩn NTM tăng mạnh”.
Diện mạo mới từ khắp nẻo nông thôn
Đến nay, tỉnh Hòa Bình có 82/191 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 42,9% tổng số xã của tỉnh, tăng 82 xã so với năm 2011; bình quân tiêu chí NTM toàn tỉnh đạt 15,01 tiêu chí/xã, tăng bình quân 10,61 tiêu chí/xã so với năm 2011. Toàn tỉnh không có xã đạt dưới 10 tiêu chí.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng (trái) – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình trả lời phóng viên về những thành quả đạt được từ chương trình xây dựng NTM của tỉnh Hòa Bình. |
Khái quát về những thành quả đạt được sau 10 năm xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình – Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cho biết: “Tỉnh Hòa Bình đã đạt được nhiều kết quả khả quan, triển khai được các nội dung trọng tâm của chương trình, đem lại những chuyển biến rõ rệt ở nhiều địa phương. Đặc biệt, công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới phát huy hiệu quả đã tạo sự chuyển biến về nhận thức cũng như hành động của cán bộ các cấp và toàn thể nhân dân. Hệ thống cơ sở hạ tầng và giao thông nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh”.
Theo ông Dũng nhận định, việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã và đang được thực hiện quyết liệt tại các địa phương, các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được triển khai bước đầu đạt hiệu quả. Từ đó, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hoá tập trung tại huyện Kim Bôi, Cao Phong, Tân Lạc, Yên Thủy, Lạc Thủy... đem lại thu nhập cao cho người dân tại các địa phương.
Cụ thể, toàn tỉnh đã xây mới, nâng cấp và sửa chữa được 717 công trình hạ tầng giao thông nông thôn và xây mới, nâng cấp, sửa chữa nhựa hóa, bê tông hóa được hơn 4.000km đường giao thông nông thôn, nâng tỷ lệ số km đường giao thông nông thôn đạt chuẩn lên hơn 6.000km.
Các công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất được đầu tư nâng cấp, cải tạo. Công tác đảm bảo về phòng, chống thiên tai tại chỗ được các địa phương quan tâm thực hiện. Kết quả, Hòa Bình có 178/191 xã đạt tiêu chí 3 về thủy lợi, tăng 169 xã so với năm 2010, tăng 67 xã so với năm 2015.
Đến nay, tỉnh có 191/191 xã đạt tiêu chí số 4 về điện (đạt 100%), tăng 96 xã so với năm 2010, tăng 32 xã đạt tiêu chí so với năm 2015.10 năm qua, với nguồn vốn hơn 1.000 tỷ đồng, Hòa Bình xây mới 706 công trình nhà văn hoá, khu thể thao xã và nhà văn hoá.
Đặc biệt, công tác vận động các cơ quan, tổ chức hỗ trợ xóa nhà tạm được chú trọng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân chỉnh trang, xây dựng nhà cửa khang trang, sạch đẹp, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng.
Quyết vượt mọi khó khăn để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM
--Đồng chí Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình – Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM |
Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Văn Dũng khi chia sẻ về những tồn tại, hạn chế của tỉnh Hòa Bình trong công cuộc xây dựng NTM 10 năm qua.
Ông Dũng cho rằng, Hòa Bình là một trong tỉnh miền núi phía Bắc có điểm xuất phát tương đối thấp khi bắt đầu thực hiện xây dựng NTM. Nhiều địa phương còn khó khăn, đặc biệt là các thôn, bản vùng sâu, vùng xa nên nhìn chung kết quả xây dựng nông thôn mới còn khoảng cách chênh lệch khá lớn, có xu hướng nới rộng khoảng cách giữa các huyện trong tỉnh.
Bên cạnh đó, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã đặc biệt khó khăn là rất lớn nhưng khả năng huy động nguồn lực rất hạn chế. Một số lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp có quy mô còn nhỏ, hàng hóa ít, chất lượng và sức cạnh tranh không cao, giá trị thấp… khiến thu nhập của bà con rất bấp bênh, ông Dũng nói thêm.
Nhận thức được những rào cản đó cũng như ý nghĩa to lớn của việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Không màng những khó khăn, hạn chế còn tồn tại, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện, đồng thời trực tiếp phát động phong trào thi đua “Tỉnh Hòa Bình chung sức xây dựng nông thôn mới” được các cấp, các ngành, các địa phương, các đơn vị và toàn thể nhân dân trong tỉnh tam gia hưởng ứng tích cực. Đồng lòng hướng tới mục tiêu cán đích NTM 2020.
--Xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy là một trong những địa phương tiêu biểu trong việc xây dựng NTM tại tỉnh Hòa Bình. |
Một trong những địa phương tiêu biểu là huyện Lạc Thủy có 10/13 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 76,92%. Với nhiều cách làm sáng tạo, huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xây dựng NTM. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố và ngày càng vững mạnh, các tiêu chí xây dựng NTM tại các xã được cải thiện và được nâng lên. Bình quân đạt 17,46 tiêu chí/xã tăng 3,08 tiêu chí so với năm 2015, tăng 11,61 tiêu chí so với năm 2011, đã có 10 xã đạt 19/19 tiêu chí. Năm 2018 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 38,9 triệu đồng tăng 2,9 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,66%, lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95,5%.
Huyện Lạc Thủy cũng đã cải tạo, nâng cấp được 567 km đường giao thông nông thôn; trên 120km kênh mương nội đồng được cứng hóa, trên 56% công trình thủy lợi đạt yêu cầu. Đầu tư xây mới, sửa chữa 458 phòng học các cấp. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. hiện nay, huyện đang triển khai thực hiện xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu đồng loạt ở 13/13 xã, mỗi xã chọn 1 mô hình xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu và phấn đấu ít nhất có từ 5 vườn mẫu trở lên. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực phấn đấu thành huyện đạt chuẩn NTM năm 2020.
Một đơn vị điển hình khác là huyện Cao Phong đã xây dựng được 5/12 xã đạt chuẩn NTM. Dự kiến, đến năm 2025 sẽ có 7 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu. Đến nay, toàn huyện đã có 93,62 km đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn; 90,11km đường trục thôn, 74,97km đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa; 28,65km đường trục chính nội đồng đạt chuẩn. Toàn huyện đã xây mới, sửa chữa và nâng cấp 28 công trình trường học; xây mới, nâng cấp 32 công trình nhà văn hóa xã, thôn. Dự kiến đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 48,9 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,67%, trên 93% người dân sử dụng nước sạch.
Bên cạnh đó, có một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới như huyện Đà Bắc mới có 3 xã đạt chuẩn NTM (Tu Lý, Hào Lý, Hiền Lương); 10 xã đạt từ 10 -14 tiêu chí; 3 xã đạt 11 tiêu chí; 5 xã đạt 10 tiêu chí; 6 xã đạt từ 8 - 9 tiêu chí. Số tiêu chí bình quân đạt 11,5 tiêu chí/xã, huy động được trên 1.864 tỷ đồng.
--Đà Bắc là địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng NTM ở Hòa Bình |
Tính chung trên phạm vi toàn tỉnh, trong giai đoạn 2010 - 2020, tổng vốn huy động xây dựng NTM toàn tỉnh ước đạt trên 21.000 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh đã huy động nhân dân đóng góp được trên 2.468,57 tỷ đồng (đóng góp bằng tiền mặt: trên 109,72 tỷ đồng; huy động được trên 2.409.094 ngày công lao động; nhân dân đã hiến trên 979.302,9 m2 đất; đóng góp vật tư, vật liệu, máy móc... được quy đổi bằng tiền được trên 2.306,49 tỷ đồng; vốn huy động từ nguồn khác được trên 52,36 tỷ đồng). Hiện Hòa Bình không có xã dưới 10 tiêu chí, có 06 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đặc biệt không có nợ đọng xây dựng cơ bản.
Tiếp tục giữ vững và đẩy mạnh xây dựng NTM giai đoạn 2021 -2025
Ông Dũng cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của các cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM. Trọng tâm là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân trong xây dựng NTM. Đồng thời, phát huy những kết quả đạt được của giai đoạn 10 năm để đề ra được Chương trình, mục tiêu cụ thể sát với tình hình thực tế, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới ở các thôn, bản khó khăn; phát động các phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới.
Song song đó, sẽ đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình OCOP gắn với lợi thế của từng địa phương, nhằm góp phần gia tăng nhanh thu nhập cho người dân nông thôn. Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trên các mặt văn hóa - xã hội, quan tâm phát triển giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững trật tự xã hội…, ông Dũng tói thêm.
Theo ông Dũng, để chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 được thực hiện hiệu quả, đạt mục tiêu, lộ trình đề ra; Hòa Bình rất mong muốn có một số sự điều chỉnh, bổ sung trong bộ tiêu chí sao cho phù hợp với bối cảnh tình hình mới. Đặc biệt, có cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội, phát triển sản xuất cho khu vực nông thôn miền núi do điều kiện phát triển hạ tầng xã hội của vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, địa hình phức tạp nên xuất đầu tư xây dựng các công trình lớn.
Hiện tại, TP Hòa Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Lương Sơn đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Điểm nổi bật nhất là các công trình xây dựng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh không có nợ đọng xây dựng cơ bản.
Với những kết quả đã đạt được sau 10 năm xây dựng NTM, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự nỗ lực của mọi tầng lớp nhân dân, tỉnh Hòa Bình sẽ vươn mình về đích nông thôn mới trong tương lai không xa.
An Dân