Đà Bắc là huyện miền núi nằm ở phía tây của tỉnh Hoà Bình, có diện tích tự nhiên là 77.796,07 ha, với 20 đơn vị hành chính (19 xã, 01 thị trấn), dân số 54.989 người. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, lạc hậu, giá trị hàng hoá chưa cao, chưa hình thành được vùng sản xuất. Toàn huyện có 18/20 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, thu nhập năm 2011 trung bình các xã đạt 11,21 triệu đồng; hộ nghèo luôn ở mức cao 50%.
--Đà Bắc là một huyện miền núi còn rất khó khăn nhưng rất quyết tâm trong công cuộc xây dựng NTM |
Với xuất phát điểm thấp như vậy thực sự là một khó khăn, thử thách lớn. Bằng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc huyện Đà Bắc, chương trình xây dựng NTM đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt trên toàn huyện và đạt được những kết quả tích cực.
Tính đến hết năm 2019, toàn huyện có 01 xã Tu Lý đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 5,26%; có 2 xã đạt từ 19 tiêu chí, chiếm 10,53%, hiện đang trình Ủy ban nhân dân tỉnh xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 (xã Hào Lý, Hiền Lương). Có 10 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, chiếm 52,63%; có 6 xã đạt từ 8 - 9 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 31,58%; (xã Đồng Nghê, Giáp Đắt, Tân Minh, Đoàn Kết, Trung Thành, Đồng Ruộng). Không có xã dưới 8 tiêu chí. Số tiêu chí bình quân/xã: 11,5 tiêu chí/xã.
Số km đường trục thôn và đường liên thôn được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm 323,5/442 km đạt 73,19%. Trong đó số km được nhựa hoá, bê tông hoá theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT: 323,5/442 km đạt 73,19%, ước thu nhập bình quân toàn huyện đạt 26,5 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 33%.
--Toàn huyện Đà Bắc đã xây dựng, nâng cấp được 323,5 km đường trục thôn và liên thôn |
Có được những kết quả khả quan trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy Đảng, Chính quyền, sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo (BCĐ) các chương trình MTQG, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân. Người dân xác định được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, đồng thuận, chung sức và tích cực hưởng ứng các phong trào, thực hiện các nội dung Chương trình.
Bên cạnh đó, đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp, người dân luôn được quan tâm; cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật được củng cố; mức độ cơ giới hoá, sử dụng giống mới, áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật canh tác tiến bộ ngày càng tăng.
Bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình từ cấp huyện đến cấp xã, thôn đã đi vào hoạt động ổn định và có hiệu quả; nhiều cơ chế chính sách được ban hành có tính thiết thực và trở thành động lực thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện Chương trình. Các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia; công tác tuyên truyền đem lại hiệu quả tích cực, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới từng bước được cải thiện.
UBND huyện đã phát động phong trào thi đua “Đà Bắc chung sức xây dựng nông thôn mới” thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011 – 2015 và giai đoạn 2015 – 2020. Nhằm thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua xây dựng NTM, hàng năm, UBND huyện phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các xã thực hiện ký giao ước thi đua, lồng ghép việc phát động phong trào thi đua tại các Hội nghị tổng kết xây dựng NTM hàng năm của huyện.
Trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, các ngành, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội đã phát động phong trào thi đua với nhiều chủ đề, hình thức phong phú như các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã văn hóa”, “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh” gắn với tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Phong trào “Phụ nữ chung sức xây dựng NTM” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”… Qua đó, tạo khí thể thi đua sôi nổi trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và được người dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia đóng góp tiền, ngày công, hiến đất… để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí NTM trên địa bàn.
Trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện phong trào thi đua đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, được phổ biến, nhân rộng, nhiều tập thể, cá nhân, hộ gia đình tham gia đóng góp tiền của và công sức cho xây dựng NTM. Điển hình nhân dân các xã Tiền Phong, Tu Lý, Đồng Chum ... có những hộ dân hiến từ 1.000-3.000m2 đất để xây dựng các công trình; Các mô hình phát triển kinh tế điển hình như: Mô hình trồng cây dược liệu Sacha inchi (Tu Lý); Mô hình sản xuất lúa đặc sản J02 (Mường Chiềng); Chuối liên kết sản xuất cá sạch (Hiền Lương)
--Huyện Đà Bắc đã đạt được những kết quả tích cực sau 10 năm xây dựng NTM (2010 - 2019) |
Sau 10 năm (2010-2019) thực hiện phong trào thi đua “Huyện Đà Bắc chung sức xây dựng nông thôn mới” đã tạo khí thế mới, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao, khích lệ nông dân trên địa bàn huyện thi đua lao động sản xuất, là huyện nghèo, khó khăn và thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai đến nay đã có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã đang trình Ủy ban nhân dân tỉnh xét công nhận đạt chuẩn năm 2019.
Nhiệm vụ thời gian tới, xây dựng nông thôn mới huyện Đà Bắc có kinh tế phát triển toàn diện, bền vững, cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội nông thôn được bảo đảm, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng huyện nhà ngày càng văn minh, hiện đại. Phấn đấu giai đoạn 2020 - 2030 có 13/19 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.
An Dân – Trà Giang (TH)