Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Tân Lạc (Hòa Bình): Khát vọng đổi thay, quyết tâm cán đích nông thôn mới

An Dân 13:20 20/03/2020

Với sự nỗ lực, bền bỉ trong suốt 10 năm qua trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Huyện Tân Lạc đã vươn mình khởi sắc khắp mọi nẻo nông thôn.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, huyện Tân Lạc đã đạt được những kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn huyện Tân Lạc đã có nhiều đổi mới tích cực.

--Mãn Đức là một trong những xã tiêu biểu về xây dựng nông thôn mới tại huyện Tân Lạc

Theo đó, Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Nhiều công trình hạ tầng được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Đến nay, toàn huyện có 6 xã đạt 19/19 tiêu chí, nâng mức tiêu chí bình quân toàn huyện lên 12,5 tiêu chí/xã, tăng 7,03 tiêu chí/xã so với năm 2010. Huyện đặc biệt quan tâm phát triển sản xuất, tập trung triển khai các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bưởi đỏ, cá lồng, rau an toàn, quýt Nam Sơn. Hỗ trợ thúc đẩy 3 HTX tham gia chuỗi giá trị sản phẩm hàng hoá, góp phần tiêu thụ sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất.

Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 43,45 triệu đồng/người/năm. Công tác giảm nghèo được đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện, triển khai đồng bộ các chính sách, dự án về giảm nghèo; Qua đó góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22,3%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 99,4%, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch 97%…

Sau 10 năm xây dựng NTM, nhận thức, trách nhiệm của nhân dân từng bước được nâng lên, nhân dân đã dần xác định được mình là chủ thể chính trong XD NTM nên đã chủ động, tự giác đóng góp nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ tài sản chung, giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp từ đó đã góp phần làm thay đổi diện mạo thôn, bản và nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

Nhiều chương trình cụ thể tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia XD NTM như Hội Phụ nữ với mô hình “5 không, 3 sạch”, đường phụ nữ tự quản; Hội Cựu chiến binh với mô hình hàng rào xanh; Đoàn thanh niên với phong trào ngày thứ bảy tình nguyện; Hội Nông dân với phong trào phát triển kinh tế gắn với thị trường.

Hiện nay, toàn huyện có 103,3 km đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện đã nhựa hoá hoặc bê tông hoá; trên 191 km đường trục thôn, bản, đường liên thôn được cứng hoá; 95,88 km đường ngõ, xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa; hơn 68 km đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hoá thuận tiện quanh năm.

--Hiện Tân Lạc có 191 km đường trục thôn, bản, đường liên thôn được cứng hoá

Các xã về đích xây dựng đường trồng cây xanh, hoa… thu hút được đông đảo người dân tại các xã hưởng ứng thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn huyện đã huy động 21.730 ngày công đào đắp 20.700 m3 đất, đá để tu sửa các tuyến đường và kênh mương; phát quang 103.000 m2 bờ mương, mái đập. Đồng thời hỗ trợ và triển khai gần 3 km đường ngõ trồng hoa, cây xanh tại các xã: Thanh Hối, Tử Nê, Mãn Đức…

Bên cạnh việc củng cố, nâng cấp cơ sở hạ tầng, năm 2018, huyện Tân Lạc tiếp tục triển khai hỗ trợ 2 mô hình liên kết chuỗi, gồm chuỗi liên kết tiêu thụ bưởi đỏ và chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn với tổng kinh phí từ nguồn NTM 1.200 triệu đồng, hỗ trợ 10 mô hình với kinh phí 990,824 triệu đồng.

Giai đoạn 2021-2025, huyện đặt ra các mục tiêu chủ yếu như: có 10 xã đạt chuẩn NTM; 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 10 xóm và 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 65 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%; Tỷ lệ người dân tham gia các loại hình bảo hiểm y tế đạt trên 97%; Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt trên 40%. Giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới.

Dự kiến nhu cầu nguồn lực thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 là 1.026,4 tỷ đồng. Huyện đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh , bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong xây dựng NTM....

Đồng thời, Tân Lạc tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nâng tỷ lệ cứng hóa đường giao thông; tiếp tục đầu tư một số công trình thủy lợi phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương phát triển, tạo động lực để Tân Lạc hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM.

An Dân

Bạn đang đọc bài viết Tân Lạc (Hòa Bình): Khát vọng đổi thay, quyết tâm cán đích nông thôn mới tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương