Tài nguyên Dược liệu Lâm Đồng có khoảng 1.664 loài, thuộc 237 họ thực vật; động vật làm thuốc có 165 loài, thuộc 101 họ động vật; khoáng vật làm thuốc có 21 loại. Tuy vậy, thực vật làm thuốc của Lâm Đồng số lượng thì nhiều nhưng trữ lượng không lớn, giá trị kinh tế không cao, ít cây thuốc có giá trị đặc biệt.
Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết, vì lẽ này, ngành y tế đã triển khai thực hiện Đề án “Phát triển sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ dược liệu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025” nhằm góp phần phát triển ngành dược liệu bền vững, giá trị cao, xứng đáng với tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương. Đồng thời, nâng cao chất lượng dược liệu, đảm bảo chất lượng các sản phẩm từ dược liệu phục vụ công tác bảo vệ, nâng cao sức khỏe của người dân trong tỉnh.
Mô hình phát triển cây dược liệu (Sâm ngọc linh) ở huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Ảnh: Minh Hậu/báo Lao Động |
Trong đó, mục tiêu cụ thể của đề án là rà soát, bổ sung danh mục loài dược liệu phù hợp, theo định hướng Chính phủ. Qua đó, bổ sung vào danh mục các loài dược liệu ưu tiên có thể phát triển và tập trung đầu tư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Mục tiêu nhằm phát triển trồng cây dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa song song với rau, hoa, trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao.
Đồng thời, theo đó, quản lý khai thác, bảo tồn và giữ gìn những nguồn gen dược liệu quý có giá trị tại địa phương; sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu phục vụ cho mục tiêu phát triển y tế và kinh tế của tỉnh.
Về quy hoạch Lâm Đồng sẽ trồng các loại cây dược liệu, vùng có khí hậu mát mẻ, độ cao từ 1.000m trở lên, thị trường đang có nhu cầu và giá trị kinh tế cao...
Tại các huyện, thành phố trong tỉnh Lâm Đồng đều có thể trồng tất cả các cây thuốc thông thường để chuyển giao cho các bệnh viện, phòng chẩn trị y học cổ truyền, các trạm y tế xã dùng để điều trị bệnh và cho các công ty để sản xuất thuốc.
Đề án sẽ tập huấn cho 100% cơ sở trồng, thu hái dược liệu và khai thác dược liệu tự nhiên các quy định về thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên theo quy định của Bộ Y tế.
Phấn đấu đến năm 2025 có 50% cơ sở trồng, thu hái dược liệu và khai thác dược liệu tự nhiên áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP-WHO.
Hằng năm, tổ chức 1 đợt kiểm tra chuyên đề về dược liệu, thuốc dược liệu và thực phẩm chức năng chế biến từ dược liệu. Tăng cường công tác lấy mẫu kiểm nghiệm, giám sát chất lượng sản phẩm dược liệu là thực phẩm chức năng, thuốc theo quy định.
Nhiệm vụ và giải pháp bao gồm: Xây dựng danh mục dược liệu phù hợp, theo định hướng của Chính phủ cũng như đặc thù, thổ nhưỡng của địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền về hiệu quả, tác dụng của các sản phẩm dược liệu, y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh; đẩy mạnh phát triển y học cổ truyền; đẩy mạnh việc áp dụng tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và khai thác dược liệu tự nhiên GACP-WHO; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm dược liệu là thực phẩm chức năng, thuốc theo quy định.
Trước đó, Sở Nông nghiệp &Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản định hướng về việc phát triển các vùng dược liệu quy mô lớn gắn với thu hút phát triển các cơ sở chế biến. Đây là một trong những biện pháp cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu “Phát triển vùng dược liệu, phấn đấu đưa Lâm Đồng trở thành một trong những trung tâm dược liệu lớn trong nước”.
Theo đó, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên danh tư vấn GITAD nghiên cứu tích hợp định hướng phát triển các vùng sản xuất dược liệu với quy hoạch tỉnh Lâm Đồng tại các khu vực bảo tồn dược liệu như: Vùng bảo tồn dược liệu Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có diện tích 2.000 ha; Vườn quốc gia Cát Tiên với diện tích 1.000 ha; Rừng phòng hộ Sêrêpốk - Đam Rông; Rừng phòng hộ Nam Huoai - Xã Đạ P’Loa; Thị trấn Đạ Mri;...
Thực hiện định hướng đến năm 2025, phát triển khoảng 1.000 ha dược liệu trồng xen dưới tán rừng với các loại dược liệu đặc hữu như: Sâm ngọc linh, Đinh lăng, Chè dây, Trà hoa vàng, Hà thủ ô đỏ, Thông đỏ, Hoàng liên ô rô,... trên các diện tích rừng sản xuất, rừng phòng hộ có điều kiện phù hợp hiện đang cho các doanh nghiệp thuê để thực hiện dự án đầu tư hoặc đã giao/giao khoán cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư.
Định hướng cũng định hướng phát triển khoảng 1.000 ha dược liệu trên đất nông nghiệp với 762 ha trồng thuần, 238 ha trồng xen với các đối tượng cây trồng khác; định hướng phát triển vùng trồng đối với các loại dược liệu chủ lực như: Atiso; Đương quy, Đảng châu, Diệp hạ sâm, đông trùng hạ thảo,...
Ngoài các loại dược liệu chủ lực, tiếp tục phát triển sản xuất một số đối tượng dược liệu khác để đa dạng hóa chủng loại, nâng cao hiệu quả sử dụng đất như: Đinh Lăng, Nghệ đen, trà hoa vàng, nhân trần,… và tùy thuộc vào đặc điểm sinh trưởng từng loài và điều kiện sinh thái từng vùng mà bố trí sản xuất phù hợp với quy mô diện tích khoảng 289 ha.
Phát triển sản xuất dược liệu là giải pháp quan trọng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp và khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Trước đó, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần XI cũng đã xác định việc phát triển vùng trồng cây dược liệu là một trong các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế của giai đoạn 2020-2025.
Theo Người đưa tin