Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 23/11/2024

Nợ xấu tăng vọt, nhiều ngân hàng 'ráo riết' rao bán khoản nợ, tài sản thế chấp có giá trị lớn

An Tú 21:10 22/06/2023

Để đối mặt với tỷ lệ nợ xấu tăng vọt, nhiều nhà băng đang tích cực bán các khoản nợ, tài sản thế chấp trong đó nhiều tài sản có giá trị "khủng".

Trước tình hình kinh tế phục hồi chậm, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang có xu hướng tăng mạnh. Giá trị nợ xấu tuyệt đối tại nhiều ngân hàng tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã tăng lên mức 2,9% cuối quý 1/2023 (so với 2% cuối năm 2022). Đồng thời, nợ xấu gộp hiện khoảng 5%, tăng từ mức 4,5% cuối năm 2022.

Báo cáo tài chính quý 1/2023 cũng cho thấy đa số ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm 2022. Tại một số ngân hàng như VietBank, ABBank, VIB…, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng vượt 3%. Do vậy, nhiều nhà băng đang tích cực bán đấu giá các khoản nợ, tài sản thế chấp để thu hồi tiền. Trong đó, nhiều tài sản là bất động sản, Nhà máy thủy điện...có giá trị "khủng" lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.

Đơn cử như, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa rao bán đấu giá khoản nợ Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Minh Sơn và Công ty Cổ phần Thanh Tâm với mức khởi điểm hơn 346 tỷ đồng. Tổng dư nợ gốc và lãi đến tháng 3/2023 là 582 tỷ đồng.

Khoản nợ của Công ty Cổ phần Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi cũng được nhà băng này rao bán với giá 914 tỷ đồng trong khi tổng dư nợ đến tháng 5/2023 là 1.016 tỷ đồng.

Trước đó, BIDV ráo riết đấu giá Nhà máy thủy điện Tân Thượng do Công ty Cổ phần năng lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư, với khởi điểm 325 tỷ đồng. Toàn bộ khoản nợ của Công ty Cổ phần Công nghiệp Khai thác Chế biến đá Tây Nguyên cũng được đem ra bán đầu giá với giá khởi điểm 120,9 tỷ đồng, bằng chính dư nợ tính đến hết ngày 11/5/2023.

Nợ xấu tăng vọt, nhiều ngân hàng rao bán lỗ tài sản thế chấp nhưng không "trôi".

Còn tại, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Long Biên cũng vừa thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH MTV Đầu tư Hạ tầng Kinh doanh Đô thị. Khoản nợ có giá trị ghi sổ tính đến ngày 11/04/2023 là gần 1.413 tỷ đồng và 10,04 triệu USD (tương đương 240 tỷ đồng).

Tương tự, Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn bán 6 khoản nợ lên tới hơn 1.000 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Thành Phố Xanh, Công ty TNHH Âu Á, Công ty TNHH Thương Mại Đầu Tư Hoàng Nguyên, Công ty TNHH Đầu Tư Khải Phong, Công ty TNHH Đầu Tư Nguyên Ngọc, Công ty TNHH MTV Mêkông Đông Dương. Các khoản nợ tính đến 30/4/2023 hơn 1.200 tỷ đồng; có chung 36 tài sản thế chấp tại ngân hàng.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) mới thông báo đấu giá lần 2 khoản nợ của Công ty Cổ phần Nosco Shipyard. Giá trị khoản nợ là hơn 4.762 tỷ đồng và 48 triệu USD (tương đương khoảng 1.130 tỷ đồng).

VietinBank Chi nhánh KCN Hải Dương vừa tiến hành bán đấu giá công khai khoản nợ của Công ty Cổ phần Phúc Đạt để thu hồi nợ. VietinBank đưa ra giá khởi điểm cho khoản nợ trên chỉ còn 58,54 tỷ đồng, giảm gần 47 tỷ đồng so với mức giá hồi tháng 5/2022. Đây là lần thứ 14 VietinBank rao bán khoản nợ này

Để thu hồi nợ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng thông báo đấu giá khoản nợ 596 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Vạn Phát với giá khởi điểm 189 tỷ đồng và khoản nợ 473 tỷ đồng của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ có giá khởi điểm 108 tỷ đồng.

Sacombank cũng đồng thời rao bán khoản nợ của Công ty Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 và Công ty TNHH kinh doanh địa ốc Anpha lên tới 670 tỷ đồng với giá khởi điểm 145 tỷ đồng.

Toàn bộ 18 khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại dự án Khu công nghiệp Phong Phú (Tp.HCM) theo nguyên trạng cũng được Sacombank rao bán với giá khởi điểm 7.934 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng Vietcombank, trong khoảng 2 năm gần đây, cái tên Công ty TNHH Việt Trường Sơn được nhắc đi nhắc lại trong những bản thông báo bán nợ của ngân hàng. Khoản nợ gốc 12 tỷ đồng hiện đã thành 33,39 tỷ đồng, ngân hàng mong muốn thu về 19 tỷ đồng, nhưng đã qua hàng chục lần rao bán vẫn không thành, kể cả khi tài sản đảm bảo là 6 lô đất tại Đà Lạt.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW, nhiều tài sản đem ra phát mại nhưng sau một quá trình dài xử lý nợ xấu, tài sản trở nên hết giá trị hoặc là giá trị còn thấp. Ví dụ về một chiếc xe ô tô, nếu là chiếc xe đời những năm 2006 - 2010 thì nay đem ra phát mại cũng không còn ai mặn mà muốn mua nữa.

Còn với bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, bất động sản phát mại, thanh lý khá hấp dẫn do mức giá "mềm". Tuy nhiên, với những người mua nhà để ở thì họ lại không mặn mà, khi quan niệm của đa số người dân Việt Nam khi mua nhà là tránh những ngôi nhà mà chủ cũ làm ăn “bết bát”. Trong khi không ít tài sản bảo đảm đã được định giá cao hơn giá trị thực tế khi phê duyệt khoản vay. Do đó, khi thanh lý, các ngân hàng thường có xu hướng định giá theo giá trị khoản nợ mà không sát với giá thị trường.

Ngoài ra còn nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến việc giải chấp, định giá tài sản và các thủ tục khi mua được tài sản thanh lý… Đây cũng là điều khiến người mua còn ngập ngừng trước những tài sản phát mại của ngân hàng.

Theo Tài chính Doanh nghiệp

Link gốc : https://ts.nganhangvietnam.vn/news/update/8143

Bạn đang đọc bài viết Nợ xấu tăng vọt, nhiều ngân hàng 'ráo riết' rao bán khoản nợ, tài sản thế chấp có giá trị lớn tại chuyên mục Cần biết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cần biết