Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

MSB cổ phiếu đậm màu bất động sản

REATIMES 15:15 08/01/2021

Cổ phiếu MSB đáng lẽ sẽ hấp dẫn nhờ ban lãnh đạo quyền lực, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 30%...

Cổ phiếu MSB đáng lẽ sẽ hấp dẫn nhờ ban lãnh đạo quyền lực, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 30%...

MARITIME BANK ĐÃ VƯỢT "VŨ MÔN"?

Sau cú sốc “đắm thuyền” từ đơn vị chủ quản cũ Vinaline, và cũng tới 3 - 4 năm rậm rịch chờ đợi, cuối cùng Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) cũng đã chính thức lên sàn chứng khoán với nhiều cơ hội và hứa hẹn. Riêng đối với ngân hàng này mà nói, đây là minh chứng cho những nỗ lực của ban lãnh đạo, cụ thể là vợ chồng Chủ tịchTrần Anh Tuấn.

Theo thông tin từ HoSE, hơn 1,17 tỷ cổ phiếu MSB của Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) chính thức giao dịch trên HoSE từ ngày 23/12/2020, giá tham chiếu là 15.000 đồng/cp. Tương ứng, vốn hoá thị trường của ngân hàng thời điểm chào sàn vào khoảng 17.600 tỷ đồng.

Maritime Bank được thành lập năm 1991. Cổ đông lớn gồm có Vinaline, Gemadept và Công ty Vận tại biển (VOS). Được nuôi dưỡng bởi những tập đoàn và tổ chức lớn, sau 30 năm kể từ ngày thành lập (năm 1991), MSB đã vươn mình từ một ngân hàng có 40 tỷ đồng vốn điều lệ ban đầu, nay đã đạt con số 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chặng đường phát triển của MSB không thiếu những con sóng lớn của biển cả. Và hình bóng của Vinalines dường như lại là nỗi ám ảnh lớn đối với ngân hàng này trong nhiều năm trời.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của Vinalines trong giai đoạn 2005 - 2010. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo dính vào hành vi tham ô tài sản. Đến giai đoạn Vinaline phải tái cơ cấu, VID Group đã xuất hiện với vai trò chủ chốt, khi ông Trần Anh Tuấn giữ chức Phó Chủ tịch.

Từ khi tham gia vào Maritime Bank, ông Tuấn đã rất quyết liệt trong việc xây dựng một ngân hàng mới về hình ảnh. Đầu tiên ông Tuấn đổi nhận diện thương hiệu ngân hàng từ màu xanh nước biển sang màu đỏ kèm theo hình ảnh tượng trưng con số 1. Năm 2019, ghi nhận bước chuyển mình của MSB khi chính thức thay đổi nhận diện thương hiệu và biểu tượng logo tên viết tắt từ Maritime Bank sang MSB. Đây là lần thứ hai ngân hàng thay đổi nhận diện thương hiệu trong 28 năm hoạt động. Bên cạnh ra mắt thương hiệu mới, MSB cũng thay đổi toàn diện về chiến lược và mô hình trải nghiệm khách hàng.

Maritime Bank cải tổ nhân sự qua việc mạnh tay cắt giảm hàng loạt cán bộ cũ mang dấu ấn của Vinaline và chịu chi để thuê CEO là chuyên gia tài chính kỳ cựu quốc tế như Citibank và Deutsch Bank.

Nhờ chiến lược rõ ràng trong hướng đi, trong giai đoạn 2016 - 2019, tổng tài sản MSB đã tăng trưởng 19,2%; tỷ lệ CASA luôn ở mức cao (9 tháng đầu năm nay đạt trên 22%) góp phần giúp hoạt động ngân hàng thuận lợi hơn; tăng trưởng huy động cao dù ngân hàng không nằm trong nhóm đua lãi suất cao, thậm chí là luôn thấp hơn mức trung bình thị trường; dư nợ cho vay tăng tốt và trải đều ở các mảng, trong đó tập trung vào các khoản vay có tài sản đảm bảo để phòng ngừa rủi ro. Lợi nhuận của MSB chủ yếu đến từ các phần ngân hàng lõi, tăng đều qua các năm, trong 11 tháng đầu năm nay đã đạt hơn 2.300 tỷ đồng.

DÒNG CHẢY TÀI CHÍNH VẪN NHIỀU SẠN VÀ NÓNG VỘI?

Ngân hàng MSB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 30% mỗi năm. Theo đó, năm 2020, lợi nhuận có thể khoảng 2.400 - 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận và nợ xấu của Maritime Bank chưa được hài hoà và tương xứng.

Theo số liệu ngân hàng vừa cập nhật, trong 11 tháng đầu năm 2020, tổng tài sản của MSB riêng lẻ đạt trên 166.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận trước thuế vượt mục tiêu kế hoạch năm hơn 36%, đạt hơn 2.302 tỷ đồng, tăng 116% so với 11/2019. Hệ số an toàn vốn CAR theo tiêu chuẩn Basel 2 đạt 10,8%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ghi nhận mức 28,8%, tỷ lệ nợ xấu tính theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN là 1,92% tại ngày 30/11/2020.

Tại ngày 30/9/2020, tổng nợ xấu của MSB tăng 31% so với đầu năm lên 1.703 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của MSB tăng từ mức 2,04% hồi đầu năm lên mức 2,32%.

Dòng tiền của ngân hàng thể hiện âm, tính đến quý III/2020, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh -5.600 tỷ đồng, lưu chuyển thuần từ hoạt động trong kỳ âm tương tự.

Một yếu tố đáng chú ý trong cơ cấu tín dụng của MSB, tỷ trọng cho vay bất động sản chiếm 23% trong tổng dư nợ giai đoạn 2019 trở về trước. Đến cuối năm 2020, ngân hàng này có kế hoạch giảm xuống dự kiến còn 13% do giải ngân trong các lĩnh vực cuối năm sẽ tập trung vào cho vay năng lượng, sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, con số thực tế cũng còn khó xác định. Chẳng hạn cho vay năng lượng vẫn ẩn chứa phần bất động sản năng lượng,… So sánh với các ngân hàng khác, Maritime Bank hiện là một trong những ngân hàng có tỷ trọng cho vay trong lĩnh vực bất động sản cao nhất.

Cũng không khó hiểu tại sao ngân hàng Maritime Bank lại tham gia sâu vào lĩnh vực hấp dẫn nhưng rủi ro cao này. Chủ tịch MSB - ông Trần Anh Tuấn là chồng của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, cả hai đều là những doanh nhân từng học tập và làm ăn tại Nga (trước đây là Liên Xô Cũ) sau đó trở về Việt Nam kinh doanh từ giữa những năm 90. Hoạt động kinh doanh của vợ chồng doanh nhân này cũng gắn liền với TNG Holdings, một tập đoàn đa ngành nhưng nổi bật trong lĩnh vực bất động sản thương mại và khu công nghiệp.

Tham gia đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp từ sớm, đến nay, VID Group, tiền thân của TNG Holdings, đang sở hữu nhiều khu công nghiệp ở phía Bắc với tổng diện tích khoảng 2.000ha. Khách hàng thuê đất khu công nghiệp của tập đoàn này có hơn 300 doanh nghiệp từ Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, HongKong.

Trong lĩnh vực bất động sản thương mại, các dự án của tập đoàn này được phát triển dưới thương hiệu TNR Holdings bao gồm các khu căn hộ chung cư, khu dân cư và tòa nhà văn phòng.

Vì đó, nhiều dự án bất động sản được phát triển dưới các thương hiệu của TNR Holdings là khách hàng của Maritime Bank. Điển hình là dự án TNR Goldmark City do công ty Việt Hân làm chủ đầu tư.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Việt Hân đã nhiều lần giao dịch tài sản bảo đảm với Martitime Bank. Gần đây nhất, ngày 27/4, công ty sử dụng 551 căn hộ chưa bán thuộc dự án để làm tài sản bảo đảm tại ngân hàng này. Trước đó, đầu năm 2016, Việt Hân từng sử dụng 2.000 căn hộ cũng thuộc dự án TNR Goldmark City để làm tài sản bảo đảm tại ngân hàng Maritime Bank.

Không chỉ mang các căn hộ thuộc dự án đi cầm cố tại Maritime Bank, một nguồn tin cho biết, Việt Hân cũng chính là một cổ đông nắm giữ hàng chục triệu cổ phiếu của Maritime Bank (MSB) trong năm 2017, công ty này cũng nhiều lần sử dụng số cổ phiếu MSB làm tài sản bảo đảm tại một ngân hàng khác.

Maritime Bank không chỉ nhận cầm cố một dự án do TNR Holdings phát triển. Được biết, các chủ đầu tư của những dự án Gold View, Gold Season và Gold Silk cũng có lịch sử giao dịch tài sản bảo đảm dày đặc với ngân hàng này.

Cụ thể, năm 2017, CTCP Bất động sản Mỹ đã sử dụng 398 căn hộ chưa bán thuộc dự án Gold Season làm tài sản bảo đảm tại ngân hàng. Năm 2018, CTCP Bất động sản Hano VID sử dụng nhiều căn nhà liền kề tại dự án Gold Silk làm tài sản bảo đảm tại Maritime Bank. Cuối năm 2019, CTCP May Diêm Sài Gòn cũng sử dụng các căn hộ sẽ bán trong tương lai của khu cao ốc Hòa Bình (Gold View) làm tài sản bảo đảm tại Maritime Bank.

Một yếu tố nữa trong định hướng phát triển, MSB cho biết sẽ khai thác sâu mảng bảo hiểm. Ngân hàng này đang đặt mục tiêu doanh thu mảng báo hiểm liên kết tăng vượt con số gần 1.000 tỷ đồng. Trả lời báo chí mới đây, đại diện MSB cho biết, hiện doanh thu phí bảo hiểm ở MSB hàng tháng là 50 tỷ đồng, kém 30 tỷ so với của ACB, nên kỳ vọng con số thu về cũng tương đối với ngân hàng này. Tuy nhiên, mảng liên kết bảo hiểm vẫn đang gây nhiều tranh cãi với các chuyên gia trong ngày, khi hàng loạt ngân hàng chạy đua lợi nhuận và đặt kỳ vọng vào vào lĩnh vực này. Liên kết bán bảo hiểm mang về phí hoa hồng cao cho ngân hàng nhưng lại thiếu yếu tố bền vững lõi cho hệ thống tài chính.

MARITIME BANK DÙNG THUẬT "HÓA PHÉP" TRƯỚC KHI LÊN SÀN?

Trước khi lên sàn, cổ phần MSB có vẻ không hấp dẫn nhà đầu tư. Cuối tháng 11 năm nay, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thông báo bán đấu giá toàn bộ vốn tại Maritime Bank - MSB. Tuy nhiên đến ngày 18/12/2020, HNX nhận được công văn của DATC về việc dừng tổ chức bán đấu giá để thực hiện điều chỉnh phương án thoái vốn tại doanh nghiệp niêm yết theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo công bố, DATC bán đấu giá hơn 4,03 triệu cổ phần MSB trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với giá khởi điểm trên 52,41 tỷ đồng, tương đương với 13.000 đồng/1 cổ phần. Trước đó, giữa năm 2019, DATC đã chào bán số cổ phần MSB với giá khởi điểm 11.800 đồng/1 cổ phần, kết quả chỉ có 1.800 cổ phần được đăng ký mua.

Từ năm 2015 đến hết 2018, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng đã nhiều lần tổ chức bán đấu giá cổ phần MSB nhưng đều không thành công. Trong tháng 3/2018, buổi bán đấu giá hơn 2,4 triệu cổ phần MSB của SCIC với giá khởi điểm 12.400 đồng/cp cũng đã bị hủy do không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia đấu giá.

Trong bối cảnh cổ đông bên ngoài hờ hững, đầu tháng 11/2020, Công ty cổ phần TNS Holdings (mã TN1, sàn HoSE) cho biết nhận chuyển nhượng thêm 10 triệu cổ phiếu của Maritime Bank với giá 23.000 đồng/cổ phiếu. Bên chuyển nhượng là Công ty cổ phần Bất động sản Xây dựng Hưng Thịnh. Tổng giá trị chuyển nhượng là 230 tỷ đồng.

TNS Holdings có vốn điều lệ là 176 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 406 tỷ đồng. Tài sản của doanh nghiệp này nằm chủ yếu ở các khoản phải thu ngắn hạn với giá trị tại ngày 30/9/2020 là 452 tỷ đồng. Quý III/2020, TNS Holdings đạt lợi nhuận sau thuế 34,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng cũng sụt giảm khi chỉ đạt 76 tỷ đồng, trong khi 9 tháng năm 2019 đạt 87 tỷ đồng.

Động thái 2 cho thấy MSB đã chuẩn bị chu đáo trước khi đưa cổ phiếu lên sàn. Tính đến ngày 30/9/2020, MSB đã tất toán toàn bộ trái phiếu đã phát hành cho VAMC theo kế hoạch đề ra trong Đại hội cổ đông thường niên năm 2020. Điều này tạo ra lợi thế cho MSB duy trì đà tăng trưởng trong dài hạn khi có thể chủ động hơn trong việc trích lập dự phòng, gia tăng lợi nhuận cũng như đảm bảo nâng cao chất lượng tài sản giữa bối cảnh kinh tế biến động và dịch bệnh diễn biến khó lường.

Những tin tốt thường được doanh nghiệp tung ra ồ ạt trước thời điểm cổ phiếu chính thức lên sàn. Điều này tạo tiền đề thuận lợi cho giá cổ phiếu. Thực tế, MSB cũng đã có thời gian dài chuẩn bị lên sàn từ năm 2016. Gần đây nhất, ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào cuối tháng 4/2019 đã thông qua kế hoạch niêm yết vào quý III/2019. Đến tháng 11/2019 thì có thông tin HOSE đã nhận được hồ sơ niêm yết của MSB. Tuy nhiên, kết quả ngân hàng đã không đạt được mục tiêu đề ra.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 diễn ra vào tháng 5 vừa qua, HĐQT MSB đã trình cổ đông thông qua việc rút lại hồ sơ đăng ký niêm yết lần một tại HOSE và quyết định thời điểm khởi động lại việc thực hiện niêm yết cổ phiếu ở thời điểm thị trường thuận lợi. Cũng tại đây, ông Huỳnh Bửu Quang, Phó Chủ tịch HĐQT cam kết với cổ đông "chắc chắn MSB sẽ niêm yết trong năm nay". Cuối cùng, MSB đã niêm yết thẳng trên HOSE.

SỨC MẠNH NGẦM MANG TÊN HỆ SINH THÁI GIA ĐÌNH

Tầm ảnh hưởng của gia đình Chủ tịch không nằm ở tỷ lệ sở hữu

Ghi nhận tại bản cáo bạch niêm yết, nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ 13,05% vốn tại MSB. Tổ chức trong nước nắm 49,22% vốn, trong đó duy nhất VNPT là cổ đông lớn với 6,09% vốn (tương đương 71,5 triệu cổ phần). Tổ chức nước ngoài hiện giữ 29,18% vốn còn lại.Việc nhà đầu ngoại sở hữu gần tối đa room của ngân hàng này là thông tin khá bất ngờ.

Chủ tịch HĐQT MSB là ông Trần Anh Tuấn, hiện cùng vợ là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đồng sáng lập Tập đoàn TNG (tiền thân là VID) với hàng loạt đơn vị liên quan, bao gồm TNS Holdings. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu hiện nay của Chủ tịch và người liên quan hiện không được công bố cụ thể.

Tuy nhiên, TNS Holdings - đơn vị thành viên TNG nhận chuyển nhượng 10 triệu cổ phần MSB hồi tháng 11 tương ứng tổng giá trị 230 tỷ đồng cũng cho thấy nhóm cổ đông gia đình ông Tuấn đã tăng sở hữu. Việc tăng sở hữu này tiếp nối động thái trước đó vào ngày 29/10, TNS Holdings đã nhận chuyển nhượng gần 21,8 triệu cổ phần MSB từ Đầu tư Xây dựng TNCons Việt Nam, tổng giá trị chuyển nhượng hơn 305 tỷ đồng.

Mặt khác, số lượng cổ phiếu quỹ MSB đang giữ hơn 100,5 triệu đơn vị, tương đương 8,56%. Dự kiến sau khi lên sàn, ngân hàng sẽ tiến hành kế hoạch chào bán cổ phiếu quỹ ra công chúng. Theo kế hoạch, tổng giá trị chào bán theo mệnh giá tương đương 825,2 tỷ đồng. Ngoài ra, MSB còn nắm 18 triệu cổ phiếu quỹ, lượng cổ phiếu này cũng đã được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận dùng để bán/thưởng cho Cán bộ nhân viên ngân hàng.

Như vậy, dù cá nhân chỉ sở hữu 152.000 cổ phiếu MSB, tương ứng 0,01% nhưng quyền lực của ông Trần Anh Tuấn ở ngân hàng này thể hiện ngay vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Trần Anh Tuấn.

Nhận thế chấp và hỗ trợ công ty con huy động vốn?

Chuỗi bất động sản TNR gắn kết với Maritime Bank qua việc tài trợ vốn tại các dự án. Chẳng hạn, chủ đầu tư dự án TNR Grand Palace là Công ty CP Bất động sản Mỹ, doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tập đoàn TNG. Đơn vị độc quyền phân phối, phát triển dự án là TNR Holdings Việt Nam, Maritime Bank tài trợ vốn.

Doanh nghiệp này có sự tăng trưởng mạnh về tổng tài sản khi tham gia nhiều dự án ở địa phương. Vào tháng 10/2016, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án Khu dân cư giáp khu tái định cư xã Đông Mỹ, TP. Thái Bình với diện tích 71.285m2 trên đất nông nghiệp thôn Tống Thỏ Nam, xã Đông Mỹ, TP. Thái Bình.

Trong đó, đất ở nhà liên kế là 12.346,m2; đất ở nhà biệt thự: 17.532,m2; đất nhà ở xã hội: 9.240,m2; đất giao thông: 23.152,m2; đất khe hạ tầng kỹ thuật: 702m2; Đất công viên cây xanh, khu thể thao: 5.417,m2; Đất công trình hạ tầng xã hội do Nhà nước đầu tư: 2.264,m2; Đất công trình công cộng do Nhà nước đầu tư: 632m2. Tổng mức đầu tư là 284 tỷ đồng.

Đầu tháng 4/2020, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định số 940/QĐ-UBND công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đồng thời công nhận chủ đầu tư thực hiện Dự án phát triển nhà ở thương mại tại xã Đông Mỹ, TP. Thái Bình. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ. Mức trúng đấu giá là 11.000.200đ/m2, cao hơn giá khởi điểm 200đ/m2. Được biết, mức giá này cao hơn gần 60 lần so với giá đền bù cho người dân. Sau khi đấu giá thành công, công ty này đã mang dự án đi thế chấp tại Maritime Bank và tài sản đảm bảo là các khoản tiền, lợi tức, khoản phải thu hiện tại và trong tương lai.

Ngày 26/6/2020, Công ty Bất động sản Mỹ có văn bản chỉ định và ủy quyền đơn vị độc quyền quản lý, phát triển và phân phối dự án cho Công ty CP Đầu tư Phát triển BĐS TNR Holdings (Doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái thuộc Tập đoàn TNG). Ngày 13/7/2020, chủ đầu tư có văn bản số 118/2020-BĐSM để xác nhận điều kiện huy động vốn tại dự án này.

Ngày 20/7/2020, Sở Xây dựng Thái Bình có văn bản 223/TB-SXD thống báo Chủ đầu tư đủ điều kiện tham gia huy động vốn thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên kết của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên kết để thực hiện dự án này chỉ được phân chia lợi nhuận (bằng tiền hoặc cổ phiếu) trên cơ sở tỷ lệ góp vốn theo thỏa thuận hợp đồng. Chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn…

Ngày 31/8/2020, chủ đầu tư tiếp tục có hợp đồng thế chấp tại MSB. Tài sản đảm bảo gồm toàn bộ quyền đòi nợ, các khoản phải thu thuộc quyền sở hữu của Bên thế chấp, quyền yêu cầu Bên có nghĩa vụ thanh toán phải thanh toán các khoản tiền phát sinh từ các Hợp đồng đặt chỗ; Hợp đồng mua bán; Hợp đồng chuyển nhượng thuộc dự án và Bên có nghĩa vụ thanh toán.

CUỘC CHƠI TRÁI PHIẾU PHIÊU LƯU KÝ

Tham gia hỗ trợ trái phiếu "không tài sản" đảm bảo?

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, thực tế, ở các quốc gia trên thế giới, trái phiếu không có tài sản bảo đảm là công cụ tài chính thông thường. Nhà phát hành có tiềm năng, sức khoẻ tài chính ổn định thì các nhà đầu tư tin tưởng ở khả năng trả nợ của họ.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, rủi ro ở chỗ thông tin chưa minh bạch, nhà đầu tư thường chỉ nhìn vào lãi suất hấp dẫn, thiếu khả năng phân tích báo cáo tài chính. Mặc dù trong bản cáo bạch, các doanh nghiệp thuyết minh chi tiết khoản tiền sẽ được sử dụng để phát triển dự án nào nhưng thực tế trái chủ không thể kiểm soát hết được. Nhiều nhà đầu tư chỉ quan tâm trái phiếu được ngân hàng nào hỗ trợ phát hành, lầm tưởng rằng trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh nhưng hoàn toàn không phải. Đó là cái bẫy. Thậm chí, theo ông Hiếu, còn có trường hợp các ngân hàng đứng ra mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản để đảo nợ, gây rủi ro rất lớn cho hệ thống tín dụng.

Theo số liệu thống kê của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), 9 tháng năm 2020, nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành 137.500 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 40,3% tổng lượng phát hành, chiếm tỷ trọng cao nhất thị trường. Đáng lưu ý, có đến 20.500 tỷ đồng trái phiếu bất động sản không có tài sản bảo đảm. Các doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm có thể kể đến: TNR Holdings, Địa ốc Phú Long, Công ty CP Bất động sản Mỹ, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phú Thượng… Ngoài ra, còn 22.900 tỷ đồng trái phiếu bất động sản được bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức phát hành hoặc của bên thứ 3.

“Chúng tôi không đánh giá cao chất lượng tài sản bảo đảm là cổ phiếu vì khi vi phạm xảy ra, giá trị cổ phiếu sẽ sụt giảm rất nhanh, thậm chí giá trị cổ phiếu của tổ chức phát hành có thể về 0 nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán/phá sản. Bởi vậy, các nhà đầu tư cần cẩn trọng khi xem xét đầu tư vào các trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu”, SSI cảnh báo.

Trong tháng 1/2020, dữ liệu của HNX cho thấy, riêng CTCP Đầu tư Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam đã có tổng giá trị phát hành gần 2.881 tỷ đồng, chiếm 33% tổng giá trị trái phiếu của nhóm bất động sản. Đặc biệt, các trái phiếu của doanh nghiệp này được chia nhỏ thành 60 lô trái phiếu (toàn thị trường có 102 lô), mỗi lô có giá trị trên dưới 50 tỷ đồng. Tất cả các trái phiếu đều có kỳ hạn 3 năm.

Theo tìm hiểu, TNR Holdings là công ty thành viên của CTCP Đầu tư TNG Holdings, được thành lập vào ngày 6/6/2016 với số vốn 20 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập bao gồm bà Phạm Thị Vân Hà (90%), bà Phạm Thị Ngọc Hiếu (5%) và bà Đỗ Thị Tươi (không rõ số vốn góp). Sau khi công ty tăng vốn lên 500 tỷ đồng vào đầu tháng 12/2017, tỷ lệ sở hữu của bà Phạm Thị Vân Hà và Phạm Thị Ngọc Hiếu lần lượt giảm xuống còn 3,6% và 0,2%. Các cổ đông còn lại không được công bố.

Tháng 4/2018, ba cổ đông sáng lập đều thoái hết vốn tại TNR Holdings. Đồng thời, vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật được chuyển từ bà Phạm Thị Ngọc Hiếu sang ông Trần Minh Hải. Không lâu trước thời điểm phát hành hàng loạt lô trái phiếu nói trên, ngày 30/9/2019, TNR Holdings công bố tăng vốn gấp đôi lên 1.000 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Nguyễn Mạnh Hải.

Tại thời điểm phát hành trái phiếu, TNR Holdings đang thực hiện một số dự án bất động sản. Theo giới thiệu trên website, TNR Holdings là chủ đầu tư hàng loạt các dự án với 3 dòng chính: TNR Gold (TNR Goldmark City, TNR GoldSeason, TNR GoldSilk Complex, TNR The GoldView), TNR Stars (Amaluna, Star Center Cao Bằng, Star City Lục Yên, Star Thoại Sơn…) và TNR Tower (TNR Tower Nguyễn Chí Thanh, TNR Tower Láng Hạ, TNR Tower Hoàn Kiếm, TNR Tower Nguyễn Công Trứ).

Còn nhớ, "quả đắng" đầu tư trái phiếu nhìn từ Ngân hàng MaritimeBank...

Cách đây hơn 2 năm, TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử tiếp vụ án đại án Hà Văn Thắm và Tập đoàn Đại Dương. Riêng việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vay của nhiều ngân hàng rất thuận lợi thì MSB mắc kẹt 500 tỷ đồng khi đầu tư theo hình thức trái phiếu.

Cổ phiếu của Tập đoàn Đại Dương (OGC) và cổ phiếu OCH - CTCP Khách sạn Đại Dương (Công ty con của Tập đoàn Đại Dương) đều là những cố phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung. Do đó, các tài sản đảm bảo dưới dạng này, dù chịu biến động mạnh về giá theo thị trường, nhưng lại khá linh động trong thanh khoản. Các chủ nợ phần nào thuận lợi trong việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vay bằng việc giao dịch cổ phiếu này trên thị trường chứng khoán tập trung.

Theo dữ liệu từ sàn chứng khoán, sau khi vụ đại án xảy ra, các thương vụ bán giải chấp cổ phiếu này đã khiến tỷ lệ sở hữu của OGC tại OCH giảm từ 65,5% (131 triệu đơn vị) xuống còn 55,5% vốn (111 triệu đơn vị) trong một phiên giao dịch. OCG đã từng bị giải chấp 2,46 triệu cổ phiếu OCH để thanh toán khoản vay của Công ty TNHH Phát triển Thương mại và Đầu tư Việt Nam tại HD Bank vào tháng 4/2015.

Tuy nhiên, khi các bên đã phải đưa nhau ra Tòa, khoản tín dụng trị giá 500 tỷ đồng mà MSB đã cấp cho CTCP Dịch vụ Hỗ trợ và Phát triển Đầu tư (IOC) - một công ty con của OGC thông qua hình thức đầu tư trái phiếu bị vướng. Tháng 9/2011, MSB và IOC đã ký Hợp đồng mua bán trái phiếu cho mục đích đầu tư vào dự án Sunrise Resort Hội An và bổ sung vốn lưu động.

Theo hợp đồng, thời hạn trái phiếu là 5 năm, tuy nhiên sau 1 năm kể từ thời điểm phát hành, IOC có nghĩa vụ mua lại hoặc nhờ người khác mua lại khoản trái phiếu này bất kể lúc nào MSB đề nghị bán lại trái phiếu. Lãi suất cho năm đầu tiên là 15%/năm, với các năm tiếp theo là lãi suất thả nổi theo nguyên tác lãi suất tiết kiệm 12 tháng trả sau trung bình của 4 ngân hàng (Vietcombank, BIDV, Agribank,Vietinbank). Nhưng lô trái phiếu này mà MSB ký với IOC không có tài sản đảm bảo.

Ngay sau khi xảy ra đại án ông Hà Văn Thắm và Tập đoàn Đại Dương, tháng12/2014, MSB đã có Công văn số 2512/2014/SV-MSB yêu cầu IOC mua lại trái phiếu hoặc nhờ người mua lại trái phiếu đã phát hành. Tuy nhiên,những yêu cầu này của MSB không được thực hiện.

Cho đến tháng 12/2016, MSB lại yêu cầu IOC thực hiện thủ tục chuyển nhượng trái phiếu. Lần này, MSB chủ động tìm bên mua. Theo đó, MSB đề nghị điều chỉnh lại việc cấp giấy chứng nhận cho chủ sở hữu mới là CTCP Đầu tư Tiến An. Nhưng IOC vẫn chưa thực hiện theo yêu cầu đề nghị của Ngân hàng này. Trước tình thế này, MSB đã nộp đơn khởi kiện lên TAND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ban đầu, IOC chấp nhận thanh toán cho MSB nhưng sau đó lại kháng cáo.

Trong khi đó, báo cáo tài chính ngày 30/06/2017, OGC vẫn hợp nhất khoản nợ 500 tỷ đồng của IOC tại MSB. Được biết, CTCP Đầu tư Tiến An tiền thân là CTCP Mua bán nợ VID, thành lập ngày 27/08/2012. Đây là công ty đã tham gia cơ cấu một số khoản nợ cho MSB.

Theo các chuyên gia, cho vay theo các gói tín dụng thông thường, các ngân hàng thường thu hồi nợ gốc và lãi theo định kỳ hàng tháng hoặc quý, do vậy cũng kiểm soát việc sử dụng vốn chặt chẽ, thường xuyên hơn và các doanh nghiệpcũng dễ dàng trả nợ từng khoản nhỏ hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp hợp này, MSB sử dụng phương án đầu tư trái phiếu thay vì cấp tín dụng và điều này dẫn đến tình trạng là dư nợ từ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của nhiều ngân hàng tăng cao. Hoặc thay vì cho vay có tài sản thế chấp, MSB đã cho vay theo hình thức trái phiếu…

Trên đây là những yếu tố kèm rủi ro sẽ góp phần không nhỏ vào "bản chất" cổ phiếu MSB sau này. Tuy nhiên, với việc niêm yết thẳng trên sàn HOSE cũng cho thấy sức mạnh và tầm ảnh hưởng của ban lãnh đạo MSB. Do đó, với những nhà đầu tư ưa rủi ro mạo hiểm, MSB vẫn mang tính phiêu lưu.

Link gốc : https://reatimes.vn/msb-co-phieu-dam-mau-bat-dong-san-20201224000000183.html

Bạn đang đọc bài viết MSB cổ phiếu đậm màu bất động sản tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng
Lợi nhuận trước thuế riêng của ngân hàng đạt 8.515 tỷ đồng và hợp nhất đạt 9.017 tỷ đồng, giảm khoảng 16% so với năm 2019 do BIDV chủ động giảm thu nhập để cơ cấu nợ, hạ và miễn giảm lãi suất, phí cho