Năm nay, ngành ngân hàng đã 3 lần điều chỉnh hạ lãi suất cho vay. Tại TP HCM, mới đây mức điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ… chỉ còn 4,5%/năm.
Dù mức lãi suất cho vay thấp nhất trong những năm gần đây, nhưng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận nguồn vốn vay.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, rào cản để doanh nghiệp vừa và nhỏ ở TP HCM tiếp cận vốn vay là tài sản thế chấp, vì phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ hạn chế điều kiện này.
Một số doanh nghiệp có tài sản thì đang thế chấp vay nên rất khó có tài sản khác thế chấp để vay tiếp. Song song đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ thường ít kinh nghiệm làm sổ sách quản lý dòng tiền minh bạch để đáp ứng điều kiện vay của ngân hàng.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM đề nghị, ngân hàng cần đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề này.
“Ngân hàng cần đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua việc tư vấn, thẩm định dự án, quản trị dòng tiền và thế chấp bằng tài sản phái sinh... Giải pháp này vừa giúp doanh nghiệp quản trị tốt nguồn vốn, đặc biệt là trong cách sử dụng nguồn vốn vay”, ông Dũng đề xuất.
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của TP HCM năm nay là 14%, thế nhưng đến nay mới chỉ hơn 6%. Từ nay đến cuối năm, dư địa tăng trưởng còn rất lớn, với nguồn vốn cho vay hơn 200.000 tỷ đồng.
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP HCM cho biết, liên quan tới tài sản thế chấp của doanh nghiệp, Ngân hàng đã phối hợp với Sở Công Thương, Hiệp hội doanh nghiệp ở 24 quận, huyện của TPHMC qua đó có giải pháp xử lý bằng hình thức cho vay tín chấp, hoặc cho vay thế chấp bằng dòng tiền bán hàng, nguồn thu của doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, doanh nghiệp vay tín chấp sẽ phải phụ thuộc vào mức độ tín nhiệm của ngân hàng đối với doanh nghiệp, phải được xếp hạng tín dụng nội bộ cao thì mới được vay tín chấp”, ông Dũng nêu khó khăn./.
Lệ Hằng