Đó là lời của ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB. Ông Tuấn dùng từ “sẽ” bởi hai phía đã chốt thương vụ chuyển nhượng cổ phần vào tháng 11-2019, nhưng còn phải đợi hoàn tất các thủ tục và được sự chấp thuận của cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước. “Chúng tôi dự kiến tháng 3 hoặc tháng 4-2020 sẽ chính thức công bố Aozora là đối tác chiến lược của OCB”, ông nhấn mạnh.
--FC cho OCB vay 100 triệu đô la Mỹ phục vụ SMEs |
Đối tác chiến lược hay đối tác tài chính?
Bán cổ phần cho nước ngoài vẫn là một trong những tham vọng hàng đầu của các ngân hàng Việt còn room năm nay do nhu cầu tăng vốn chủ sở hữu, nâng cao năng lực tài chính trước biến động của kinh tế toàn cầu. BIDV sau khi bán 15% cổ phần cho Hana Bank (Hàn Quốc) tiếp tục để ngỏ khả năng gọi vốn tiếp khi giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room) còn tới hơn 10%.
Vietcombank, theo lời Chủ tịch Hội đồng quản trị Nghiêm Xuân Thành, còn hơn 5% room cho nước ngoài nhưng không vội vàng. Một phần vì Vietcombank vừa bán quyền khai thác bảo hiểm độc quyền cho nước ngoài thu về tới 400 triệu đô la Mỹ, phần khác vì đến năm 2025 Nhà nước dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu tại bốn ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh về 51%. Giả sử khi ấy Vietcombank chuyển nhượng hẳn “một cục” hai mươi mấy phần trăm cổ phần cho nước ngoài, số tiền thu được sẽ rất khủng.
Nhìn về dài hạn, tất nhiên các ngân hàng đều muốn chuyển nhượng cổ phần cho đối tác chiến lược. Ông Tuấn cho biết Aozora là đối tác chiến lược, hợp đồng giữa hai bên OCB - Aozora là dài hạn (không thời hạn). OCB đưa ra các điều khoản có cấp độ khác nhau (cụ thể điều khoản này yêu cầu giữ cổ phần 10 năm; điều khoản khác đòi hỏi thời gian sở hữu 20 năm, 30 năm...) và Aozora có các cam kết cho từng điều khoản cũng như toàn bộ hợp đồng. “Aozora sẽ có một đội nhân lực hợp tác với OCB, có ngân sách để thực thi, họ muốn làm ăn lâu dài ở Việt Nam”, ông Tuấn “bật mí”.
OCB có chủ trương bán cổ phần cho nước ngoài từ tháng 4-2018 và ngay sau đó đã triển khai. Song tháng 6, tháng 7 năm ấy thị trường chứng khoán quá xấu. Thêm vào đó, cùng thời gian trên, việc hàng loạt tổ chức ngoại tham gia mua cổ phần một số ngân hàng Việt tạm thời thua lỗ tới 50% đã ít nhiều khiến họ “chùn bước”. Ba quỹ nước ngoài, trong đó có một quỹ của Đức, đàm phán mua cổ phần OCB đến tháng 3-2019 vẫn không xong, quá chậm. Cuối cùng OCB đã chủ động dừng lại, tìm kiếm đối tác khác. Nhờ sự tư vấn và giới thiệu của UBS (Union de Banques Suisses - Thụy Sỹ), JP Morgan và HSC (Công ty Chứng khoán TPHCM), OCB đã bắt tay với Aozora.
Aozora sẽ giải ngân 15 tỉ yen (khoảng 140 triệu đô la Mỹ) để sở hữu 15% cổ phần OCB, tương đương giá thị trường của OCB tầm 1 tỉ đô la Mỹ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí 4-2019, vốn điều lệ của OCB đạt 8.050 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.583 tỉ đồng, tức 110 triệu đô la Mỹ. Chưa niêm yết, cổ phiếu OCB hiện đang được giao dịch trên thị trường OTC quanh mức 15.000-16.000 đồng, P/E xấp xỉ 5 lần.
Các chỉ tiêu/kế hoạch kinh doanh của OCB
Room ngân hàng: đã đến lúc thay đổi
So với các lĩnh vực khác, cổ phiếu của đa số các ngân hàng Việt hiện khá rẻ với chỉ số giá trên thu nhập (P/E) bình quân thấp và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao, hầu hết trên 30%/năm. Đây là điểm hấp dẫn đối với các đối tác tài chính nước ngoài. Nhưng đầu tư tài chính thường không bền. Đến thời điểm nhất định (từ 2-5 năm) bên mua tài chính nước ngoài sẽ chốt lời. Chưa kể có những nhà đầu tư tài chính tổ chức “ép” bên bán cổ phần phải đưa ra cam kết như mua lại cổ phần với giá nào đó tại thời điểm đáo hạn.
Vấn đề được các ngân hàng (ở vai trò gọi vốn) và các định chế nước ngoài (trong vai trò đầu tư chiến lược, đầu tư tài chính) quan tâm hơn cả bây giờ là liệu quy định về room ngân hàng nói chung có được nới lỏng. Việt Nam đã không ít lần lên tiếng về khả năng chuyển nhượng 100% vốn của một số ngân hàng yếu kém đang tái cơ cấu cho nước ngoài, đồng thời giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại BIDV, VietinBank, Vietcombank và thậm chí cả Agribank về 51%, song room vẫn giữ nguyên kể từ đầu năm 2000 đến nay. Sau hai mươi năm biến động kinh tế trong và ngoài nước, room 30% giờ đây đã trở nên không còn phù hợp.
Thực tế, đầu những năm 2000, room có tác dụng ngăn chặn việc thâu tóm ngân hàng nội địa và bảo vệ “sân chơi” kinh doanh trong nước cho ngân hàng Việt. Hiện nay tác dụng này không còn ý nghĩa bởi các ngân hàng nội đã vươn lên mạnh mẽ và hoạt động của các ngân hàng 100% vốn nước ngoài khá khiêm tốn về thị phần so với đồng nghiệp trong nước. Nhà nước vẫn đang nắm cổ phần chi phối của bốn “ông lớn” ngân hàng vốn kiểm soát 50% thị phần tín dụng, huy động vốn cũng như cung cấp dịch vụ. Việc nới room cho các tổ chức tín dụng cổ phần sẽ không ảnh hưởng đến việc kiểm soát thị trường tiền tệ của các ngân hàng trong nước.
Các ngân hàng Việt, so với ngân hàng các nước trong khối ASEAN và khu vực châu Á, còn nhỏ cả về quy mô vốn liếng cũng như tổng tài sản. Do huy động vốn từ các nhà đầu tư trong nước quá khó, ngân hàng nội hiện trông chờ nhiều vào vốn nước ngoài để phát triển và nâng tầm lên ngang hàng khu vực. Trước mắt, room ngân hàng nên được nới từ 30% lên 49% nhằm đáp ứng nhu cầu huy động vốn này. Cho phép nước ngoài nắm giữ 49% cổ phần một ngân hàng cổ phần sẽ tạo cú hích cho giá cổ phiếu ngân hàng, nhờ đó tạo sức bật cho thị trường chứng khoán, điều mà chúng ta đang rất cần để khai thông thị trường tài chính.
Aozora sẽ thanh toán tiền mua cổ phần một lần và ngay lập tức cho OCB sau khi có giấy phép chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi chờ đợi hoàn thành thủ tục, thương vụ Aozora - OCB đang được giới ngân hàng và đầu tư đưa vào danh sách thương vụ của năm. OCB vẫn còn 10% room và tiếp tục tìm kiếm những đối tác ngoại mới.
Theo Nhà đầu tư