Giảm tới 4,5%
Ngân hàng BIDV cho biết, tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bao gồm cả các khoản vay mới và dư nợ cũ. Theo đó, đối với khoản vay hiện hữu, cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc, lãi và giảm đến 2%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mức giảm cụ thể tùy thuộc từng lĩnh vực, ngành nghề và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của doanh nghiệp.
Đối với nhu cầu vay mới, BIDV có các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có nhu cầu vay mới với lãi suất giảm 2% so với lãi suất cho vay cùng loại ngày 31/12/2019.
Ngân hàng VPBank cũng vừa công bố đợt giảm lãi suất lần 2 với mức 2%/năm cho các tất cả các DN vừa và nhỏ. Trước đó 2 tháng, VPBank là một trong những ngân hàng đầu giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm cho DN chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid -19. Đại diện VPBank cho biết, lần giảm lãi suất này rất sâu, thêm đến 2%/năm là nhằm hưởng ứng chỉ đạo của Thống đốc NHNN.
Trong khi đó, LienVietPostBank áp dụng lãi suất ưu đãi với mức giảm đến 0,5% so với lãi suất thông thường khi vay ngắn hạn để phục vụ sản xuất kinh doanh cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh và DN, áp dụng tới 30/6/2020. Theo đó, các khách hàng cá nhân và DN của LienVietPostBank sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm, thời gian vay vốn tối đa 12 tháng.
Thậm chí, HDBank công bố giảm mạnh lãi suất vay ưu đãi từ 2 - 4,5% cho các khách hàng cá nhân và DN siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong cả nước mà không yêu cầu chứng minh khó khăn do dịch Covid-19.
Trước đó, HDBank đã đưa ra gói tín dụng cho nhiều đối tượng khách hàng trong mùa dịch Covid-19 như 10.000 tỷ đồng cho hỗ trợ bình ổn giá hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm, lãi suất linh hoạt chỉ từ 6,5%/năm dành cho DN cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho cho các chuỗi siêu thị cho người dân; dành 5.000 tỷ đồng tài trợ ưu đãi cho các khách hàng SMEs.
Còn Kienlongbank giảm 3%/năm lãi suất cho vay trong hạn so với mức lãi suất đang áp dụng theo thỏa thuận của hợp đồng tín dụng đã ký kết đối với cả khách hàng cá nhân và khách hàng DN. Thời gian áp dụng giảm lãi vay từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6/2020, đối với những khách hàng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ưu tiên 5 tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp là Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang và Long An), để hỗ trợ kịp thời và cấp bách đến những khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn.
Theo ghi nhận, nhiều NH thương mại khác như Vietcombank, Agribank, MB, Sacombank, SHB, NamABank… cũng đang triển khai chính sách hỗ trợ khách hàng DN và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là các lĩnh vực phục vụ nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế có thể được giảm tới 2,5%/năm so với biểu lãi suất thường.
Ngoài ra, các NH thương mại đang tiếp tục thực hiện việc cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ… cho những khách hàng bị tác động bởi dịch bệnh theo Thông tư 01 của NHNN.
Cứu DN để cứu mình
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Để chung tay chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, các ngân hàng mạnh tay cắt giảm tiếp lãi suất cho vay từ 0,5 - 4,5%. Nhưng đây cũng được cho là cách để các ngân hàng kích cầu tín dụng trong bối cảnh thị trường khó khăn, tín dụng khó tăng.
Trước đó, ảnh hưởng của dịch bệnh, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng giảm mạnh. Thậm chí nhiều chuyên gia nhận định, tăng trưởng tín dụng khó có thể đạt mức tăng 12 - 12,5%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 13,5% của cả năm 2019.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, TS.LS Bùi Quang Tín, việc hạ các mức lãi suất là động thái kịp thời, đúng lúc nhằm giúp DN, người dân hạ được chi phí tài chính trong sản xuất kinh doanh và trong cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covdid-19.
Đại diện Vietcombank cho biết, từ ngày 23/1 đến nay, Vietcombank đã thực hiện giải ngân cho vay mới hơn 41.200 tỷ đồng góp phần hỗ trợ đáng kể cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền. Tổng dư nợ của các khách hàng có gặp khó khăn tạm thời do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được Vietcombank giữ nguyên nhóm nợ từ đầu năm đến nay là trên 8.200 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, nhiều trường hợp trong tổng số hơn 50.000 tỷ đồng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được Vietcombank xem xét cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định.
Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, tính từ đầu năm 2020, VietinBank đã cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ khoảng 350 khách hàng với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2% dư nợ của VietinBank.
“Bên cạnh cơ cấu nợ, miễn giảm hỗ trợ lãi suất thì việc giảm phí cho các doanh nghiệp cũng được VietinBank thực hiện với khách hàng. Mức phí giảm khoảng 20 - 50%. Cá biệt có một số loại phí, đặc biệt là các phí về tài trợ thương mại có thể giảm tới 100% so với trước đây để hỗ trợ cho các doanh nghiệp” - ông Lê Đức Thọ cho biết thêm.
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ tháng 3 ngày 1/4, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, hoạt động ngân hàng đảm bảo thông suốt, tình hình thanh khoản thị trường ổn định. Đến cuối tháng 3, tín dụng đã tăng 1,1%, đây là tín hiệu mừng so với tháng 1 (0,25%), tháng 2 (0,06%), chứng tỏ nền kinh tế đã có bước tiếp cận tốt hơn
NHNN đã chủ động giảm lãi suất điều hành, điều tiết thanh khoản thị trường hàng ngày linh hoạt, là cơ sở quan trọng để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay. Tập trung mọi nguồn lực để giảm mạnh lãi suất cho vay. Các ngân hàng đều đồng thuận giảm lãi suất cho vay là trách nhiệm rất lớn của các tổ chức tín dụng đối với khó khăn của doanh nghiệp, khách hàng vay vốn.
Tới đây, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại Đề án trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cũng như lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Theo Kinh tế đô thị