Tạo hành lang pháp lý thuận lợi
Theo Phó Thống đốc NHNN Ðào Minh Tú, từ khi dịch Covid-19 bắt đầu được phát hiện đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chủ động và có trách nhiệm triển khai quyết liệt, cụ thể chỉ đạo phòng, chống dịch trong nội bộ ngành; bám sát, đánh giá, xem xét tình hình khó khăn của người dân, doanh nghiệp (DN) trên tinh thần đồng hành và chia sẻ các khó khăn cùng DN. Và với tinh thần khẩn trương nhất, mới đây NHNN đã chính thức ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Ý nghĩa quan trọng nhất của Thông tư 01 là tạo điều kiện cho DN tiếp tục có vốn, bằng nguồn vốn vay ngân hàng kết hợp với nguồn vốn của mình để khắc phục khó khăn, tiếp tục sản xuất, kinh doanh”, Phó Thống đốc Ðào Minh Tú nhấn mạnh.
Thực tế hiện nay, trong bối cảnh khó khăn của DN chưa thể định lượng chính xác mà mới chỉ tạm tính bởi diễn biến khó lường của dịch bệnh; cho nên có thể nói, việc cơ cấu lại nợ như giãn, giảm lãi vay, tái cơ cấu nợ là giải pháp thiết thực, cấp thiết nhất đối với DN trong thời điểm hiện tại. Chị Nguyễn Thu Thủy, chủ một DN chuyên kinh doanh và cho thuê xe du lịch, có trụ sở chính đóng trên địa bàn Hà Nội cho hay: Kể từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, hàng loạt các Trung tâm tiếng Anh đóng cửa dẫn đến khách thuê tháng của DN (chủ yếu là giáo viên dạy tại các trung tâm này) nợ tiền thuê xe; khách đi tua hủy tua, vì lý do dịch Covid cho nên DN phải hoàn tiền cho khách; khách tua vãng lai cũng vắng bóng hẳn,… nhìn chung doanh thu của công ty bị sụt giảm đến 50%. “Doanh thu sụt giảm, tiền lương nhân viên vẫn phải duy trì, trong khi tiền lãi ngân hàng mỗi tháng phải trả đến mấy chục triệu đồng,… mà dịch bệnh cũng không biết khi nào mới chấm dứt để DN trở lại kinh doanh như bình thường. Vì vậy, tôi rất mong ngân hàng xem xét giãn nợ cho DN vào lúc này”, chị Thủy cho biết.
Do đó, với những quy định tại Thông tư 01 này, NHNN sẽ tạo cơ chế thuận lợi nhất để các TCTD có thể chủ động trong việc xử lý, tái cơ cấu các khoản nợ đến hạn cho khách hàng. “Tuy nhiên đã là chính sách ưu đãi thì phải đúng đối tượng để tránh việc lợi dụng, sai chính sách cả về phía DN cũng như các ngân hàng”, Phó Thống đốc Ðào Minh Tú lưu ý. Quan điểm xây dựng Thông tư là tạo điều kiện cao nhất về thẩm quyền trách nhiệm để các TCTD phối hợp cùng khách hàng vay vốn xem xét quyết định mức độ thời gian, hỗ trợ DN tái cơ cấu các khoản vay, các khó khăn do tác động của dịch bệnh. Ðồng thời, Thông tư mới cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các TCTD và khách hàng vay vốn khi thực hiện chính sách hỗ trợ, bảo đảm đúng đối tượng, tính khách quan và không được vụ lợi.
Cũng theo Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) Nguyễn Trọng Du, những quy định tại Thông tư nhằm giúp các TCTD có khung khổ pháp lý tiếp tục xem xét cho vay mới; đồng thời không bị nhảy nhóm nợ nhằm bảo đảm hỗ trợ cho chính TCTD trong vấn đề thực hiện phân loại, trích lập dự phòng rủi ro cho phù hợp, nhất là trong giai đoạn tạm thời ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tăng cường “bơm” vốn, giảm lãi, phí
Có thể thấy cho đến nay, dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến các DN nhất là những DN trong ngành xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải, nông nghiệp, thủy sản, sản xuất công nghiệp, điện tử, da giày, dệt may… Theo đánh giá sơ bộ từ NHNN, tính tới thời điểm hiện tại, số dư nợ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn ước tính khoảng 926 nghìn tỷ đồng (chiếm hơn 11% tổng dư nợ).
Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, kể từ khi dịch bệnh xảy ra đến nay, NHNN đã nhận được nhiều văn bản từ Hiệp hội Vận tải, Hiệp hội Da giày, Hiệp hội Sắn, Hiệp hội Cà-phê, Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ, Tập đoàn Dệt may, Hiệp hội Xi-măng, các cơ sở giáo dục ngoài công lập,… đề nghị xem xét tháo gỡ khó khăn cho DN. “Về phía NHNN, ngay sau khi Chính phủ công bố dịch, chúng tôi đã sớm có chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng”, ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.
Kết quả đến nay, bước đầu, các TCTD đã xem xét cơ cấu lại các khoản dư nợ tổng trị giá 21.753 tỷ đồng, miễn giảm lãi thật sự với dư nợ hiện tại của DN tại TCTD cho 8.000 khách hàng với số tiền hơn 350 tỷ đồng; đang xem xét miễn giảm lãi vay cho hơn 34.350 khách hàng với khoản dư nợ 185 nghìn tỷ đồng. Các TCTD cũng đã tiếp tục hoàn thiện hồ sơ cho vay mới 5.493 khách hàng với tổng số cho vay dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó nhiều ngân hàng cũng đã thực hiện giảm phí, có những ngân hàng miễn phí hoàn toàn. Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) cũng đã và đang giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng để giúp các TCTD giảm chi phí, hạ lãi suất, qua đó gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và DN.
Ðịnh hướng trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi diễn biến tác động của dịch để triển khai các giải pháp điều hành, yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc Thông tư 01 trong việc miễn giảm lãi, cơ cấu lại nợ. Ðến nay, các TCTD đăng ký doanh số cho vay 285 nghìn tỷ đồng, cho thấy ngành ngân hàng sẵn sàng đủ vốn cho nền kinh tế trong và sau dịch bệnh. Các TCTD cũng cam kết cho vay với lãi suất giảm 0,5 đến 1%/năm so với lãi suất áp dụng hiện tại. Tuy nhiên đại diện lãnh đạo NHNN cũng lưu ý, đây không phải là gói tín dụng chính sách nên các TCTD sẽ phải cân đối khả năng tài chính của mình để điều chỉnh giảm lãi suất cho phù hợp.
Theo Nhân dân