Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Nhiều ngân hàng lách luật bằng trái phiếu doanh nghiệp, rủi ro chờ khách hàng

Hạ Thương (TH- ĐTVN)/ SHTT 10:21 02/01/2020

Một số ngân hàng có thể sử dụng trái phiếu doanh nghiệp như một “cửa thoát” cho các quy định về giới hạn tín dụng

Theo Nhịp sống kinh tế, ngày càng nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, tính tới hết 11 tháng năm 2019, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành đạt 237.000 tỉ đồng, cao hơn 6% so với cả năm 2018. Một số ý kiến cho rằng đây là cách đảo nợ của doanh nghiệp.

NHNN lưu ý các ngân hàng đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực bất động sản

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, khi đa số người mua là các ngân hàng, thì trái phiếu DN lại có thể trở thành một công cụ hữu hiệu để ngân hàng đối phó với các quy định thắt chặt tín dụng vào bất động sản như Thông tư 36, Thông tư 22 hay Quyết định 2416 của Ngân hàng Nhà nước.

Theo khảo sát, một số ngân hàng và các công ty chứng khoán “con ngân hàng” liên tục chào bán cho nhà đầu tư cá nhân, tổ chức với mức lợi suất hấp dẫn.

Ví dụ, Techcombank hoạt động trong lĩnh vực bảo lãnh, phát hành đầu tư trái phiếu thông qua công ty con Chứng khoán Kỹ Thương, với hơn 80% thị phần giao dịch trái phiếu tại HOSE. Theo giới thiệu, đơn vị này đang chào bán nhiều trái phiếu có lợi tức lên đến 9,5% ở kì hạn cao (36 tháng), 7,75% với kì hạn ngắn (dưới 12 tháng).

Thông qua báo cáo tài chính nửa đầu năm nay của các ngân hàng thì Techcombank, BIDV, VietinBank, SHB, MBBank, VPBank… là nhóm nhà băng đang ôm nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất.

Đứng đầu trong danh sách này là Techcombank. Tính đến cuối tháng 6/2019, tổng trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng đang nắm giữ là hơn 59.000 tỉ đồng. Trong đó, số cổ nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành sẵn sàng bán cho Techcombank là hơn 45.000 tỉ, phần còn lại là chứng khoán nợ đầu tư giữ đến ngày đáo hạn.

Đáng chú ý, so với cùng kì năm ngoái, số chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành sẵn sàng bán cho Techcombank tăng 7.000 tỉ, tương ứng mức tăng 18%. Trong cơ cấu tổng dư nợ tín dụng của Techcombank, trái phiếu doanh nghiệp đang chiếm xấp xỉ 25% về giá trị tuyệt đối.

Không chỉ dẫn đầu về số lượng trái phiếu doanh nghiệp đang sở hữu, thời gian qua, Techcombank cũng là ngân hàng thuộc top đầu về tư vấn phát hành trái phiếu. Báo cáo kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm, lãnh đạo Techcombank cho biết đã hỗ trợ tư vấn phát hành 4,8 nghìn tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp chỉ trong vài tháng.

Đứng thứ hai trong danh sách những nhà băng đang có nhiều trái phiếu doanh nghiệp sau Techcombank là BIDV. Tính đến ngày 30/6, tổng trái phiếu doanh nghiệp tại BIDV đạt hơn 22.000 tỉ đồng, không nhiều biến động so với cuối năm 2018.

Tiếp đến là VietinBank với hơn 19.000 tỉ đồng, giảm 3.000 tỉ so với cuối năm ngoái. SHB cũng xuất hiện trong nhóm này khi nắm trong tay hơn 17.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp.

Trong số trái phiếu mà các ngân hàng phân phối trực tiếp hay gián tiếp, có rất nhiều trái phiếu của doanh nghiệp (công ty con) bất động sản như Vinhomes, Novaland, Đất Xanh, Hưng Thịnh, Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc.

Điểm hấp dẫn của sản phẩm này đối với nhà đầu tư cá nhân là (1) lãi suất cao hơn gửi ngân hàng cùng kì hạn; (2) nhà đầu tư có thể mang số trái phiếu này thế chấp chính ngân hàng đó để vay đến 100% giá trị; (3) hầu như ngân hàng/công ty chứng khoán (bên bán) đều có hình thức cam kết mua lại một phần, hoặc toàn bộ trái phiếu trước hạn khi nhà đầu tư mua; (4) nhiều công ty bất động sản còn kèm thêm cam kết chiết khấu trên giá bán sản phẩm cũng như ưu tiên chọn căn hộ khi khách hàng mua trái phiếu sau đó mua sản phẩm bất động sản của công ty.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, các ngân hàng mua nhiều trái phiếu bất động sản có thể kể đến như MB Bank, Techcombank, VPBank, MSB, SeABank với nhiều chương trình bán trái phiếu doanh nghiệp cho cá nhân. Các ngân hàng/công ty chứng khoán chào bán trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư nhưng khuyến khích họ chọn phương án bán lại sau 6-9 tháng.

Việc ngân hàng mua lại trái phiếu trước 12 tháng còn có một tác dụng khác. Thứ nhất là tăng tính hấp dẫn cho nhà đầu tư cá nhân; thứ 2 là khi mua lại trái phiếu thì khoản cho vay này đã trở thành “cho vay ngắn hạn”, nên ngân hàng “thoát được” trần tỉ lệ vốn ngắn hạn/cho vay trung và dài hạn.

Bằng cách này, ngân hàng có thể mua trái phiếu doanh nghiệp trước rồi tùy thời điểm mà chào bán cho nhà đầu tư cá nhân với mức lãi suất hấp dẫn và cam kết mua lại sau thời gian thích hợp, để khống chế tỉ lệ vốn ngắn hạn/cho vay trung và dài hạn, hay tỉ lệ LDR trong giới hạn quy định của Thông tư 22.

Theo Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng, khi ngân hàng bán trái phiếu doanh nghiệp thì khoản này sẽ không còn nằm trong tổng dư nợ cho vay nữa. Còn sau khi mua lại thì nó sẽ lại nằm trong danh mục “Các khoản đầu tư vào giấy tờ có giá”, và được tính vào “Tổng dư nợ cho vay”.

Theo đó, đầu tư trái phiếu sẽ khiến chất lượng khoản nợ được ghi nhận trên báo cáo tài chính không được phân loại chính xác.

Việc chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân là hoàn toàn khả thi, vì với lợi suất trái phiếu bất động sản từ tổ chức phát hành khá cao 10%, ngân hàng có thể chào lại cho nhà đầu tư cá nhân mua nắm giữ dưới 12 tháng, với mức lãi suất miễn sao cao hơn lãi suất tiền gửi ngắn hạn, theo Quyết định số 2415/QĐ-NHNN chỉ từ 0,8-5,5%.

Các ngân hàng có thể sử dụng công cụ này là những đơn vị đã gần chạm tỉ lệ trần quy định về vốn ngắn hạn/cho vay trung dài hạn hay tỉ lệ LDR.

Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, việc bán trái phiếu doanh nghiệp lại cho người dân có thể xem như một “cửa thoát” cho ngân hàng dưới các quy định về giới hạn tín dụng. Tuy nhiên, ông cho rằng nhiều người dân có thể lầm tưởng trái phiếu doanh nghiệp giống gửi tiền tiết kiệm, vì có ngân hàng cam kết mua lại. Thực chất người mua có thể gặp nhiều rủi ro khác.

Ngân hàng Nhà nước cho biết hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ồ ạt của các ngân hàng thương mại đang tiềm ẩn rủi ro, khi một số ngân hàng có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỉ trọng lớn trong tổng tài sản, và tiếp tục tăng nhanh.

Ngân hàng Nhà nước đặc biệt lưu ý việc đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản, bởi hiện thị trường bất động sản chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Tại cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự phát triển nhanh gần đây, vì các doanh nghiệp có nhu cầu vốn lớn để sản xuất kinh doanh trong khi tăng trưởng tín dụng có xu hướng được quản lí chặt chẽ hơn, nhất là các lĩnh vực còn nhiều rủi ro như bất động sản. Đời sống pháp lý thông tin.

"Lãi suất một số đợt phát hành cao từ 13-14%, cá biệt có doanh nghiệp bất động sản phát hành tới 14-15%, cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác", Phó Thủ tướng lưu ý.

Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các các ngân hàng thương mại phải rà soát các quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, các quy định nội bộ liên quan đến hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp để hạn chế rủi ro.

Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ các ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành.

Bên cạnh đó, ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, để hạn chế rủi ro.

Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh sẽ xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật liên quan hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Bạn đang đọc bài viết Nhiều ngân hàng lách luật bằng trái phiếu doanh nghiệp, rủi ro chờ khách hàng tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng