Tự tử vì ôm nợ tiền mua mỹ phẩm
Tối 22/12, một bệnh viện ở tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận bệnh nhân N. (28 tuổi, ngụ tại TPHCM) trong tình trạng ngộ độc do uống thuốc ngủ quá liều và có vết cắt ở cổ tay gây mất máu. Khi phát hiện sự việc, gia đình đã đưa đi cấp cứu kịp thời nên nạn nhân N. đã qua cơn nguy kịch.
Ngày 23/12, tiếp xúc với chúng tôi tại bệnh viện, chị N. vẫn bần thần, bất an. Mở đầu cuộc trò chuyện, gia đình chị N. lấy bộ mỹ phẩm Deaura đặt ở giường bệnh. Nhìn thấy bộ mỹ phẩm, chị N. nghẹn ngào: “Em vào bước đường cùng vì nó. Em nghĩ cái chết mới giải thoát được cảnh trái ngang”.
Chị N ôm cục nợ từ Vpbank khi mua mỹ phẩm |
Tháng 3/2019, đang bán hàng rong ở chợ, chị N. nhận được cuộc gọi thông báo trúng thưởng, được trải nghiệm gói chăm sóc da miễn phí trị giá 1,5 triệu đồng. Ngày 31/3, tranh thủ Chủ nhật, chị N. tìm đến cơ sở của Deaura để nhận thưởng. Tại đây, chị N. được chăm sóc nửa khuôn mặt bằng mỹ phẩm và tư vấn mua gói mỹ phẩm của Deaura với số tiền 43 triệu đồng.
“Nhân viên ở đó tư vấn liên tục và nói gói mỹ phẩm này có giá lên đến 76 triệu đồng nhưng hôm nay bán với giá 43 triệu đồng; nếu không mua, hôm sau sẽ hết cơ hội” - chị N. nhớ lại.
Chị N. không hiểu sao lúc đó, lại bạo gan ký tên vào hợp đồng vay ngân hàng 43 triệu đồng để mua mỹ phẩm. Chị N. kể: “Khi ký hợp đồng xong, em như sực tỉnh ra, nói là thôi em không mua nữa, cho em hủy hợp đồng nhưng nhân viên nói ngân hàng giải ngân rồi, cứ mang mỹ phẩm về dùng thử đi”.
Theo hồ sơ do chị N. cung cấp, đơn vị bán mỹ phẩm cho chị là Công ty TNHH Chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe Freyja, ở 22 Lê Thánh Tôn, Q.1, TPHCM. Toàn bộ số mỹ phẩm chị N. mua đều có nhãn hiệu Deaura.
Cầm bộ mỹ phẩm về nhà, biết mình đã mua một bộ mỹ phẩm quá khả năng chi trả, chị N. nhiều lần liên hệ, xin được trả lại số mỹ phẩm đã mua nhưng không được đáp ứng. Không còn cách nào khác, chị phải giấu gia đình việc mình vay ngân hàng mua mỹ phẩm và lén lút gom góp tiền trả hằng tháng. Từ đó đến nay, chị N. đều phải trả cho ngân hàng gần 2,4 triệu đồng vào ngày mùng Năm hằng tháng.
Bi kịch bắt đầu đến với chị N. vào đầu tháng 12/2019. Khi đó, gần đến ngày trả nợ vay nhưng chị N. vẫn chưa thể mượn đủ số tiền nên bị một số thuê bao lạ gọi điện nhắc nợ. “Từ ngày Một, đã có người nhắn tin cho tôi nhắc nợ. Đến ngày Năm mà tôi chưa trả tiền thì sẽ nhận được cả chục cuộc gọi đòi nợ khiến tôi rất khủng hoảng. Đến ngày 5/12 vừa rồi, tôi chỉ xoay được 2 triệu đồng trả cho ngân hàng. Mấy ngày sau đó, tôi liên tục bị gọi đòi trả tiền khiến tôi bế tắc” - chị N. thuật lại.
Những ngày gần đây, người nhà chị N. phát hiện chị có nhiều biểu hiện bất thường, lo âu, sợ hãi. Gia đình cũng phát hiện chị N. có nhắn tin nói mình đã trả nợ được 20 triệu đồng. Nghi ngờ chị N. vướng nợ nần lớn, người nhà gặng hỏi, chị đã kể lại sự việc mình vay ngân hàng mua mỹ phẩm Deaura với số tiền 43 triệu đồng. Do cảm giác có lỗi lớn với gia đình vì gia cảnh khó khăn mà lại phải trả số nợ rất lớn, cùng với áp lực nợ nần, chị N. đã quyết định quyên sinh để giải thoát.
Nhiều điểm bất thường
Người thân của chị N. đặt ra hàng loạt vấn đề bất thường trong việc bán mỹ phẩm và vay ngân hàng khiến chị N. rơi vào nợ nần, bế tắc. Theo đó, người nhà chị N. đã liên hệ với bên bán sản phẩm để phản ánh việc khi mua hàng, chị N. phải trả đến gần 4 triệu đồng thuế giá trị gia tăng nhưng lại không nhận được hóa đơn đỏ mà thay vào đó là “thỏa thuận mua bán và bàn giao hàng hóa”. Tuy nhiên, gia đình chị N. chưa nhận được lời giải thích thỏa đáng từ công ty.
Ngoài ra, lúc chị N. mua hàng ở số 22 Lê Thánh Tôn, tên công ty là Công ty TNHH Chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe Freyja nhưng hiện nay lại có tên là “Trung tâm Venesa Lê Thánh Tôn - chi nhánh Venesa Hồ Chí Minh - Công ty TNHH Venesa”.
Như chúng tôi đã phản ánh trong nhiều bài viết, địa chỉ 22 Lê Thánh Tôn vẫn là đại lý kinh doanh và phân phối sản phẩm của Deaura nhưng từ năm 2017 đến nay, liên tục được thay đổi tên.
Ngoài ra, một điểm bất thường trong việc vay ngân hàng là, chị N. làm nghề bán bánh dạo ở chợ với thu nhập chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng, nhưng trong hợp đồng vay với VP Bank, nhân viên đã “kê” thu nhập của chị N. lên đến 10 triệu đồng. “Thu nhập thấp nhưng bị kê lên gấp nhiều lần để hợp thức hóa cho việc vay 43 triệu đồng đã đẩy em tôi vào thế bế tắc, không có khả năng trả nợ” - người thân của chị N. bức xúc.
Cục Thuế TPHCM đang xác minh tố cáo liên quan đến mỹ phẩm Deaura
Nguồn tin của chúng tôi cho biết, hiện Cục Thuế TPHCM đang xác minh tố cáo của người dân liên quan đến Chi nhánh Venesa Hồ Chí Minh - Công ty TNHH Venesa, số 22 Lê Thánh Tôn, Q.1.
Theo đơn tố cáo, chi nhánh này đã không xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho khách hàng khi mua mỹ phẩm Deaura. Việc không xuất hóa đơn có thể giúp Công ty TNHH Venesa trốn thuế, gây thất thu cho Nhà nước. Theo quy trình, khi tiếp nhận tố cáo, Cục Thuế TPHCM sẽ xác minh, xử lý và phản hồi cho người tố cáo.
Đáng nói, hồi tháng 3/2019, từ tố cáo của người dân, Chi cục Thuế Q.1 đã xử phạt Công ty TNHH Chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe Freyja ở địa chỉ 22 Lê Thánh Tôn hơn 15 triệu đồng do các lỗi vi phạm về hóa đơn.
Thời gian qua, Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng TPHCM cũng nhận được đơn của khách hàng tố cáo về chất lượng sản phẩm của Deaura và việc cho vay tiền mua mỹ phẩm của VP Bank. Về chất lượng sản phẩm, do không thuộc thẩm quyền giải quyết nên cục đã chuyển hồ sơ cho Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng xem xét giải quyết. Về nội dung liên quan đến việc cho vay của VPBank, cục đã chuyển đơn đến VPBank đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.