Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Nợ xấu nội bảng gọi tên BIDV

TDVN 06:17 28/02/2020

Nợ xấu nội bảng phải kể đến Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, BID) với mức tăng 3,45% lên tới 19.451 tỷ đồng, tức tăng thêm 649 tỷ đồng so với năm trước.

Thống kê số liệu của 22 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2019 cho thấy tổng giá trị nợ xấu tính đến cuối tháng 12/2019 ghi nhận 78.521 tỷ đồng.

Trong đó, riêng 10 ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất gồm BIDV (19.451 tỷ đồng), Vietinbank (10.813 tỷ đồng), VPBank (8.798 tỷ đồng), Sacombank (5.733 tỷ đồng), Vietcombank (5.724 tỷ đồng), SHB (4.857 tỷ đồng), Techcombank (3.078 tỷ đồng), MBBank (2.898 tỷ đồng), Seabank (2.280 tỷ đồng), LienVietPostBank (2.030 tỷ đồng).

'Quán quân' nợ xấu nội bảng gọi tên BIDV

'Quán quân' về nợ xấu nội bảng phải kể đến Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, BID) với mức tăng 3,45% lên tới 19.451 tỷ đồng, tức tăng thêm 649 tỷ đồng so với năm 2018.

Con số nợ xấu nội bảng của BIDV gần gấp đôi Vietinbank và gấp 3 lần Vietcombank. Tuy nhiên, so với mức tăng mạnh hơn với gần 13% của dư nợ cho vay (đạt hơn 1,11 triệu tỷ đồng), đã giúp kéo tỷ lệ nợ xấu của BIDV từ 1,9% đầu kỳ xuống 1,74%.

Điều đáng ngại nhất ở BIDV chính là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5 - Nhóm nợ nguy hiểm) kỳ này tăng đột biến 56% so với đầu kỳ.

Điều đáng ngại nhất ở BIDV chính là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5 - Nhóm nợ nguy hiểm) kỳ này tăng đột biến 56% so với đầu kỳ và chiếm tới gần 58% so với tổng nợ xấu nội bảng, lên tới 11.209 tỷ đồng; trong khi đó nợ nhóm 3 và 4 đều giảm 29%.

Ngoài ra, khoản mục Chứng khoán đầu tư giữ tới ngày đáo hạn của BIDV vẫn ở mức cao so với các nhà băng khác là 16.570 tỷ đồng, dù ghi nhận giảm hơn 5.000 tỷ đồng so đầu kỳ.

Năm 2019 BIDV trích hơn 20.000 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro, tăng 6,2% so với năm 2018. Hơn nữa, nợ có khả năng mất vốn của nhà băng này tăng hơn 4.000 tỷ đồng (từ 7.170 tỷ đồng năm 2018 tăng lên 11.208 tỷ đồng năm 2019).

Chính bởi nợ xấu cao đã kéo theo chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của BIDV chiếm tới 64,7% lợi nhuận trước dự phòng dù chỉ tăng nhẹ 5,6% so với năm 2018.

Chính tốc độ giải quyết nợ xấu này đã ảnh hưởng tới lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của BIDV trong năm 2019 khi chỉ đạt 8.486 tỷ đồng, chưa bằng phân nửa của Vietcombank.

3 ngân hàng quốc doanh chiếm 44% nợ xấu toàn hệ thống

Bên cạnh các ngân hàng vừa và nhỏ, nợ xấu của nhiều 'ông lớn' trong ngành cũng có dấu hiệu tăng mạnh trong năm 2019.

Nợ xấu của 3 ngân hàng TMCP Nhà nước gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank chiếm gần 44% toàn hệ thống với gần 36.000 tỷ đồng.

Nợ xấu nội bảng của các ngân hàng năm 2019. Đvt: Tỷ đồng. Nguồn: tổng hợp từ BCTC các ngân hàng.

Giống với BIDV, nợ có khả năng mất vốn của VietinBank vẫn chiếm chủ yếu tới 67% với 7.204 tỷ đồng, song có một điều khả quan hơn đó chính là con số này đã ghi nhận giảm mạnh gần 25% so với đầu kỳ. Nợ xấu tại VietinBank cao thứ hai trong hệ thống.

Nợ xấu cuối năm của Vietcombank là 5.724 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Theo đó tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0,77%, giảm so với mức 0,98% cuối năm 2018. Nhìn chung, đa số trong 18 ngân hàng niêm yết có tỷ lệ nợ xấu giảm so với cuối năm 2018. Trong đó có 2 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% là Vietcombank và ACB.

Có 6/22 ngân hàng khảo sát có nợ xấu giảm so với đầu năm là MSB giảm 166 tỷ đồng, Saigonbank giảm 19 tỷ đồng, SHB giảm 342 tỷ đồng, Vietinbank giảm 2.896 tỷ đồng, Vietcombank giảm 499 tỷ đồng, ACB giảm 226 tỷ đồng.

Theo Đầu tư Việt Nam

Link gốc : https://dautuvietnam.com.vn/dau-tu/tai-chinh-ngan-hang/quan-quan-no-xau-noi-bang-goi-ten-bidv-a5467.html

Bạn đang đọc bài viết Nợ xấu nội bảng gọi tên BIDV tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng