Hà Nội, Thứ Ba Ngày 19/03/2024

Sàn chứng khoán xử ép người chơi với thuế, phí và còn cả sàn 'đơ'

người đưa tin 14:44 17/06/2021

Trong khi đa số doanh nghiệp nhận được nhiều ưu đãi về thuế, phí để vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19 thì nhà đầu tư chứng khoán phải nộp không thiếu khoản nào

Mòn mỏi vì thuế, phí

Mới đây, chia sẻ tại hội nghị giao ban trực truyến về tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 5 và triển khai công tác tháng 6 do bộ Tài chính tổ chức, ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng tổng cục Thuế - cho biết, thu ngân sách Nhà nước do cơ quan thuế quản lý đạt mức cao, trong đó thuế thu nhập cá nhân đạt 60,2% dự toán và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, số thu thuế từ chứng khoán, đầu tư vốn của cá nhân và chuyển nhượng bất động sản lần lượt tăng 320%, 169% và 183%.

Với riêng thị trường chứng khoán, theo trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, tại ngày 31/5, Việt Nam có 3.254.169 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 114.100 tài khoản so với cuối tháng 4. Đây cũng là mức tăng lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Chiếm đa số trong đó là tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước – cũng cho biết, trong tháng 5/2021, giá trị giao dịch bình quân trên TTCK Việt Nam đạt 26.178 tỷ đồng mỗi phiên, tăng 16% so với tháng 4/2021. Luỹ kế từ đầu năm đến hết tháng 5, giá trị giao dịch bình quân ở mức 21.214 tỷ đồng mỗi phiên, tăng 185,9% so với mức bình quân cả năm 2020.

Con số thuế thu từ chứng khoán bất ngờ tăng 320% khiến câu chuyện bất cập thu thuế, phí trong lĩnh vực này bỗng "nóng" trở lại.

Chia sẻ với PV tạp chí Người Đưa Tin pháp luật, chị Nguyễn Minh Anh (28 tuổi, Hà Nội - ảnh trên) – một nhà đầu tư cá nhân mới gia nhập thị trường (F0) tỏ ra hết sức băn khoăn.

Hôm 4/6, nhà đầu tư này mua 600 cổ phiếu KBS ở mức giá 34.900 đồng/CP, tại công ty CP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS). Giá trị giao dịch 20,940 triệu đồng, phải chịu phí giao dịch 0,1%, tương ứng với 20.940 đồng. Cùng ngày, chị Minh Anh bán 500 cổ phiếu FPT ở vùng giá 85.000 đồng/CP, thu về 42,5 triệu đồng. Nhưng sau khi bị trừ phí giao dịch 0,1% (42.500 đồng) còn phải chịu tiếp 0,1% thuế thu nhập cá nhân (42.500 đồng) nữa.

“Đó là các giao dịch nhỏ nên thuế, phí chỉ vài chục nghìn đồng chứ nhiều hôm mua bán số lượng lớn, nhất là lại bán cắt lỗ, đã bị lỗ mà nhìn thuế, phí càng hoảng hơn. Chưa kể các loại phí lưu ký, phí ứng tiền trước và một số loại thuế, phí khác nữa”, chị Minh Anh nói.

Anh Dương Thế Trung (40 tuổi, TP.HCM) – nhà đầu tư đã tham gia TTCK nhiều năm – thì thấm thía hơn sau khi bị “bào mòn” vì các loại thuế, phí này. Mặc dù có tài khoản VIP tại công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) nhưng phí giao dịch mà anh phải chịu vẫn là 0,15%/tổng giá trị giao dịch bán hoặc mua.

Trong đợt thị trường tăng điểm mạnh gần đây, nhà đầu tư này mua số lượng lớn cổ phiếu mã X với tổng giá trị 850 triệu đồng, phí giao dịch phải trả cho HSC là 1,275 triệu đồng. Một thời gian sau, khi X tăng điểm, anh Hùng bán lô cổ phiếu này với giá trị 1,8 tỷ đồng, phải trả 0,15% phí giao dịch (tương ứng 2,7 triệu đồng) cộng với 0,1% thuế thu nhập cá nhân (1,8 triệu đồng). Có thể thấy con số không hề nhỏ.

Điều đáng nói, bản thân anh Hùng và chị Minh Anh cũng không biết nhà đầu tư nào mua/bán cổ phiếu của mình, chỉ biết rằng các công ty chứng khoán thu được hai lần phí trên mỗi giao dịch vì mua hay bán đều chịu tỉ lệ % phí giao dịch như nhau.

“Ngoài ra, tôi phải trả phí lưu ký cho số cổ phiếu đó, tính theo giá trị và thời gian nó nằm trong tài khoản của tôi. Còn khi chuyển tiền từ tài khoản chứng khoán ra tài khoản ngân hàng, nếu khác hệ thống thì còn phải chịu thêm cả phí chuyển tiền. Đó là chưa kể, tôi được công ty đang làm việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, khi bán đi dù lỗ hay lãi cũng tiếp tục phải nộp thuế TNCN thêm 5%, như thế là thuế, phí chồng chéo nhau”, anh Hùng bức xúc nói.

Chia sẻ thêm, chị Minh Anh nêu quan điểm, công ty chứng khoán đang “xử ép” nhà đầu tư khi mà thời gian gần đây khối lượng giao dịch nhiều, hệ thống quá tải đến nỗi nhiều phiên bị “đơ”, nhà đầu tư bị thiệt hại do lỗi từ hệ thống và công ty chứng khoán nhưng không hề được hỗ trợ gì.

Cụ thể, hôm 9/6, trên bảng VCBS của công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam có lúc giá khớp lệnh của mã HID đã giảm xuống 4.400 đồng/CP nhưng ở bảng SSI của công ty Chứng khoán SSI vẫn báo 4.430 đồng/CP. Tương tự, trên VCBS, mã PLP đã giảm còn 9.300 đồng/CP nhưng bảng SSI vẫn báo giá 9.450 đồng/CP.

“Như vậy nếu chỉ quan sát trên bảng SSI mà đặt lệnh mua thì như bị lừa. Hôm 8/6 và một số hôm trước thì sàn HoSE bị “đơ”, chỉ số Vn-Index đứng yên hàng tiếng đồng hồ, nhà đầu tư phải tiến hành “giao dịch mù”, giao dịch kiểu “bịt mắt bắt dê”, trong khi thuế phí vẫn phải đóng không thiếu một xu”, chị Minh Anh nói.

Nhà đầu tư cần được đối xử công bằng

Nói về thuế trong hoạt động đầu tư chứng khoán, chia sẻ với PV, một chuyên gia tài chính nêu thực trạng: Theo luật Thuế TNCN, người bán cổ phiếu phải nộp thuế này theo lợi nhuận thực tế (tỷ lệ 20% của giá bán trừ giá mua, cộng chi phí hợp lý) và chỉ phải nộp khi có lãi (với các nhà đầu tư tổ chức). Nhưng các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ bị thiệt hơn, do không có hệ thống sổ sách theo dõi nên Nhà nước chọn phương án “đánh đồng” thu 0,1% doanh số bán không cần biết lãi, lỗ.

Đáng nói hơn, từ 5/12/020, nhà đầu tư nhận cổ tức bằng cổ phiếu hay nhận thưởng bằng cổ phiếu sẽ phải nộp 5% thuế TNCN theo Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của luật Quản lý thuế. Như vậy là “thuế chồng thuế”. Chưa kể, để làm ra lợi nhuận dùng để chia cổ tức, doanh nghiệp đã phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Như vậy, bản chất là 1 lần giao dịch mà phải đóng tới 3 lần thuế.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phòng Phân tích khách hàng cá nhân, công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phòng Phân tích khách hàng cá nhân của công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – cho hay, xét về logic, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu thường diễn ra ở những doanh nghiệp thiếu vốn (nên không có hoặc không muốn dùng tiền mặt để trả cổ tức), nó làm “pha loãng” cổ phiếu: số lượng lưu hành tăng lên nhưng giá trị không thay đổi.
“Thế nhưng ngành thuế thì cứ thấy phát sinh lượng cổ phiếu tăng thêm là “cuốc” vào để đánh thuế. Điều này gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư, tạo ra gánh nặng chi phí vốn. Nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn khi chọn mua cổ phiếu của doanh nghiệp”, ông Minh phân tích.

Nói về phí tại các công ty chứng khoán, ông Vương Nam, nhân viên tư vấn của công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho hay, hiện tại công ty chứng khoán chủ yếu thu 3 loại phí là phí giao dịch, phí margin và phí ứng trước tiền bán; trong đó phí giao dịch và phí margin chiếm tỷ trọng chủ yếu.

Ông Nam thông tin thêm, tại Mirae Asset, phí giao dịch đang tính 0,15% trên giá trị khớp lệnh, trong khi các công ty lớn khác như VND, SSI, HSC dao động ở mức 0,2 – 0,35%. Phí margin thì dao động từ 10 - 14%/năm. Phí ứng trước tiền bán khoảng 0,02 – 0,03%/ngày.

“Cũng tuỳ lựa chọn của khách hàng, họ có thể mở tài khoản tại nhiều công ty khác nhau để linh hoạt lựa chọn tài khoản giao dịch nhằm được hưởng lợi về phí, song hiệu quả sau cùng vẫn phải là chất lượng tư vấn”, nhân viên môi giới của Mirae Asset nhận định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh lại lập luận khác. Ông Minh cho rằng, các công ty lớn đang thu phí cao và họ thường tích hợp một số “value” để hợp thức hoá việc thu phí cao đó. Tuy nhiên theo thời gian điều này sẽ trở nên bão hoà và các công ty chứng khoán sẽ phải theo xu hướng chung là cạnh tranh bằng mức phí. Ở Thái Lan, Mỹ.. hiện nay, một số công ty chứng khoán thậm chí còn miễn phí giao dịch.

“Giờ thị trường chứng khoán đã thay đổi, trình độ của nhà đầu tư cũng cao hơn rất nhiều. Đã qua cái thời mà nhà đầu tư gọi nhân viên tư vấn chứng khoán để hỏi “hôm nay mua con gì?”. Thay vào đó, họ làm chủ công nghệ, tự trau đồi kiến thức đầu tư nên ít dần việc phụ thuộc vào nhân viên tư vấn. Công ty chứng khoán bây giờ chỉ cung cấp plafform và các tool để nhà đầu tư lựa chọn, do đó nếu phí cao thì sẽ khó thu hút nhà đầu tư”, ông Minh nhận định.

Nói với PV Người Đưa Tin Pháp Luật về việc nhà đầu tư dường như bị “xử ép” trong những ngày sàn HoSE “đơ”, bảng điện tử của công ty chứng khoán chậm hiển thị khiến nhà đầu tư phải “giao dịch mù” mà vẫn phải nộp phí, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia Kinh tế trưởng của ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định, việc thu thuế và phí trong hoạt động chứng khoán cần áp dụng theo luật, trong đó thuế chỉ được thu trên lợi nhuận chênh lệch giữa giao dịch mua và bán.

TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia Kinh tế trưởng của ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV)

“Nhà đầu tư cần nâng cao kiến thức về chứng khoán, nâng dần tính chuyên nghiệp, qua đó làm tăng tính minh bạch, giảm nghẽn lệnh trên sàn. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở Giao dịch Chứng khoán cần quyết liệt giải quyết sớm các bất cập về hệ thống hiện nay. Xét ở bối cảnh hiện tại, các công ty chứng khoán cũng cần đối xử cân bằng hơn với nhà đầu tư”, TS Cấn Văn Lực nói về ứng xử giữa các bên khi những bất cập về hệ thống vẫn đang tồn tại.

“Với quy định đánh thuế 5% trên cổ tức bằng cổ phiếu, nhà đầu tư chịu thiệt nên họ sẽ thích lấy tiền mặt hơn và sẽ bác bỏ giải pháp chia cổ tức bằng cổ phiếu, khi đó doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về nguồn vốn”

Theo Người Đưa Tin

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/kho-nhu-nha-dau-tu-chung-khoan-thue-phi-san-do-bao-mon-loi-nhuan-a517785.html

Bạn đang đọc bài viết Sàn chứng khoán xử ép người chơi với thuế, phí và còn cả sàn 'đơ' tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng