Hà Nội, Thứ Tư Ngày 24/04/2024

Cổ phiếu của MSB lên sàn chứng khoán: Liệu có đáng để kỳ vọng?

ANTT/ NGƯỜI ĐƯA TIN 07:37 17/12/2020

Trong quá khứ, cổ phiếu MSB từng nhiều lần được chào bán nhưng không thành công. Nguyên nhân chính dẫn đến sự thờ ơ cổ phiếu MSB đến từ việc cổ phiếu này chưa được lên sàn chứng khoán nên thanh khoản

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) cho biết gần 1,18 tỷ cổ phiếu MSB của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) sẽ chính thức được giao dịch trên sàn kể từ ngày 23/12. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 15.000 đồng/cp, biên độ 20%.

Trước đó, hôm 14/12, HOSE đã có quyết định chấp thuận niêm yết cố phiếu của MSB với giá trị niêm yết tính theo mệnh giá đạt 11.750 tỷ đồng, tương đương với vốn điều lệ của ngân hàng hiện nay.

Mới đây, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã đấu giá hơn 4,03 triệu cổ phần MSB trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với giá khởi điểm 13.000 đồng/cp.

So với mức giá MSB trên sàn OTC quanh ngưỡng 12.000đ/cp, giá đấu khởi điểm của DATC cao hơn, nhưng giới chuyên môn đánh giá khả năng đấu giá thành công cũng cao hơn. Điều này sẽ khác với những đợt đấu giá đì đẹt của DATC và cả các nhà đầu tư tổ chức muốn thoái vốn khỏi MSB trước đây.

Không chỉ DATC chật vật thoái vốn khỏi MSB, mà VNPT hay SCIC cũng đã mắc kẹt tại MSB khá lâu. Trong đó, VNPT với tỷ lệ sở hữu 6,09% vốn MSB, đã tổ chức tới 3 lần đấu giá nhưng đều không có nhà đầu tư tham gia và hiện đang giữ 5,61% vốn MSB. Trong khi SCIC cũng đã phải hủy đấu giá cổ phần MSB trong năm 2018 khi không có nhà đầu tư đăng ký.

Trong quá khứ, cổ phiếu MSB từng nhiều lần được chào bán nhưng không thành công. Nguyên nhân chính dẫn đến sự thờ ơ cổ phiếu MSB đến từ việc cổ phiếu này chưa được lên sàn chứng khoán nên thanh khoản thấp, đồng thời cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác trên sàn khi đó cũng không có được diễn biến khả quan.

BCTC quý III/2020 của MSB thể hiện nhiều điểm sáng, song cũng gợi một số ít vấn đề cần quan tâm. Trước hết, mặc dù tỉ lệ nợ xấu vẫn được duy trì ở mức an toàn và ổn định nhưng tỉ lệ nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) trong 9 tháng đầu năm 2019 đã tăng đột biến lên 370%, đạt gần 180 tỉ đồng. Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đạt gần 1.323 tỉ đồng, tăng 6,5%.

MSB có 3 nhóm khách hàng chiếm tỷ trọng cho vay cao nhất là các doanh nghiệp có vốn Nhà nước trên 50% (tỷ lệ vay hơn 20,93%), các công ty cổ phần (trên 42,99%) và các hộ gia đình cá nhân (29,96%). Đây có thể xem là 3 nhóm tăng trưởng dư nợ chính của MSB và thể hiện sự tích cực trong tiếp cận bán lẻ. Tuy nhiên, việc phân loại nhóm nợ của MSB, khi tiếp tục được giữ, khoanh nợ, chưa nhảy nợ theo sự cho phép của Thông tư 01/2020/TT-NHNN, nhưng lại đã phần nào cho thấy tác động khó cưỡng từ COVID khi các số liệu nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ đều tăng gấp 2 lần so với cuối 2019. Điều đó phản ánh rủi ro tiềm ẩn trong chất lượng nợ vay.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tăng vốn vào chứng khoán đầu tư tăng mạnh (chiếm chủ yếu là chứng khoán nợ) của MSB, theo một chuyên gia, cũng có thể lặp lại “kịch bản” đầu tư theo định hướng chung của các ngân hàng trong bối cảnh COVID-19 thời gian qua, là tăng mạnh đầu tư vào chứng khoán nợ Chính phủ và địa phương (hơn 32.000 tỷ đồng) và chứng khoán nợ của các TCTD (hơn 15.000 tỷ đồng). Điều này có thể giúp tăng thu nhập từ chứng khoán đầu tư nhưng đồng thời cũng có thể hàm chứa cả rủi ro tái tài trợ của ngân hàng.

Không chỉ vậy, tốc độ tăng trưởng lãi thuần của MSB cũng rất đáng lưu ý. Trong khi dư nợ tín dụng chỉ tăng 18,6% trong 9 tháng đầu năm 2019, thu nhập lãi thuần của MSB lại tăng đến 27,8% trong khoảng thời gian trên. Sự chênh lệch này đồng nghĩa với việc MSB đã mở rộng biên lãi cho vay. Điều này hoàn toàn phù hợp khi MSB nằm trong top 3 thị trường về tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi.

Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu cho thấy trong tương lai MSB sẽ khó có thể đem lại những con số tăng trưởng vượt bậc nữa khi biên lãi cho vay đã cao và khó có thể mở rộng thêm. Do đó, MSB chỉ có thể tăng trưởng đơn thuần qua tăng trưởng tín dụng, các hoạt động dịch vụ, kinh doanh khác hoặc giảm chi phí hoạt động.

MSB hiện có nhiều cổ đông nắm giữ lượng cổ phần lớn gồm Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (sở hữu 71,57 triệu cổ phần), Công ty Cổ phần Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (57,9 triệu cổ phần), Công ty Cổ phần Năng lượng TNPower (55,8 triệu cổ phần), Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển VID Thanh Hóa (50 triệu cổ phần), Công ty Cổ phần Xâu dựng địa ốc 501.9 (49,4 triệu cổ phần)... Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong cũng đang nắm hơn 20 triệu cổ phần MSB.

Tại đại hội cổ đông thường niên MSB 2020, lãnh đạo ngân hàng cho biết, MSB sẽ dùng nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2019 (sau khi đã trích lập các quỹ) khoảng hơn 886 tỷ đồng, cùng với một phần nguồn tiền thu được từ việc bán 50% vốn của công ty tài chính FCCOM cho Huyndai Card, để xử lý dứt điểm phần nợ xấu đã bán cho VAMC.

Như vậy, mới chỉ có hơn 1.000 tỷ đồng gần nhất là MSB công bố nguồn tiền mua lại, còn hơn 7.500 tỷ đồng trong giai đoạn 2018-2019 thì không rõ nhà băng này mua lại bằng nguồn nào.

Thực tế, những người quan tâm đến con đường phát triển của nhà băng này đều biết rõ giai đoạn 2015-2017, hoạt động kinh doanh của MSB thuộc diện yếu kém khi dự phòng rủi ro "ăn mòn" tới 91% lợi nhuận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROEA) của MSB trong những năm 2015 - 2017 ở mức rất thấp, chỉ trên dưới 1%, cho thấy số vốn của ngân hàng hầu như không sinh lời. Tương tự, chỉ số sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của MSB trong các năm qua rơi vào khoảng 0,7%- thể hiện việc ngân hàng không tối ưu được các nguồn lực sẵn có.

Do đó, việc MSB dùng lợi nhuận giữ lại của ngân hàng để mua lại nợ xấu trong giai đoạn 2018-2019 là không khả thi bởicó tính từ năm 2017 đến hết quý III/2020 thì số lợi nhuận chưa phân phối của MSB cũng chỉ bằng khoảng 50% số tiền đã sử dụng (khoảng hơn 3.400 tỷ đồng).

Thế nhưng, giả định có một dòng tiền hàng nghìn tỷ đồng từ các cá nhân, pháp nhân đổ vào mua lại nợ hoặc trả các khoản nợ xấu MSB đã bán cho VAMC sẽ giúp giảm tổng số trái phiếu VAMC mà MSB nắm giữ. Nguồn tiền sử dụng để mua nợ xấu có thể là từ trái phiếu doanh nghiệp, vốn vay tại ngân hàng khác... Tuy nhiên, đây mới chỉ là giả định khó có cơ sở để kiểm tra, làm rõ.

Trong một diễn biến mới đây, hơn 14.000 tỷ đồng trái phiếu của một nhóm doanh nghiệp được cho là có liên hệ với một tập đoàn lớn tại Hà Nội có kỳ hạn từ 5-10 năm, lãi suất 9-10%/năm lần đầu được "phát lộ" theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đầu tư vào nhiều dự án bất động sản ở một số địa phương.

Hiện doanh nghiệp chỉ có báo cáo về việc thanh toán lãi, chứ không công bố tình hình sử dụng vốn trái phiếu đã huy động. Tất nhiên, dòng tiền này có thể được sử dụng để mua lại nợ xấu, hoặc mục đích khác của một ngân hàng là hoàn toàn có thể xảy ra.

Link gốc : http://antt.vn/co-phieu-cua-msb-len-san-chung-khoan-lieu-co-dang-de-ky-vong--305228.htm

Bạn đang đọc bài viết Cổ phiếu của MSB lên sàn chứng khoán: Liệu có đáng để kỳ vọng? tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng