Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Vụ cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến bị truy tố: Doanh nghiệp, nhà băng nào liên lụy?

TDVN 16:52 18/03/2020

Ngân hàng BIDV, Techcombank, VPBank, VietBank, Tập đoàn Hoa Lâm...có bị liên luỵ khi cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến bị truy tố vì đánh mất quyền sử dụng ba khu đất vàng tại Tp.HCM.

Theo cơ quan điều tra, ông Hiến là người đã ký, phê duyệt các văn bản để đưa 3 khu đất vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định, dù rằng việc ông Hiến ký, văn bản trình phê duyệt đã qua các cơ quan tham mưu, đề xuất không đúng.

Đề cập sai phạm của ông Hiến, Cơ quan điều tra cũng cho rằng, do ông Hiến tin tưởng các cơ quan tham mưu, thiếu kiểm tra, xét duyệt. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra ghi nhận ông Hiến thành khẩn khai báo, nghiêm túc nhận trách nhiệm về sai phạm của mình. Đáng lưu ý là: “Quá trình điều tra chưa phát hiện bị can Nguyễn Văn Hiến có động cơ cá nhân, lợi ích nhóm hoặc tư lợi cá nhân” – kết luận điều tra nêu.

Tất cả vụ việc trên đều liên quan đến Công ty TNHH MTV Dịch vụ Biển đảo Hải Thành (Hải Thành) tiền thân là Công ty kinh doanh dịch vụ nhà khách và du lịch Hải Thành trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải Quân, được thành lập lại theo Quyết định số 581/QĐ-QP ngày 27/8/1993 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau khi sát nhập thêm Công ty May Hải Thịnh, kể từ năm 2010, Hải Thành bắt đầu hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Dự án 7-9 Tôn Đức Thắng

Theo hồ sơ, năm 2006 Công ty Hải Thành (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) và Công ty Yên Khánh ký hợp đồng số 07 thành lập công ty liên doanh Yên Khánh Hải Thành để đầu tư dự án tại lô đất 7-9 Tôn Đức Thắng. Đây là khu "đất vàng" có vị trí đường Tôn Đức Thắng (và một mặt tiền đường Ngô Văn Năm) với diện tích 3.531m2, xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê và dịch vụ thương mại.

Ngày 25/11/2009, UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Hải Thành, sử dụng đất 49 năm. Tháng 2/2010, Công ty Hải Thành ký hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất trên với Công ty Yên Khánh để thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành. (Công ty Hải Thành có đất, Công ty Yên Khánh góp vốn 288 tỉ đồng để thực hiện dự án).

Dự án 7-9 Tôn Đức Thắng sau nhiều năm, dự án chưa được đầu tư xây dựng gì, vẫn chỉ là bãi đất trống, chỗ giữ xe. Ảnh Tuổi trẻ.

Dự án 7-9 Tôn Đức Thắng sau nhiều năm, dự án chưa được đầu tư xây dựng gì, vẫn chỉ là bãi đất trống, chỗ giữ xe. Ảnh Tuổi trẻ.

Tháng 3/2010, Công ty Yên Khánh Hải Thành được TP cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với khu đất trên. Năm 2015, công ty cũng đổi tên thành Công ty cổ phần Yên Khánh Hải Thành. Đến cuối năm 2013, bà Vũ Thị Hoan đã thế chấp quyền sử dụng đất số 7-9 Tôn Đức Thắng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển VN - chi nhánh Thành Đô (BIDV) ở Hà Nội để đảm bảo cho 7 nghĩa vụ tài chính phát sinh của bên thứ 3 (công ty người nhà của Hoan) với tổng giá trị là 717 tỉ đồng.

Sau nhiều năm, dự án chưa được đầu tư xây dựng gì, vẫn chỉ là bãi đất trống. Tháng 8/2018, cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng vào cuộc điều tra việc Công ty Hải Thành góp quyền sử dụng đất 3.531m2 tại số 7-9 Tôn Đức Thắng vào Công ty liên doanh Yên Khánh Hải Thành để xây dựng công trình trên đất quốc phòng. Cuối năm 2019, khu đất vàng này bị UBND Tp.HCM thu hồi.

Toà tháp VPBank (1-1A-2 Tôn Đức Thắng)

Dự án 1-1A-2 Tôn Đức Thắng do Công ty TNHH Cảnh Hưng - Hải Thành làm chủ đầu tư. Liên doanh giữa Công ty Hải Thành và Công ty TNHH Cảnh Hưng được thành lập từ tháng 8/2007, với 12,71% phần vốn thuộc về thành viên Quân chủng Hải quân, trong khi doanh nghiệp tư nhân kín tiếng của Chủ tịch Phạm Duy Tân chi phối tới 87,29%.

Đến tháng 4/2011, dự án ghi nhận sự góp mặt của CTCP Đầu tư Châu Thổ (Đầu tư Châu Thổ hay còn gọi là Delta Corp) với việc mua lại 80% cổ phần trong liên doanh Cảnh Hưng - Hải Thành từ các cổ đông sáng lập. Delta Corp được thành lập tháng 5/2007, từng có Chủ tịch HĐQT là doanh nhân Vũ Đình Luyện.

Tính tới đầu tháng 10/2017, Đầu tư Châu Thổ đã đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư KM (KM Group) với quy mô vốn điều lệ lên tới 2.876 tỷ đồng, với cơ cấu cổ đông bao gồm: Công ty TNHH Kinh doanh Quốc tế Silver Field (56,62%); Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản An Thịnh Lộc (24,49%) và Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản LC (18,89% vốn điều lệ).

Được biết, Đầu tư Thịnh Vượng Phương Nam chính là tiền thân của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản An Thịnh Lộc (An Thịnh Lộc).

Dự án 1-1A-2 Tôn Đức Thắng từ đất Bộ Quốc phòng qua quá trình biến hoá thành đất tư nhân

Dự án 1-1A-2 Tôn Đức Thắng từ đất Bộ Quốc phòng qua quá trình biến hoá thành đất tư nhân

Sau khi “đổi chủ”, dự án văn phòng tại “đất vàng” số 1-1A-2 Tôn Đức Thắng cũng được quảng bá với tên thương mại mới là Delta Riverside Tower. Tuy nhiên, Đầu tư Châu Thổ cũng chỉ nắm giữ cổ phần trong liên doanh Cảnh Hưng - Hải Thịnh khoảng 1 năm rồi nhượng lại toàn bộ vốn cho Công ty TNHH Đầu tư Thịnh Vượng Phương Nam (Đầu tư Thịnh Vượng Phương Nam) vào tháng 4/2012.

Sau khi ổn định cơ cấu sở hữu, dự án với dòng vốn từ VPBank nhanh chóng được triển khai trên phần đất có diện tích 2.190 m2, quy mô 27 tầng cao và 4 tầng hầm với nhà thầu uy tín Coteccons. Dự án trước khi hoàn thành một lần nữa được đổi tên thành Waterfront Saigon.

Dự án trên khu đất số 1-1A-2 Tôn Đức Thắng sau đó tiếp tục đổi tên thành The Waterfront Saigon và nay được biết đến nhiều hơn với tên gọi VPBank Tower Saigon.

Toà tháp Techcombank (9-11 Tôn Đức Thắng)

Tháng 5/2008, Công ty TNHH Dịch vụ Mai Thành được thành lập với vốn điều lệ 1.050 tỉ đồng, gồm ba cổ đông là Công ty Hải Thành (23,63%), Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Mai Anh (26,37%), và CTCP Đầu tư TCO Việt Nam nắm 50% còn lại.

Về phần mình, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Mai Anh là thành viên của Hoa Lâm Group – một tập đoàn bất động sản lớn ở TP HCM, do bà Trần Thị Lâm làm chủ.Ngày 16/12/2009, TCO Việt Nam và Thương mại Mai Anh kí thoả thuận hợp tác đầu tư Dự án Cao ốc văn phòng, thương mại, dịch vụ tại số 9-11 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, với tổng giá trị gần 2.000 tỉ đồng.

Dự án có diện tích xây dựng 1.917 m2, quy mô 34 tầng nổi, 2 tầng hầm khởi công tháng 4/2011, và hoàn thành 27 tháng sau đó (tháng 7/2013), được thu xếp bởi cả VietBank Chi nhánh Tp.HCM lẫn Techcombank Chi nhánh Sài Gòn.

Tháng 2/2018, TCO Việt Nam chuyển nhượng hết cổ phần trong Công ty TNHH Dịch vụ Mai Thành cho bà Nguyễn Thị Thu Hà. Dù vậy đây nhiều khả năng chỉ là nghiệp vụ tái cơ cấu sở hữu, bởi nữ doanh nhân thường trú tại Mai Dịch, Cầu Giấy (Hà Nội) có không ít liên hệ tới nhóm chủ của TCO Việt Nam.

Biểu tượng của Ngân hàng Techcombank trên đất Bộ Quốc phòng

Biểu tượng của Ngân hàng Techcombank trên đất Bộ Quốc phòng

Theo tài liệu phóng viên có được, Công ty TNHH Dịch vụ Mai Thành đã 8 lần thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh (kể từ ngày thành lập 16/5/2008 đến ngày 13/2/2018), địa chỉ tại số 9-11 Tôn Đức Thắng.

Tọa lạc ngay trung tâm tài chính của Q.1 (giao lộ Tôn Đức Thắng và Lê Thánh Tôn), án ngữ cửa ngõ chính phía đông của thành phố theo trục đường Nguyễn Hữu Cảnh, Lim Tower 1 được thiết kế theo quy chuẩn hiện đại của một tòa nhà văn phòng hạng A, gồm 2 tầng hầm (có 6 gian để xe) và 34 tầng cao, cung cấp cho thị trường hơn 34.000 m2 diện tích văn phòng cao cấp...

Sau khi dự án hoàn thành, Techcombank Sài Gòn đã lựa chọn tòa nhà làm trụ sở Chi nhánh. Vì vậy, khu cao ốc văn phòng này cũng có thể coi là biểu tượng cho vị thế của Techcombank khu vực phía Nam.

Vốn điều lệ của Mai Thành hiện có 1.050 tỷ đồng, trong đó, Công ty Hải Thành chiếm tỷ lệ 23,63% cổ phần (tương đương 248 tỷ đồng); Công ty TNHH Sản xuất – thương mại Mai Anh chiếm tỷ lệ 26,37% cổ phần (tương đương 277 tỷ đồng); bà Nguyễn Thị Thu Hà, thường trú tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy (Hà Nội) chiếm tỷ lệ 50% cổ phần (tương đương 525 tỷ đồng).

Đại diện pháp luật Công ty Mai Thành là bà Trần Thị Lâm, sinh ngày 20/10/1959, thường trú tại phường 3, quận 3, Tp.HCM. Bà Trần Thị Lâm hiện là Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm. Ngoài việc sở hữu một phần tòa nhà Lim Tower 1, (9-11 Tôn Đức Thắng), hiện tập đoàn này đang sở hữu tòa nhà Lim Tower 2 (ngã tư Cách Mạng Tháng Tám – Võ Văn Tần, Q3), tòa nhà VietBank, Kingdom 101 tại 334 Tô Hiến Thành, khu dân cư 2-3-4 phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), dự án văn phòng kết hợp khu thương mại căn hộ 1,6ha nằm liền kề khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi và khu du lịch làng Chài ở huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu…

Đặc biệt, năm 2008, Hoa Lâm được Thủ tướng Chính phủ giao 37,5ha đất tại khu Tên Lửa quận Bình Tân (TP. HCM) để xây dựng “Thành phố y tế” với 6 bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế và nhiều trung tâm dịch vụ đi kèm phục vụ khu này. Trong đó, có Khu Y tế kỹ thuật cao có tổng vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD. Hiện, dự án Khu Y tế kỹ thuật cao đang gặp phải những vướng mắc như chuyển đổi bệnh viện sang xây chung cư thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm Aeon …

Theo Tài chính doanh nghiệp

Link gốc : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/vu-cuu-do-doc-nguyen-van-hien-bi-truy-to-doanh-nghiep-nha-bang-nao-lien-luy-d11813.html

Bạn đang đọc bài viết Vụ cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến bị truy tố: Doanh nghiệp, nhà băng nào liên lụy? tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng