Hai quy định vừa được bổ sung vào nội quy bệnh viện tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Theo đó, nhân viên y tế nhận tiền, quà của bệnh nhân trong bệnh viện sẽ bị đình chỉ công tác và chụp ảnh dán tường bệnh viện với hàng chữ: “Kẻ lừa đảo siêu hạng”.
Đối với bệnh nhân, nếu có hành động biếu tiền, quà cho nhân viên y tế trong bệnh viện sẽ bị từ chối tiếp nhận khám, điều trị. Quan điểm của bệnh viện là “Bệnh nhân đưa phong bì, chúng tôi không phục vụ”.
Hai quy định mới được thông báo có hiệu lực từ hôm nay. Ảnh: T.T. |
TTND.PGS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - cho biết 2 nội quy mới này sẽ chính thức có hiệu lực từ hôm nay (9/3) và được dán trên bảng thông báo của các khoa.
Chia sẻ về điều này, PGS Ánh cho hay đến bệnh viện, người Việt Nam rất thích thể hiện lòng biết ơn với thầy thuốc nên muốn cảm ơn bác sĩ, nhất là lúc xong việc, cảm ơn xong mới yên tâm.
“Tôi cho rằng đây cũng là một văn hóa của người Việt nhưng có lẽ trong bệnh viện phải dẹp cái này vì người dân thích làm như vậy nhưng họ không hiểu được mặt trái của chuyện phong bì. Hệ lụy của nó là rất nhiều. Người không đưa phong bì nhìn vào người đưa phong bì sẽ chạnh lòng rồi luôn mặc cảm rằng mình không được chăm sóc tốt như chị kia, anh kia. Điều đó thực sự là phản cảm. Và người thầy thuốc không nên đặt điều đó ra để quá chiều người bệnh”, PGS Ánh nói.
Lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khẳng định bệnh viện có đủ nguồn kinh phí để nhân viên làm việc ngay thẳng. Điều này, ông luôn nhấn mạnh và quán triệt để với nhân viên.
“Lương của nhân viên ở viện chúng tôi đảm bảo và cao so với mặt bằng chung. Chúng tôi tự hào có thể làm nghề chân chính. Tôi sẵn sàng trả thêm lương để nhân viên của mình không nhận phong bì. Tôi quán triệt tất cả phải công khai, minh bạch, mỗi người phải thấy rõ trách nhiệm của nhân viên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, không để vấn nạn phong bì làm xấu mặt bệnh viện”, PGS Ánh khẳng định.
Lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khẳng định bệnh viện có đủ nguồn kinh phí để nhân viên bệnh viện làm việc ngay thẳng. Ảnh: Việt Hùng. |
Theo PGS Ánh, người dân không nên đặt nặng vấn đề phong bì, quà cáp cho thầy thuốc. Nếu có điều kiện, người dân có thể dùng các dịch vụ cao, nộp tiền rồi sử dụng. Còn nếu không, ở khu thường của bệnh viện, người bệnh vẫn được chăm sóc tốt.
“Không nên lét lút đưa phong bì cho thầy thuốc. Mặt trái của phong bì thực sự ảnh hưởng tới môi trường làm việc của ngành y tế. Tôi mong người dân hiểu”, PGS Ánh khuyến nghị.
Với quy định này, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được xem là bệnh viện đầu tiên kiên quyết chấm dứt nạn phong bì trong môi trường y tế.
Theo Zing