Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Những giây phút trải lòng cùng Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương

TDVN 09:07 03/03/2020

"Làm nghề y ngoài chuyên môn cao, trách nhiệm lớn, cái quan trọng nhất là tình thương con người, tình thương với bệnh nhân. Không có điều đó sẽ không bao giờ trở thành bác sĩ được đâu".

Chúng tôi hẹn phỏng vấn ông lúc 14 giờ chiều. Phút cuối ông đề nghị đẩy lên 9 giờ sáng bởi có cuộc họp đột xuất với lãnh đạo Bộ Y tế về chống dịch virus corona chủng mới Covid-19. Đúng giờ hẹn, chúng tôi đến Bệnh viện Phụ sản T.Ư có mặt tiền ở phố Tràng Thi, gặp ông. Bệnh viện thời dịch có khác, nom vắng vẻ hơn ngày thường. Bệnh nhân ai cũng đeo khẩu trang kín mặt, trông rất lặng lẽ. Còn các bác sĩ, y tá vẫn tất bật như thường. Cũng dễ hiểu thôi, sinh, đẻ cứ đến hẹn là đi, nào hoãn được, bác sĩ theo guồng quay ấy mà làm.

Phòng làm việc của ông nằm ngay tầng năm của viện. Gõ cửa nhưng cũng không thấy bóng dáng ông đâu. Hóa ra, ông đang đến từng giường bệnh thăm, khám cho các sản phụ. “Tháp tùng” ông đi khám bệnh là hàng chục sinh viên đang hí hoáy ghi ghi chép chép những lời ông khi "đọc toa" thăm khám, phổ biến bệnh, triệu chứng của từng sản phụ (ngoài việc điều hành bệnh viện, ông còn là giảng viên Trường đại học Y Hà Nội). Qua ô cửa kính được đóng hờ, còn nghe rõ cả âm giọng khàn khàn, đặc tiếng quê hương xứ vải, những từ mà ai nghe lần đầu cũng ngại ngại: Sinh âm đạo, thắt âm đạo, cổ tử cung, dạ con, sẹo mổ, dị tật thai... Chờ mãi, cuối cùng ông cũng bước ra. Ông dẫn chúng tôi tới căn phòng nhỏ chưa đầy 30m2- nơi ông ngồi làm việc hàng ngày. Căn phòng nằm sát vách các buồng bệnh, chỉ kê vừa bộ ghế salon, cùng chiếc bàn làm việc với đống hồ sơ, giấy tờ đang chờ ký. Và câu chuyện của chúng tôi với PGS-TS Trần Danh Cường diễn ra ở đó.

PGS-TS Trần Danh Cường trả lời phóng viên.

Thưa ông, nếu gõ tên "PGS-TS Trần Danh Cường" trên internet sẽ cho ra hàng ngàn kết quả về ông. Ông được các bệnh nhân, bà mẹ bỉm sữa nhắc đến với rất nhiều mỹ từ như: “bác sĩ nổi tiếng về sản khoa”, “chuyên gia hàng đầu về phát hiện dị tật thai nhi”. Ông nghĩ thế nào về những đánh giá này? Khái niệm nổi tiếng, hàng đầu có làm ông thích thú và tự hào không?

- Thực ra, nếu người ta có gọi tôi là bác sĩ hàng đầu, người nổi tiếng, bàn tay vàng, bàn tay bạc, tôi cho rằng cũng chỉ là những ngôn từ văn học thôi. Tôi rất cảm ơn mọi người, nhưng nói thật tôi không thích khi đánh giá như thế. Nó chưa đúng với thực chất và chưa đúng với tính cách của tôi. Bản chất đây chỉ là công việc, cũng chính là đam mê của tôi.

Trong nghề bác sĩ, tôi có 2 cái đam mê. Thứ nhất là đam mê với sản bệnh. Tức là người phụ nữ có thai mà bị bệnh hoặc bệnh của người mẹ xuất hiện trong thai kỳ, hay bệnh lý của em bé thì gọi là sản bệnh. Các cụ nói “chửa là cửa mả”. Sản phụ mà bệnh cửa mả càng gần, do vậy người thầy thuốc càng phải tận tụy chăm sóc người bệnh. Nếu anh xử lý sai, ngoài việc người mẹ mất mạng còn sẽ tạo ra một em bé "lỗi" và sẽ trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội sau này. Chính cái áp lực đấy đã làm nhiều người nhụt chí, ngại không muốn theo nghề (vì sợ trách nhiệm - PV). Nhưng tôi vẫn trụ vững. Vì say mê, tôi chấp nhận tất cả. Có lẽ vì thế nên nhiều người đã dành cho tôi những ngôn từ hoa mỹ như anh đã nói ở trên chăng?

Cái đam mê thứ hai của tôi là chẩn đoán trước sinh, siêu âm chẩn đoán. Với đam mê này, tôi làm việc không kể thời gian trong giờ, ngoài giờ, làm bất kể lúc nào nếu người bệnh có yêu cầu. Chẩn đoán sớm nhất, chính xác nhất để tiên lượng được tốt nhất những dị tật (nếu có) của em bé. Vì công việc này, tôi đã từ bỏ những thói quen như tụ tập bạn bè, uống cà phê hay là chơi thể thao đấy.

37 năm trong nghề, ông đã không ngừng khẳng định mình và đạt được vô vàn các giải thưởng. Nhưng ông hay nói, phần thưởng lớn nhất chính là sự tôn trọng, yêu mến của bệnh nhân dành cho mình. Ông nghĩ sao về điều này?

- Nói thật, bằng khen, giấy khen, huân chương nếu mình thiếu cũng thiệt thòi. Nhưng đấy không phải cái mình mong muốn. Phần thưởng như anh nói là bệnh nhân người ta đánh giá mình có tình thương, có y đức làm việc, tôi rất thích cái này. Bà Tòng Thị Phóng- Phó Chủ tịch Quốc hội khi đến thăm Viện chúng tôi cách đây 2 năm có nói "làm gì cũng phải xuất phát từ tình thương con người". Rất sâu sắc. Y đức và tình thương với bác sĩ như chúng tôi là điều tối quan trọng.

Nếu anh được chứng kiến cảnh những bác sĩ chăm sóc, cấp cứu các sản phụ nhiễm HIV, bệnh nhân nghèo khổ không một xu dính túi, bệnh nhân không nơi nương tựa... mới biết được thế nào là tình thương của chúng tôi dành cho họ. Rồi chúng ta ngồi đây, trong khi còn bao nhiêu bác sĩ, y tá đang đầu sóng ngọn gió chống đỡ với dịch Covid -19 đang hoành hành. Thậm chí ở Trung Quốc hàng ngàn bác sĩ còn nhiễm bệnh và có người đã tử vong. Ở đó, không hề có việc ra điều kiện, có tiền bạc, hay phong bì, phong bao gì cả. Cho nên đừng vội phán bác sĩ vô cảm, khám chữa bệnh vì tiền, nói thế đau lòng lắm và không đánh giá hết sự hi sinh của người bác sĩ. Không có tình thương người bệnh, không theo được nghề y này đâu.

Nghề của tôi còn phải thương cả em bé nữa. Các anh có con cái, đều hiểu tình thương với trẻ phải tăng gấp đôi lên. Nếu không chăm sóc, không chẩn đoán với 200% sự tập trung để có các giải pháp hợp lý, biết đâu sẽ để lại tai họa cho gia đình, cũng như cho đất nước sau này.

Còn cái nữa là ngoài tình thương cũng phải có trình độ chuyên môn. Muốn vậy phải học, đào tạo, không có chuyên môn bác sĩ ngồi ôm chân ngắm bệnh nhân chỉ có hỏng… Tình thương cộng với trình độ chuyên môn mới giúp chúng tôi hành nghề tốt được.

Để được ông thăm khám, quả thực rất khó khăn, thậm chí trên các diễn đàn mạng, các bà mẹ bỉm sữa còn làm cả cẩm nang: Kinh nghiệm đặt lịch khám bác sĩ Trần Danh Cường. Chưa nói các bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa mà ngay ở thành phố muốn gặp ông để được khám, tư vấn cũng khó như "hái sao trên trời". Là người trong cuộc, xin hỏi làm thế nào để gặp và được ông thăm khám?

- Các bà ấy nói phải có cẩm nang nghe ghê chết đi được. Tôi là người chưa lập gia đình dù nhiều tuổi, nhưng sống rất thanh niên, rất hoà đồng.

Trong công việc tôi cũng cực kỳ nghiêm túc, không nề hà bất cứ việc gì, giúp khám bất kỳ ai, bất kỳ nơi nào. Ở nhiều nơi xa thủ đô như Nghệ An, Thanh Hoá, Hải Phòng… người bệnh cần tư vấn, tôi hội chẩn luôn bằng điện thoại, tóm lại giúp thoải mái. Thế nhưng, cũng có cái phải chia sẻ, nếu bất cứ việc nào, bệnh gì mình cũng xắn tay vào quả thật không đủ thời gian, chưa nói không đủ sức làm được hết. Nên có ca tôi cũng phải từ chối thật.

Học trò tôi có khi hỏi "thầy mơ ước điều gì"? Tôi nói thật chỉ mơ một ngày có 48 giờ, để có thêm thời gian làm việc và thăm khám hết tất cả bệnh nhân. Trái tim tôi luôn hướng về người bệnh vì biết họ muốn gặp mình không phải để chơi, để ngưỡng mộ hay ngắm nghía gì đâu. Họ gặp mình thực sự vì bệnh tình và sức khỏe của con cái.

Nhưng ở phía bệnh nhân, nói thật nhiều người cũng chỉ bệnh nhẹ nhàng, kiểu hắt hơi, sổ mũi này nọ thôi nhưng vẫn đòi bằng được gặp bác sĩ giỏi. Những ca như thế, nguyên lý đầu tiên của tôi là mình không chối, chỉ nói không cần gặp tôi, Bệnh viện Phụ Sản thừa đủ cán bộ, bác sĩ có thể hội chẩn, thăm khám tốt. Cần bác sĩ sẽ có mặt ngay.

Tôi chỉ đạo anh em, ở viện này, ai đã khoác áo blouse đi qua cổng bệnh viện tức là thường trực cấp cứu, khám chữa cho bệnh nhân. Không phải ông làm khoa này ông không cấp cứu ở khoa kia. Người bệnh có biết ông làm ở khoa nào đâu, người ta chỉ biết anh mặc áo trắng cần đến mình thì phải khám, chăm sóc họ. Đấy là quan điểm. Gặp tôi hay ai trong viện này cũng đều như vậy cả.

Có thể nói, lịch làm việc của ông hàng ngày dày đặc, khi thì vào vai Giám đốc Bệnh viện, Giảng viên Trường ĐH Y, khi là Trưởng khoa Phụ sản.. Rồi ngoài làm việc ở Trung tâm chẩn đoán hình ảnh, còn còn làm ở phòng khám riêng... Nhiều vị trí, nhiều công việc như thế, ông dành thời gian cho bạn bè, gia đình như thế nào?

- Gặp gỡ người này, người kia cũng phải có lịch trước, phải bố trí chứ, đâu phải thích là gặp. Tôi còn người bệnh, còn vô vàn công việc ở viện, ở trường mà.

Làm nghề này, nói thật sở thích của mình đến bây giờ coi như mất hết. Như bây giờ làm gì còn được uống cà phê, tán phét hàng tối cùng 5 – 7 đứa bạn như trước. Bạn bè phê bình tôi "ông chán chết", nhưng biết làm sao, tôi đâu có thời gian. Làm gì có quán nào mở cửa đến 11 – 12h, khi đã hết ca trực đêm cho mình ngồi…

Vậy nên những sở thích của mình cũng phải bỏ, hoặc phải điều chỉnh. Uống cà phê, tôi thích lắm nhưng cũng phải tự pha rồi một mình thưởng thức thôi. Tôi thích chơi cầu lông nhưng không sắp xếp được thời gian nên tôi cũng bỏ luôn. Nhiều lúc tự hỏi có phải mình hy sinh quá không, có phải mình tự làm khổ mình quá không? Nhưng cũng không hẳn thế. Nghề là phải có nghiệp. Nói vui vậy thôi chứ tới đây cũng phải sắp xếp lại công việc, để có thời gian xả stress. Nếu như thế này mãi tôi thấy cũng không ổn lắm.

Một buổi lên lớp của PGS.TS Trần Danh Cường dành cho sinh viên thực tập tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Trong một lần gặp chóng vánh trước đây, ông đã bật mí cho tôi nghe về những ca mổ mà khi làm xong cả người ông nhuộm một màu đỏ của máu, trừ cái... quần lót. Việc này ông thấy thế nào, chứ bản thân tôi thì thấy ám ảnh mãi?

- Không. Máu đỏ cả quần lót ấy chứ. Cái đó nhiều lắm. Đồng nghiệp bảo, vì sao với những ca mổ ấn tượng như thế ta không mời báo chí đến để họ xem, để cái mà người ta hay gọi bác sĩ vô cảm đôi khi cũng chưa chuẩn, có thể gây tổn thương cho người khác. Tôi bảo thôi, cái này cứu được người là mừng lắm rồi, nói ra cũng chỉ là gió thoảng mây bay thôi.

Trở lại cái mà nhà báo ám ảnh, đó chính là những ca mổ gần đây mới xuất hiện: mổ rau cài răng lược cho sản phụ mang thai. Có năm mình mổ gần 100 ca mổ rau cài răng lược, dường như tuần nào cũng thực hiện. Đây là một bệnh lý rất đặc biệt, cả thế giới này sợ, bởi khi mổ máu sản phụ chảy ra rất nhiều. Nếu bác sĩ cầm máu được, bệnh nhân sống, còn nếu không sẽ ngược lại, vĩnh viễn ra đi. Bác sĩ đối mặt với những ca này khi bước chân vào phòng mổ chỉ có mình với panh kéo, cặp, cắt buộc cầm máu, không để ý tới ai xung quanh đâu. Áp lực kinh khủng lắm. Lúc đấy máu chảy khắp nơi và cũng không thể biết máu có chảy vào người mình không.

Phải tập trung kinh lắm và tổn hao rất nhiều năng lượng. Đó cũng là hy sinh của người thầy thuốc. Sau khi cắt được tử cung ra, cặp, khâu mà không thấy chảy máu lúc đấy mới nhẹ nhõm buông tay xuống.

Lúc đấy cảm thấy sướng lắm, nhẹ nhõm lắm. Sướng đến nỗi, nhiều khi làm xong tôi cởi phăng cả quần áo trong, ngoài rồi đi thẳng vào phòng thay đồ mà cũng không ngại ai đó nhìn thấy.

Từng ấy năm gắn bó với ngành y, kỷ niệm nào của ngành khiến ông nhớ nhất? Ngoài những ca mổ ám ảnh trên, được biết ông đã có rất nhiều ca mổ cứu sống cả mẹ con một cách thần kỳ, khiến cho giới y học trong nước xôn xao?

- Thực ra những chuyện này tôi không dám khoe, nhưng đã hỏi tôi cũng xin thưa lại. Cách đây vài tháng, có chị ở trên Thái Nguyên bị tiền sản giật chuyển về Hà Nội. Ca này nặng lắm, chị bị co giật ở trên ô tô, về đến đây tim ngừng đập. Các anh đều biết, trường hợp sản phụ co giật, ngừng tim, tím đen thì tính mạng không chỉ của mẹ mà của con xem như “ngàn cân treo sợi tóc”. Không hiểu sao lúc đó tôi có niềm tin vẫn cứu được em bé vì tim thai của vẫn còn.

Tôi quyết định mổ ngay ở phòng cấp cứu, bởi nếu đưa lên phòng mổ chắc chắn không kịp. Tôi mặc vội áo mổ không kịp rửa tay, rồi đeo găng tay để mổ và lấy ra em bé khoảng 1,5 kg. Nó trắng tinh, tôi vỗ vỗ mấy cái nó khóc ầm ầm. Còn người mẹ ngừng tim nhưng được hồi sức kịp thời nên cũng thoát chết.

Lúc đó, giả sử nếu mình không quyết đoán, cứ theo quy tắc khám chữa thông thường người mẹ kiểu gì cũng chết, con cũng chết theo. Bình thường từ lúc mổ bụng và lấy em bé ra mất khoảng 45 phút, đó là kỹ thuật mổ thông thường. Nhưng hôm đó tôi mổ lấy em bé ra chưa đến... 1 phút.

Một trường hợp khác cũng khá đặc biệt, đó là một chị bị bệnh rối loạn đông máu rất đặc biệt (thiếu yếu tố đông máu bẩm sinh- PV) quê ở Thanh Hóa. Dân số Việt Nam gần trăm triệu, còn bệnh này chỉ vài người bị thôi. Ca này còn khó hơn vì chị này vừa bị bệnh đó, vừa có chửa khoảng 36-37 tuần. Đợt ấy, tôi đi Pháp, bác sĩ ở nhà không để ý, đã cho đẻ thường, trong khi nếu tôi ở nhà sẽ mổ lấy thai để cầm máu dễ hơn. Lúc đẻ, bệnh nhân chảy máu không cầm được, ê kip đỡ đẻ mới phát hiện ra trường hợp này rất đặc biệt. May mắn sau đó cầm được máu.

Đẻ xong, 2 ngày tôi về. Hôm đấy tôi trực thường trú chị đó lại chảy máu, tôi mở ra khâu ở dưới âm đạo, khâu xong cầm máu, khoảng 3h chiều anh em lại báo bệnh nhân bị chảy máu nhiều không thể cầm được.

Tôi liền liên hệ với chị trưởng khoa huyết học, chị này cho biết bệnh này có thuốc chữa, nhưng rất đắt, 1 ống thuốc có giá 20 triệu đồng, 1 liều từ 4 – 8 ống. Tôi gọi chồng bệnh nhân vào phổ biến tình hình, đồng thời đề nghị gia đình chuẩn bị kinh phí mua thuốc. Ông chồng mếu máo nói “gia đình làm nông, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, làm gì có đủ tiền mua thuốc. Chắc chịu chết thôi...”

Thấy thương quá, tôi bảo thôi nếu không có tiền tôi giúp. Tôi chạy ra phòng mạch lấy 80 triệu đưa xuống viện huyết học để 4 mua ống thuốc về truyền cho chị ấy. Và sau đó cầm máu và chị này được cứu sống. Về sau, gia đình chị có nhắn tin cám ơn tôi và gửi cho tôi ít nem chua Thanh Hoá. Tôi cứ nhớ mãi...

Bác sĩ khoa sản là người có quyền khám, kiểm tra... vùng kín của tất cả các bệnh nhân nữ. Nếu là bác sĩ nữ khám không nói làm gì, nhưng ông lại là đàn ông. Việc này có làm ông khó xử, hay... có nỗi lòng nào không? Trong list bệnh nhân của ông có trường hợp nào nổi tiếng, ý là ông đã từng khám cho hoa hậu, diễn viên nổi tiếng nào chưa?

- (Cười). Cái này tôi cũng có lần chia sẻ vui với mọi người rồi. Việc khám, chữa là việc thường xuyên chúng tôi phải làm. Có muốn tránh cũng không được.

Còn cái được cho khám bộ phận nhạy cảm của người phụ nữ, với tôi ai cũng như ai, vị trí nào cũng như nhau hết, không có gì phải nghĩ ngợi hết. Riêng hỏi có nhớ tên ai, gương mặt của bệnh nhân không, tôi cũng nói thật không luôn. Mỗi năm chúng tôi thực hiện khám chữa hàng trăm, hàng ngàn ca, làm sao nhớ hết. Có lẽ chỉ bệnh nhân mới nhớ bác sĩ thôi.

Quê ông ở vùng vải Bắc Giang, cả gia đình ông theo nghề nông, trồng lúa, chăn trâu. Vậy con đường nào dẫn ông đến ngành y, mà lại nghề sản?

- Gia đình tôi có 4 anh em. Ông anh cả làm nghề y công tác ở trong Cần Thơ. Đến tôi và 2 đứa em. Bố mẹ tôi là nông dân, ít chữ như bao người nông dân ở miền Bắc này. Thực sự tôi cũng không nghĩ mình sẽ đi theo nghề y đâu, nhưng ý thức về nghề này có từ trong tôi rất sớm. Số là tôi có ông chú đi bộ đội thời chống Mỹ, ông đóng ở Hàm Rồng- Thanh Hóa. Mỗi lần ông về phép rất hay nói chuyện với bọn trẻ chúng tôi về quân đội. Ông hay nói, ở lính sướng nhất là ông quân y, đi đâu cũng ngồi ô tô, không phải bắn nhau hay đánh đấm gì cả, mỗi khi có ai bị thương chỉ cần băng bó và chuyển về sau. Trẻ con lúc đó có biết gì đâu, cứ nghĩ như thế sướng thật. (Nhưng sau này đọc Đặng Thùy Trâm rồi làm nghề. tôi thấy bác sĩ có sướng gì đâu, nguy hiểm và áp lực vô cùng).

Lớn lên tôi đỗ trường chuyên của tỉnh, rồi sau đó đỗ trường Y. Ngày ấy tôi say sưa học ngày học đêm, so với đám bạn cùng khóa tôi học rất giỏi. Các môn chuyên ngành toàn được điểm 10, môn nào được 9 thì không hài lòng, còn được 8 điểm tôi buồn cả ngày.

Đến hôm tốt nghiệp, tôi còn được mời lên đọc lời thề Hyppocrates đấy. Nhưng do tôi nói ngọng chữ n và l nên cuối cùng không được lên. Cũng ấm ức nhưng đành chịu.

Tốt nghiệp xong, tôi và 4 đứa cùng khóa được trường gửi giấy giới thiệu về Bệnh viện Việt Đức. Thực sự mình rất thích chỗ này, nhất là khoa ngoại. Nhưng đến viện họ nói chỉ nhận 2 đứa. Tôi và ông bạn còn lại đành rủ nhau đến Bệnh viện Mắt để xin việc. Hồi ấy khổ quá, không có xe đạp để đi lại, trên đường đi chúng tôi đi qua Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh (nay là Phụ sản T.Ư). Hai đứa bảo hay vào đây xin việc. Thế là vào. Rất may lại được gặp Giáo sư Dương Thị Cương- Viện trưởng, bà xem lý lịch và biết thành tích học hành của chúng tôi nên rất thích, nhận ngay. Nhưng chỉ một đứa là tôi, đứa kia bà bảo trông già quá (anh ấy đi bộ đội về). Tôi gắn với bệnh viện này như vậy đó.

Trong các câu chuyện ông kể, ông thường hay nhắc đến người mẹ già năm nay đã 91 tuổi. Hình như bà rất có ảnh hưởng đến sự lựa chọn và công việc của ông?

- Mẹ tôi là nông dân chính hiệu, nhưng không hiểu sao bà lại thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ. Bà cũng hiểu biết về văn chương, phim ảnh rất tốt. Bà còn mê quan họ nữa chứ. Tôi hay nói, nếu mẹ có điều kiện học hành chắc con đường tiến thân cũng không phải thường. Có lẽ do sự mẫn tiệp này nên bà ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời tôi. Năm tôi đi học ở Pháp, thằng em có viết thư cho tôi, trong đó bà có viết gửi cho tôi 3 chữ: Con khỏe không? mà không hề hỏi han về học hành, thi cử của tôi (ông khóc). Lá thư đó giờ tôi còn giữ đây này.

Lần khác, khi tôi đang được làm quy hoạch lên làm Giám đốc, về thăm quê, bà hỏi: Có chạy chọt gì không? Lên làm quản lý, không để lòng tham nó bám lấy mình con ạ. Tôi hỏi, ai nói như thế với mẹ. Bà bảo cứ dặn con như thế.

Có điều tôi hơi thắc mắc là ông hay bỏ tiền túi ra để giúp bệnh nhân nghèo, mua sắm cây xanh cho bệnh viện, trong khi ông vẫn sống tại cơ quan mà không mua cho mình một nơi nào đó để sinh sống. Ông có khắt khe với mình quá không trong khi mình có thể thừa sức làm?

- Đó cũng là một cái buồn cười mà tôi không thể giải thích được. Hay do ngày xưa mình nợ nần gì mọi người chăng? Nhiều học sinh của tôi bảo, nhà thầy ở đâu, chúng em muốn đến nhà để tri ân thầy nhân ngày 20/11 hoặc ngày 27/2. Tôi bảo, thôi đừng tìm thầy, thầy còn chẳng biết thầy ở đâu nữa. Cho nên, học trò lại ra chỗ mình làm việc hoặc về cơ quan.

Không chỉ sinh viên, nhiều đồng nghiệp, bạn bè bảo, anh ăn ở chẳng ra hồn, không an cư sao lạc nghiệp được. Mình bảo mình ở sướng cũng chả để làm gì. Thay vì lo cho mình, tôi nghĩ tiền đó để lo cho gia đình, anh em mình trước, vì phải có các bố mẹ, anh em mới có mình chứ.

Còn bệnh nhân nghèo thì tôi giúp đỡ nhiều, mọi người bảo ông thế nọ thế kia, thực ra họ cũng khổ. Họ ở tận Sơn La, Lai Châu, nghèo khó, mình cho cái nọ sẽ bớt cái kia thôi.

Năm nay đã 56 tuổi, có người hỏi đến giờ sao vẫn chưa lập gia đình, ông trả lời do chưa đến duyên số. Chả nhẽ một người tài năng, có địa vị, có tiền bạc, ăn nói rất có duyên như ông lại chịu tiếng về duyên số?

- Việc xây dựng gia đình tôi cũng từng có nghĩ từ rất sớm, đó là lúc tốt nghiệp đại học ở tuổi 27 - 28 cơ. Nhưng lúc đó mình nghèo quá, không có chỗ ở, không có tiền, nếu lấy vợ chỉ làm khổ vợ con thôi, lấy rồi chăm sóc vợ con thế nào, ăn đâu, ở đâu, tiền đâu. Rồi đến khi đi nước ngoài học, tôi thấy ở đó cách sống, con người tự do quá, nên cứ trượt đi. Xong thời điểm đó, tôi lại lao vào làm Tiến sĩ (năm 2007), rồi làm Phó Giáo sư (2010). Công việc nó trôi đi mình không để ý đến tuổi tác. Cho đến giờ nó thành ra như thế này đây (cười).

Cũng nói thẳng chưa lấy vợ cũng là một cái thiếu, một vết khuyết trong cuộc đời của một con người. Thế đến bao giờ tôi lấy vợ? Tôi vẫn cứ cho là chờ duyên số thôi. Khi cơ duyên đến tự khắc có vợ và mọi người sẽ biết thôi.

Xin trân trọng cảm ơn PGS-TS Trần Danh Cường!

Theo Dân Việt

Link gốc : http://m.danviet.vn/dan-viet-tro-chuyen/nhung-ca-mo-nhuom-mau-va-noi-long-giam-doc-benh-vien-phu-san-trung-uong-1063701.html

Bạn đang đọc bài viết Những giây phút trải lòng cùng Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương tại chuyên mục Trường học, bệnh viện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Trường học, bệnh viện