Hà Nội, Thứ Tư Ngày 11/12/2024

Giải pháp để thị trường hàng không phát triển bền vững

TDVN 11:02 07/06/2024

Các bộ, ngành, cơ quan quản lý trực tiếp đang rốt ráo thực hiện biện pháp để rà soát, tìm cách “hạ nhiệt” giá vé máy bay trong thời gian sớm nhất.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc.

Bà Huỳnh Thị Phúc - Đại biểu Quốc hội Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:

Cần tạo cơ chế cạnh tranh minh bạch

Thực chất, việc giá vé máy bay tăng không sai so với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, so với giá vé máy bay của một số hãng bay các nước xung quanh, cũng như một số chặng bay có quãng đường bay tương đương, thì có thể thấy giá vé máy bay nội địa của Việt Nam chênh lệch cao so với các nước trong khu vực. Tại sao giá vé máy bay nội địa khá đắt so với thu nhập bình quân của người dân Việt Nam? Vì sao tình trạng khan hiếm vé máy bay thường xuyên xảy ra nhưng hãng hàng không quốc gia vẫn báo lỗ?

Giá vé máy bay tăng cao không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội (cụ thể là ngành Du lịch và nhu cầu đi lại của người dân), mà còn tác động ngược trở lại sự phát triển của chính ngành Hàng không. Cử tri, nhân dân mong muốn Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải tìm kiếm giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Cơ quan quản lý cần tạo cơ chế cạnh tranh minh bạch trong hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, để không còn râm ran trong dư luận câu chuyện có hay không việc độc quyền, ghim vé máy bay để dẫn tới khan hiếm, bán giá cao khi người dân có nhu cầu.

Cùng với đó, cần có chính sách thu hút đầu tư hạ tầng hàng không, thay vì chỉ có Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Ngoài ra, cũng cần cân nhắc, xem xét lại quy định về giá sàn, giá trần đối với giá vé máy bay nội địa.

Bà Lê Thị Tuyết Nhung.

Bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính (chia sẻ tại Hội thảo "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?" tổ chức ngày 17/5):

Phối hợp chặt chẽ để quản lý giá vé máy bay minh bạch, công khai

Thực tế, thuế, phí tính trên vé máy bay dù có nhiều khoản nhưng đều được quy định rõ ràng, minh bạch. Với các kiến nghị tiếp tục giảm các loại thuế, phí, lệ phí liên quan đến ngành Hàng không thuộc quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định. Phía cơ quan quản lý sẽ ghi nhận, tổng hợp và báo cáo với Bộ trưởng Bộ Tài chính để rà soát tất cả các loại phí, lệ phí, cũng như kiến nghị của các đơn vị để làm sao có thể góp phần hạ nhiệt giá vé máy bay. Nhưng quan trọng hơn nữa là đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, với doanh nghiệp cũng như Nhà nước trong tổng thể nền kinh tế. Về phía Cục Quản lý giá, chúng tôi cam kết phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan chủ trì quản lý Nhà nước về quản lý giá đối với ngành Hàng không để làm thế nào quản lý giá vé máy bay minh bạch, công khai, để người tiêu dùng hiểu và chấp nhận.

Ông Đỗ Hồng Cẩm

Ông Đỗ Hồng Cẩm - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam:

Các hãng hàng cũng không cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý

Trong công tác quản lý, việc giá vé máy bay tăng do chi phí đầu vào tăng cao là điều đã được lường trước. Với những yếu tố mới phát sinh khiến giá vé tăng cao, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh.

Bên cạnh đó, các hãng hàng cũng không cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, công tác điều hành, năng lực nhân sự và năng suất lao động để tiết giảm chi phí, đưa giá về mức phù hợp hơn với khả năng chi trả của đa số khách hàng. Ngoài ra, các hãng cần tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo và lên kế hoạch ứng phó với những biến động mới có thể xảy ra trong thời gian tới. Điều này sẽ giúp tăng tỷ lệ lấp đầy trên từng chuyến bay nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động kinh doanh.

Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cần ngồi lại với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về quy định, thủ tục… để hạ nhiệt giá vé máy bay, vì sự phát triển bền vững của ngành hàng không.

TS. Trần Du Lịch

TS. Trần Du Lịch - Chuyên gia kinh tế:

Chính người tiêu dùng mới có thể tự điều chỉnh để có giá tốt nhất

Thị trường hàng không Việt Nam là thị trường cạnh tranh, không phải thị trường độc quyền. Khi một thị trường cạnh tranh có hiện tượng giá tăng, sẽ xuất phát từ 2 nguyên nhân: do mất cân đối cung - cầu hoặc chi phí đẩy. Hàng không Việt Nam hiện đang đối diện cả 2 vấn đề. Vì thế, việc điều chỉnh thuế, phí trong cơ cấu giá vé máy bay nội địa nhằm giảm giá vé hỗ trợ người tiêu dùng là có thể, nhưng không đáng kể, chủ yếu chỉ mang tính tâm lý. Chính người tiêu dùng mới có thể tự điều chỉnh để có giá tốt nhất. Trong ngày, có 15 - 20 khung giá khác nhau, từ thấp đến cao, tùy khung giờ, nên người tiêu dùng có thể lựa chọn để đi khung giờ nào tốt nhất, có lợi nhất.

Cùng với đó, vấn đề mấu chốt để giải quyết bền vững câu chuyện này là quy hoạch phát triển tổng thể các loại hình phương tiện. Ngành Hàng không là dịch vụ công cộng, cũng như các ngành vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy… phải nằm trong chiến lược phát triển quốc gia nói chung.

Đơn cử, cự ly dưới 300 km thì ô tô chiếm ưu thế, từ 300 - 700 km là cự ly cho đường sắt, trên 700 km là đường hàng không... Vì vậy, các phân định, tính toán, quy hoạch phát triển phải dựa trên những tiêu chí này. Đã đến lúc cần có một quy hoạch tổng thể các loại hình vận chuyển công cộng trong chiến lược quốc gia nói chung.

Theo Tạp chí Tài chính

Link gốc : https://tapchitaichinh.vn/bai-3-ban-giai-phap-de-thi-truong-hang-khong-phat-trien-ben-vung.html

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp để thị trường hàng không phát triển bền vững tại chuyên mục Dịch vụ hàng không. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Dịch vụ hàng không