Với đặc thù kinh doanh của ngành hàng không, việc thu xếp và nâng quy mô vốn vẫn là bài toán sống còn với các hãng mới nếu muốn duy trì cuộc chơi. Sự tăng trưởng rất “nóng” của Vietjet Air trong mấy năm gần đây một mặt có lợi cho khách hàng vì họ có thêm sự lựa chọn về dịch vụ, giá vé nhưng mặt khác cũng mang đến nhiều hệ lụy.
Năm 2015, hãng hàng không này tiếp tục ghi nhận doanh thu ấn tượng 19.845 tỷ đồng, một lần nữa giữ mức tăng trưởng thần tốc 129%.
Năm 2016 và 2017, tăng trưởng doanh thu của Vietjet Air lần lượt là 38,5% và 53,8%. Doanh thu năm 2017 của hãng đã là 42.302 tỷ đồng. Con số này khiến Vietjet Air tự tin với kế hoạch doanh thu năm 2018 ở mức 50.970 tỷ đồng và hoàn toàn có khả năng về đích.
Dù chưa có thống kê chính thức về thị phần, nhiều đơn vị về tài chính đã nhận định thị phần của Vietjet Air lấn lướt hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines từ năm 2017.
Áp dụng tốt mô hình của AirAsia, tới năm 2018, tổng vốn hóa thị trường của Vietjet Air chính thức vượt qua hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng tới từ Malaysia để trở thành hãng hàng không lớn thứ hai Đông Nam Á về giá trị trên thị trường chứng khoán.
Việc Vietjet Air liên tục đặt mua hàng trăm máy bay các loại từ Airbus và Boeing không chỉ đơn thuần để thực hiện sales and leaseback. Một phần nhỏ trong số máy bay này được hãng sử dụng để phát triển đội bay và thành quả là 61 chiếc máy bay A320 và A321 cả thuê và sở hữu, rất mới với tuổi trung bình khoảng 3 năm tuổi theo số liệu từ Planespotter.
Vietjet dự kiến phát triển đội máy bay lên 200 chiếc vào năm 2025 trong khi đó, đội bay của Vietnam Airlines bao gồm cả Vasco dự kiến đạt 107 chiếc vào năm 2020 và tăng lên 135 chiếc vào năm 2025.
Nhiều sự cố có phải do tăng trưởng quá nhanh?
Việc liên tục mở rộng đội tàu bay, tăng chuyến, ồ ạt tuyển dụng, vay nợ “khủng”… đặt ra nghi ngại về sự tăng trưởng quá “nóng” của Vietjet Air.
Sau những sự cố liên tiếp của Vietjet Air, đặc biệt là sự cố hạ cánh nhầm đường băng tại Cam Ranh năm ngoái, Cục Hàng không quyết định đình chỉ tổ bay VJ689 để phục vụ công tác điều tra, đồng thời đình chỉ công tác đối với người chịu trách nhiệm chính của hãng bay liên quan đến việc khai thác.
Mới đây nhất, chuyến bay Phú Quốc - Tân Sơn Nhất trưa 14/6 vừa hạ cánh bị lệch đường băng. Đây là chuyến bay số hiệu VJ322 từ Phú Quốc đến Tân Sơn Nhất của Vietjet Air. Ngoài ra, còn rất nhiều sự cố hy hữu khác.
Việc Vietjet Air liên tiếp xảy ra sự cố, có 2 khả năng: Một là đây là các sự cố ngẫu nhiên, với nhiều vấn đề khác nhau diễn ra liên tiếp; và hai là không loại trừ "có gì đó không ổn" trong hoạt động của Vietjet Air.
Công bố mới nhất từ Cục Hàng không Việt Nam, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ của Vietjet Air dẫn đầu với 97,8%, nghĩa là có gần rất ít số chuyến bay không cất cánh đúng giờ. Nhưng con số này chưa phản ánh đầy đủ các cuộc khủng hoảng trễ chuyến của hãng, do không thống kê chi tiết các mức độ trễ chuyến là tính từ trên 2 giờ đồng hồ trở lên hay dưới mức đó?
Việc đầu tư trong lĩnh vực hàng không đòi hỏi lượng vốn rất lớn cũng như khả năng cân đối tài chính, đảm bảo dòng tiền luân chuyển kinh doanh, đầu tư ổn định và hiệu quả. Với hãng bay trẻ đang trên đà tăng tốc nhanh như Vietjet Air, bài toán tài chính cũng không hề dễ dàng.
Để đáp ứng ngay nhu cầu vốn lớn, Vietjet Air cũng phải “nhờ cậy” tín dụng ngân hàng, vốn cổ đông, vốn tự có, nợ khác để đảm bảo dòng tiền xoay chuyển nhịp nhàng trong hoạt động mua sắm tàu bay, vận hành khai thác, nhiên liệu…
Thuyết minh báo cáo cho thấy, Vietjet Air hiện đang vay nợ tại hàng loạt ngân hàng Việt Nam và chi nhánh ngân hàng ngoại.
Đáng chú ý, HDBank – ngân hàng có sở hữu của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, hiện là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietjet Air- đã tài trợ vốn nghìn tỷ cho hãng bay này (Nhóm công ty liên quan tới bà Thảo như Sovico, CTCP Địa ốc Phú Long… cũng đang là cổ đông của HDbank).
Ngoài ra, Vietjet Air có dư nợ lớn tại các ngân hàng như BIDV, Vietinbank, MB (được thế chấp bằng tàu bay A320), Vietcombank, ABBank… và dư nợ tại 3 ngân hàng ngoại CityBank Việt Nam, United Overseas Bank và HSBC Việt Nam.
Không chỉ vay nợ ngân hàng, Vietjet Air thời gian qua đã liên tục phát hành tăng vốn điều lệ “khủng”, phát hành cổ phiếu chia cổ tức, chào bán riêng lẻ, bán cho nhà đầu tư nước ngoài… đã được Vietjet Air triển khai để huy động cả nghìn tỷ đồng vốn ở thời điểm trước và sau khi lên sàn chứng khoán HSX.
Đáng chú ý, trong các đợt tăng vốn “gấp”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và công ty riêng- Công ty TNHH Đầu tư Hướng dương Sunny, Sovico, người nhà… chính là những nhà đầu tư bạo chi nhất mua vào lượng lớn cổ phiếu Vietjet Air. Hiện, những công ty có liên quan đến bà Thảo cùng cá nhân vị nữ tỷ phú này đang nắm gần 52% cổ phần Vietjet Air.
Có thể thấy, quy mô vay nợ “khủng” cùng các đợt hút vốn từ bán cổ phần tăng vốn sẽ là áp lực không hề nhỏ cho ban điều hành Vietjet Air trong việc trả nợ, sinh lời trên vốn cổ đông. Đặc biệt, các chủ nợ ngân hàng đã “rót” hàng nghìn tỷ vào Vietjet Air có lẽ cũng lo lắng khi hãng bay này liên tục gặp sự cố nghiêm trọng, liên quan tới tài sản đảm bảo là các tàu bay, cũng như giải quyết hệ luỵ của giai đoạn tăng trưởng nóng.
Còn tiếp...
Theo Đầu tư Việt Nam