Quảng cáo vượt quy định?
Theo tìm hiểu, trên mạng xã hội xuất hiện sản phẩm TPBVSK Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh do Công ty TNHH Tuệ Linh (Tầng 5, Tòa nhà 29T1, Hoàng Đạo Thúy, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) phân phối và chịu trách nhiệm đang quảng cáo sai công dụng có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.
Tại website https://www.samtonu.com/, nội dung quảng cáo Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh được thể hiện có tác dụng như thuốc điều trị qua từng tuần như: Từ 7-10 ngày sản phẩm này giúp cơ thể hưng phấn; từ 15-20 ngày là giai đoạn cải thiện tích cực, da sáng lên, mềm mại hơn, hết bốc hỏa...; sau 1 tháng thì da căng bóng, các vết nám xạm hết hẳn, vóc dáng săn chắc, cảm xúc yêu mãnh liệt, tăng nhu cầu sinh lý rõ rệt. Đặc biệt, để khách hàng rút “hầu bao” mua sản phẩm, tổ chức kinh doanh còn cam kết sẽ hoàn tiền 100% nếu không hiệu quả.
Bên cạnh đó, để tăng hiệu quả quảng cáo, người kinh doanh còn truyền tải thông tin chưa kiểm chứng như “Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh là sản phẩm số 1 bổ sung nội tiết, làm đẹp da, cải thiện sinh lý”. Tuy nhiên, căn cứ Khoản 11 Điều 8 Luật quảng cáo 2012, muốn chứng minh sản phẩm là số 1 phải có các tài liệu cần chứng minh thương hiệu bao gồm: Kết quả khảo sát thị trường của các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp có chức năng nghiên cứu thị trường. Nghĩa là việc nhà sản xuất, người quảng cáo phải thực hiện khảo sát chứng minh sản phẩm của mình tại thời điểm có là “số 1” là nhất. Mẫu khảo sát được thực hiện theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg.
Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ tương tự được nhận thông qua các cuộc thi trong khu vực hoặc toàn quốc và được bình chọn, công nhận sản phẩm đó là “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”. Thực tế là vậy nhưng trong nội dung nêu trên, tổ chức kinh doanh lại không đưa ra bất cứ thông tin nào chứng minh nội dung quảng cáo là chính xác. Điều này khiến dư luận nghi ngờ đây là chiêu thức lừa dối người tiêu dùng?
Không những vậy, trên các website, tổ chức kinh doanh Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh còn sử dụng hình ảnh nhiều người nổi tiếng để tung hô sản phẩm với công dụng không đúng. Điển hình như diễn viên Khánh Linh xuất hiện trong đoạn video lời tựa chia sẻ thể hiện, sau khi uống Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh đến tháng thứ 2 thì da dẻ của Linh căng sáng hẳn, không còn nám sạm như trước, giảm tới 80-90%. Diễn viên này còn khẳng định khỏe hẳn lên, cơ thể tràn đầy năng lượng, dù lịch quay dày đặc rồi tiến độ công việc khá căng thẳng nhưng lúc nào cũng tươi trẻ, rạng rỡ.
Tương tự là chia sẻ của nghệ sỹ Kim Chi, sau khi dùng Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh được 3 tháng thì nữ nghệ sỹ này đã nhận thấy da đẹp, hết nám sạm, không còn mệt mỏi, bốc hỏa và nhất là giúp cải thiện tình trạng sinh lý vô cùng hiệu quả nên các anh chồng sẽ rất là ưng.
Hay nghệ sỹ Vân Dung cũng chia sẻ sai về công dụng sản phẩm: “Hết hẳn mất ngủ, mệt mỏi, tinh thần phấn chấn, da căng sáng hơn”.
Những lời có cánh trên hầu hết đều được thể hiện bởi những nghệ sỹ nổi tiếng quảng cáo còn sự thực họ có dùng và đạt được hiệu quả hay không thì chưa có thông tin cụ thể kiểm chứng. Nhiều độc giả còn cho rằng những đoạn video đăng tải trên website có thể là “vai diễn” được thuê nói theo kịch bản đã có sẵn.
Nhiều dấu hiệu vi phạm quy định
Thời gian qua, Cục ATTP đã vào cuộc xác minh, điều tra, xử lý và cảnh báo nhiều sản phẩm TPCN/TPBVSK đến người tiêu dùng. Thế nhưng vì lợi nhuận mà nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng hình thức tinh vi, bất chấp để bán được hàng, hệ thống kinh doanh vẫn “lách” bằng nhiều phương pháp, liên tục gia tăng nhiều kênh để quảng cáo mạnh hơn qua Facebook, Youtube, website không được cấp phép.
Theo giấy xác nhận quảng cáo số 00711/2019/ATTP-XNQC do Cục ATTP cấp cho Công ty TNHH Tuệ Linh thì sản phẩm Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh chỉ có công dụng hỗ trợ chứ không phải là thuốc. Do đó không có tác dụng hết nám, hết bốc hỏa, mệt mỏi, tăng nhu cầu sinh lý... như quảng cáo nêu trên.
Theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP, hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012, các đơn vị phân phối, tiếp thị phải khuyến cáo sản phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.
Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.
Căn cứ quy định trên có thể thấy, việc quảng cáo sản phẩm Sâm nhung tố nữ Tuệ Linh có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo khiến người tiêu dùng lầm tưởng là thuốc chữa bệnh.
Để thông tin được khách quan, PV đã liên hệ tới đơn vị phân phối thì được một người phụ nữ gọi tới giới thiệu tên là Thập - nhân viên Công ty TNHH Tuệ Linh. Trao đổi qua điện thoại, người này cho biết, sản phẩm có rất nhiều trang do đó không nắm rõ thông tin tòa soạn cung cấp là từ trang nào? Thế nhưng, ở diễn biến khác, người này lại "trở cờ" ra sao, Chất lượng Việt Nam sẽ phản ánh ở bài tiếp theo.