"Hỏng" mặt khi điều trị nám tại Nhung Spa
Mới đây, tòa soạn nhận được thông tin phản ánh của chị N.T.P.M. (Hà Nội) về việc da mặt của chị bị “hỏng” sau khi sử dụng liệu trình trị nám tại Nhung Spa có địa chỉ tại số 1 Hòa Mã, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Cụ thể, vào tháng 9/2019, chị M. có đến Nhung Spa và mua liệu trình trị nám bằng phương pháp Lazer trong 6 tháng với chi phí 29 triệu đồng. Đến tháng 6/2020 sau khi liệu trình trình trị nám kết thúc, nám trên da của chị M. không có chuyển biến chị đã được Tổng giám đốc của Nhung Spa tư vấn mua thêm một liệu trình trị nám Melasma và Mầm sinh “ngon, bổ, rẻ” là 5,2 triệu đồng.
Fanpage Nhung Spa trên Facebook |
Tuy nhiên, sau khi dùng sản phẩm thì da mặt chị M. bị sưng to và chẩy nước vàng, chị đã phải mua thêm 25 viên thuốc thải độc tại Nhung Spa với giá 80 nghìn đồng/viên (2 triệu đồng 25 viên), thuốc được đựng trong túi bóng nhỏ không có nhãn mác.
“Khi tư vấn về liệu trình này, Tổng giám đốc của Nhung Spa không tư vấn cho tôi biết việc da mặt sẽ bị sưng ở mức độ như thế nào. Tôi cảm thấy mặt mình như một quả dưa bở, chỉ cần há miệng có thể mặt sẽ nứt toác ra, vô cùng đau rát. Nước vàng trên mặt chảy ra khiến tôi vô cùng lo lắng và sợ hãi”, chị M. kể lại.
Da mặt khách hàng bị hỏng sau khi điều trị nám da tại Nhung Spa |
Đến ngày 29/6, chị M. đã đến Phòng khám da liễu (số 8, phố Thịnh Yên, Hai Bà Trưng) khám thì được bác sĩ phân tích da có biểu hiện thượng bì viêm đỏ, da khô bong tróc, tăng sắc tố sau viên, giãn mạch nặng, viêm nặng. Chẩn đoán chị bị viêm da tiếp xúc mỹ phẩm trên mặt và kê thuốc về nhà dùng.
Sau khoảng 10 ngày dùng thuốc của bác sĩ da mặt chị M. đã đỡ nhiều, chị đến Nhung Spa để trao đổi thì được nhân viên Spa hứa sẽ làm sạch mặt và phun oxi. Tuy nhiên, sau khi phun oxi về da mặt chị M. lại tiếp tục có biểu hiện sưng đỏ.
Nhung Spa có được cấp phép điều trị nám hay không?
PGS.TS. Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc Bệnh viện da liễu Trung ương khẳng định: Nám và tàn nhang là bệnh nên người bệnh cần phải đến những cơ sở y tế khám chữa bệnh.
“Tại các Thẩm mỹ viện (TMV) và Spa, theo nguyên tắc thì không được quyền tư vấn, thăm khám, điều trị bệnh nám và tàn nhang. Chính vì vậy việc đến TMV hay Spa để chữa nám và tàn nhang là hoàn toàn không đúng”, PGS.TS. Lê Hữu Doanh nhấn mạnh.
Trên fanpage Facebook của Nhung Spa đăng tải rất nhiều bài viết, hình ảnh, video quảng cáo dịch vụ trị nám chủ cơ sở này. |
Theo PGS.TS. Lê Hữu Doanh, hiện nay tại các TMV và Spa sử dụng tràn lan các máy móc lazer, ánh sáng để điều trị. Những loại máy móc này về nguyên tắc là để điều trị bệnh, những cơ sở khám chữa bệnh mới được phép sử dụng và phải do bác sĩ điều trị còn các TMV và Spa không được phép.
Theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu” (ban hành kèm theo Quyết định số 75/QĐ-BYT của Bộ Y tế) đã khẳng định Sạm da và Rám má là hai bệnh về da liễu. Do đó, việc tư vấn và điều trị Sạm da, Rám má (hay dân dã còn gọi là nám và tàn nhang) phải được thực hiện theo quy định của pháp luật khám chữa bệnh. Tức là, chỉ những cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp theo quy định của pháp luật mới được phép tư vấn và điều trị về nám và tàn nhang.
Đồng thời, theo quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế, trường hợp Thẩm mỹ viện và Spa có hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động; hoặc có hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động (trừ trường hợp cấp cứu) thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Cơ sở này cũng có thể bị đình chỉ từ 06 tháng đến 12 tháng trong trường hợp cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động.
Trong trường hợp Thẩm mỹ viện và Spa có hành vi tư vấn và điều trị nám, tàn nhang khi không phải là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được sự cấp phép của ngành Y tế mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 242 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 với mức phạt tù cao nhất lên đến mười lăm năm tù”.
Vậy Nhung Spa có được cơ quan chức năng cấp phép là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hay không? Các sản phẩm trong liệu trình Melasma và Mầm sinh và thuốc thải độc của Nhung Spa bán cho khách hàng có nguồn gốc xuất xứ như thế nào và có được Bộ Y tế cấp phép lưu hành?
Theo Tài chính doanh nghiệp