Chỉ trong giai đoạn 2020-2021, Ban Quản lý các dự án (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có có hàng loạt gói thầu “siêu tiết kiệm”, trong đó, chỉ rà soát ngẫu nhiên 18 gói thầu, cũng có thể tìm ra những gói có tỉ lệ tiết kiệm cực thấp, thậm chí ở mức “tượng trưng” 0,17%.
Những gói thầu với tỷ lệ tiết kiệm siêu thấp
Rà soát ngẫu nhiên 18 gói thầu trong giai đoạn 2020-2021, nhận thấy tổng số tiền dự toán là 235.198.848.997 đồng, giá trúng thầu là 233.860.426.671 đồng, tiền tiết kiệm cho ngân sách nhà nước chỉ 1.338.422.326 đồng (tỉ lệ tiết kiệm chỉ 0,57%).
Đơn cử như, theo Quyết định 331/QĐ-QLCDA ngày 04/6/2020, Giám đốc ban Quản lý các dự án Nguyễn Hồng Dương ký phê duyệt cho công ty TNHH Thiết bị và Chuyển giao công nghệ (địa chỉ trụ sở: Tầng 10 tòa nhà đa năng, 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) trúng gói thầu: “Mua sắm thiết bị thí nghiệm cho trường đại học Khoa học Tự nhiên năm 2020” thuộc dự án “Nâng cao năng lực Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ micro và nano”. Gói thầu này có tỉ lệ tiết kiệm 0,71%.
Ngày 29/12/2020, ông Nguyễn Hồng Dương ký phê duyệt Quyết định 1345/QĐ-QLCDA phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: “Mua sắm thiết bị cho các phòng thí nghiệm thuộc Hợp phần Công nghệ nông nghiệp” thuộc dự án “Tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực Hàng không vũ trụ và Nông nghiệp công nghệ cao” cho Liên danh VICTORY - AN HƯNG. Gồm có: Thành viên thứ nhất: Công ty cổ phần Thiết bị Thắng Lợi (mã số thuế: 0100516510; địa chỉ: 6 Hòa Mã, phường Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội) và thành viên thứ hai: Công ty TNHH An Hưng (mã số thuế: 0101035577; địa chỉ: số nhà 34, ngách 91/32 ngõ Trại Cá, đường Trương Định, tổ 69B, phường Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội), với giá 41.196.879.000 đồng. Gói này có giá dự toán là 41.399.380.000 đồng, nên tiết kiệm 202.501.000 đồng (tương đương tỉ lệ tiết kiệm là 0,49%).
Ngày 14/9/2021, Giám đốc Nguyễn Hồng Dương đã ký Quyết định 665/QĐ-QLCDA phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu “Mua sắm trang thiết bị cho Khoa Các khoa học liên ngành và Khoa Quốc tế” thuộc dự án “Tăng cường năng lực hạ tầng trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và giảng dạy cho một số khoa, viện thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội”, cho công ty cổ phần Kỹ thuật và Công nghệ Việt Nam (địa chỉ: Số nhà 44, Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Gói thầu này có mức giá 13.776.000.000 đồng và giá dự toán là 13.799.052.000 đồng. Như vậy, tỉ lệ tiết kiệm cũng chỉ dừng lại ở mức 0,17% (tương đương 23.052.000 đồng).
Theo Quyết định số 698/QĐ-QLCDA ngày 24/9/2021, Giám đốc Nguyễn Hồng Dương đã phê duyệt cho Liên danh Global - TSG, bao gồm: Công ty cổ phần đầu Đầu tư - Thương mại GLOBAL (địa chỉ:Số 15 ngõ 141 Quan Nhân, phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TSG (địa chỉ: Số nhà 17E, tổ 12A, phường Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) trúng gói thầu “Mua sắm thiết bị nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho Trung tâm khảo thí ĐHQGHN năm 2021” với mức giá 17.906.815.500 đồng. So với mức dự toán 17.941.962.700 đồng, thì tỉ lệ tiết kiệm là 0,20% (tương đương với 35.147.200 đồng).
Theo các chuyên gia pháp lý, tỉ lệ tiết kiệm rất thấp sau đấu thầu có thể cho thấy, công tác lập hồ sơ mời thầu, xây dựng giá dự toán và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói thầu này “có vấn đề”.
Nhiều bất cập, kẽ hở để nảy sinh tiêu cực
Trao đổi về những vụ đấu thầu “tượng trưng” tương tự, luật sư Nguyễn Cao Đạt (Giám đốc công ty Luật Nguyên Khang và Cộng sự) cho biết: “Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013: “Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”.
Xem qua kết quả các gói thầu của Ban Quản lý các dự án (Đại học quốc gia Hà Nội), chúng có tỉ lệ tiết kiệm rất thấp, rõ ràng là chưa đạt được mục tiêu là hiệu quả kinh tế trong công tác đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra quá trình lập hồ sơ mời thầu, xây dựng giá dự toán và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói thầu này, để làm rõ nguyên nhân nào mà các gói thầu này kém hiệu quả kinh tế?
Nói về nguyên nhân, vị luật sư cho rằng, quy trình, thủ tục đấu thầu theo Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay vẫn còn những bất cập, kẽ hở, cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm hoạt động đấu thầu, tiêu cực trong đấu thầu.
Đặc biệt, vấn đề thẩm định giá và thẩm định năng lực của nhà thầu còn nhiều bất cập; hình thức “chỉ định thầu” đã bị lợi dụng triệt để trong các gói thầu hàng hóa, do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản, thời gian thực hiện ngắn nên đây là hình thức được áp dụng tương đổi phổ biến, từ đó sinh ra rất nhiều tiêu cực trong quá trình lựa chọn nhà thầu”.
“Để hạn chế và ngăn ngừa các sai phạm trong đấu thầu, cần sửa đổi bổ sung các văn bản luật để việc đấu thầu được công khai, minh bạch trên thông tin đại chúng, vấn đề kiểm tra giám sát chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác đầu thầu, từ đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe những đối tượng manh nha trục lợi trong việc đấu thầu”- luật sư Đạt nhấn mạnh.
Theo luật sư Nguyễn Cao Đạt, Điều 222, Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm. Trường hợp khi ra soát các gói thầu mà phát hiện các cá nhân, tố chức thực hiện đấu thầu “tượng trưng” thì tùy mức độ hành vi và hậu quả mà xử lý theo luật định.