Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cần giảm áp lực thi cử cho học sinh |
Giảm áp lực học tập, đẩy mạnh phân luồng
Sở GDĐT tỉnh Quảng Nam đã hoàn thiện việc lấy ý kiến của 18 UBND huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh về chủ trương chuyển đổi phương án tuyển sinh lớp 10 từ xét tuyển sang thi tuyển từ năm học 2024 - 2025. Theo đó, 100% đơn vị được lấy ý kiến đã đồng ý với phương án tuyển sinh mới này - sau 11 năm tỉnh Quảng Nam sử dụng phương án xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10. Đại diện Sở GDĐT tỉnh Quảng Nam cũng cho biết việc dự định bỏ xét tuyển vào lớp 10 dựa trên kết quả xét học bạ của 4 năm học cấp THCS bởi việc đánh giá, xếp loại học sinh chưa sát với thực chất. Ông Đỗ Quang Khô - Trưởng phòng Khảo thí và Công nghệ thông tin, Sở GDĐT tỉnh Quảng Nam lý giải, từ năm 2017 Nghị quyết của tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 là “có ít nhất 20% học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”. Do đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập cũng giảm, chỉ còn 80%.
Ngược lại với phương thức thi của tỉnh Quảng Nam, trước đó ở mùa tuyển sinh năm 2023 tỉnh Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trên cả nước quyết định không tổ chức thi vào lớp 10 năm học 2023 - 2024 mà tuyển sinh bằng xét kết quả học tập. Các trường THPT tuyển sinh bằng cách xét kết quả rèn luyện, học tập 4 năm học bậc THCS. Tỉnh Đồng Tháp dự kiến tuyển 70% số học sinh tốt nghiệp THCS trong tỉnh vào học lớp 10 các trường THPT công lập. Với những học sinh không trúng tuyển vào lớp 10, sẽ tham gia học nghề hoặc học chương trình giáo dục thường xuyên tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường THPT có tổ chức dạy học theo chương trình giáo dục thường xuyên. Riêng các lớp chuyên, Sở GDĐT tỉnh Đồng Tháp vẫn tổ chức thi tuyển các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và môn chuyên.
Sau tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long là địa phương thứ 2 trên cả nước quyết định không tổ chức thi vào lớp 10 năm học 2023 - 2024 mà tuyển sinh bằng xét kết quả học tập (xét tuyển học bạ THCS). Điểm xét tuyển bao gồm điểm hạnh kiểm và học lực. Đại diện Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Long phân tích, phương thức xét tuyển có nhiều ưu điểm: Đơn giản, công khai, minh bạch và mang tính ổn định, đánh giá đúng quá trình 4 năm học THCS của các em. Điều này cũng tạo điều kiện để định hướng các em có thái độ, tinh thần học tập tốt hơn, giảm áp lực thi cử cho học sinh. Các em có thể tự tính được điểm xét tuyển của mình để đăng ký vào các trường phù hợp và cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn.
Hà Nội và TPHCM chưa thể bỏ thi tuyển vào lớp 10
Mùa tuyển sinh vừa qua, giữa lúc dư luận nóng về việc căng thẳng thi vào lớp 10 ở Hà Nội; cùng đó những thông tin một số tỉnh thành chỉ xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu Hà Nội, TPHCM có thể áp dụng cách làm này không?
Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cho hay, chưa thể và chưa tính đến việc bỏ thi tuyển vào lớp 10 THPT. Không thể so sánh Hà Nội với các địa phương khác vì mức độ cạnh tranh vào lớp 10 ở Thủ đô rất căng thẳng. Cụ thể, hàng năm, khoảng 60% số học sinh có cơ hội trúng tuyển vào lớp 10 công lập, 40% còn lại phải học ở các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên... Do đó, việc thi vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội, đặc biệt những trường top đầu những năm gần đây được đánh giá khốc liệt hơn thi vào đại học.
Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2018, Hà Nội từng áp dụng xét học bạ và cộng điểm ưu tiên, nhưng nảy sinh nhiều tiêu cực như “làm đẹp” học bạ; tỷ lệ học sinh giỏi ở cấp THCS tăng cao. Do đó, phương án thi vào lớp 10 vẫn tối ưu và được áp dụng ổn định trong vài năm tới.
Theo dự tính, quy mô tuyển sinh lớp 10 công lập những năm sau đều tăng. Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, dựa trên cơ sở dữ liệu ngành, dự báo trong 3 năm tới, số lượng học sinh lớp 9 trên địa bàn dự thi tốt nghiệp THPT tăng khoảng 29 nghìn học sinh, tương đương khoảng 722 lớp.
Đáng lưu ý, thời gian qua, hầu hết các trường THPT ngoài công lập Hà Nội đều xét tuyển học bạ để tuyển sinh lớp 10.
Tại TPHCM, ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GDĐT thành phố khẳng định, thi vào lớp 10 là phương án tốt nhất với bối cảnh của TPHCM hiện nay: Dân số tăng nhanh, số chỗ học trong trường THPT công lập còn hạn chế. Thi vào lớp 10 sẽ tạo sự công bằng, khách quan, học sinh được chọn trường phù hợp với năng lực, nguyện vọng của bản thân. Trước đó, từ năm 2008 - 2012, TPHCM từng thực hiện xét tuyển vào lớp 10 công lập. Tuy nhiên, giai đoạn này ghi nhận nhiều học sinh lớp 10, 11 nghỉ, bỏ học do không theo kịp chương trình THPT. Lãnh đạo các trường THPT cho rằng việc xét tuyển vào lớp 10 làm giảm động lực học tập của học sinh, các em không cần cố gắng vẫn được vào học lớp 10 công lập khiến chất lượng đầu vào ngày càng giảm sút.
Hiện 44/63 tỉnh, thành phố tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập. 11 tỉnh kết hợp thi tuyển với xét tuyển là: An Giang, Bình Định, Khánh Hòa, Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Tây Ninh, Thừa Thiên-Huế, Trà Vinh. 8 tỉnh còn lại, gồm: Quảng Nam, Cà Mau, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Gia Lai và Lâm Đồng chỉ xét tuyển.
Theo Đại Đoàn Kết