Theo báo cáo, toàn Hà Nội hiện có 45,8 nghìn giáo viên, nhân viên các cấp bậc làm việc ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Trong số đó, số giáo viên, nhân viên làm việc ở các nhóm trẻ mầm non không được hỗ trợ lương nhiều nhất (16.000 người); khoảng 14.000 giáo viên, nhân viên được hỗ trợ dưới 50% lương.
Cụ thể, ở bậc mầm non chỉ có 83 trường hỗ trợ 100% lương cho giáo viên, nhân viên và 120 cơ sở mầm non chỉ hỗ trợ 50% lương; 113 trường chỉ hỗ trợ một phần lương, thậm chí 42 cơ sở giáo dục mầm non không hỗ trợ mức lương nào cho giáo viên.
|
Trường đóng cửa, học sinh phải học online mùa dịch. Ảnh: Việt Hùng. |
Ở bậc tiểu học chỉ có 13 trường hỗ trợ 100% lương cho giáo viên, nhân viên; 7 trường hỗ trợ 50% lương; 25 trường hỗ trợ một phần lương và có 1 trường không hỗ trợ lương cho giáo viên, nhân viên.
Ở cấp THCS, có 4 trường hỗ trợ 50% mức lương; 12 trường chỉ hỗ trợ một phần lương cho giáo viên. Cấp này không có trường học nào không hỗ trợ lương cho giáo viên.
Ở bậc THPT, có 20 trường hỗ trợ 100% lương cho giáo viên với 894 người; 26 trường chi trả 50% lương với 1.142 người; 51 trường chỉ hỗ trợ một phần lương cho hơn 2.000 giáo viên, và có tới 8 trường không chi trả lương.
Sở GD&ĐT đề nghị UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ tiền lương cơ bản hoặc có hình thức trợ cấp tiền lương cơ bản cho giáo viên, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, phải đi thuê nhà, có con nhỏ...
Đồng thời, miễn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý 1 và 2 năm 2020.
Sở cũng đề xuất cần có cơ chế để các cơ sở giáo dục ngoài công lập được vay vốn lãi suất 0% để duy trì hoạt động thường xuyên như chi trả tiền lương, tiền thuê mặt bằng, điện, nước và nhiều chi phí vận hành khác.
Theo Zing.vn