Hà Nội, Thứ Ba Ngày 30/04/2024

Hơn 90% nguồn tạng hiến vẫn từ người cho sống, cần mở rộng mạng lưới vận động hiến tặng mô, tạng

TDVN 08:29 10/04/2024

Hiến xác, hiến tạng cho y tế để cứu giúp người bệnh là một việc làm vô cùng cao đẹp. Với thông điệp đầy yêu thương trong cuộc sống: “Cho đi là còn mãi…”,

Sau hơn 30 năm triển khai ghép tạng, Việt Nam đã ghép được đầy đủ tạng mà thế giới đã ghép được. Tuy nhiên, nguồn hiến tạng từ người cho chết não còn rất thấp, hơn 90% nguồn tạng hiến vẫn là từ người cho sống.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh thông tin này tại buổi họp báo chia sẻ về công tác điều phối đa tạng của bệnh nhân chết não từ bệnh viện tuyến tỉnh do Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia tổ chức chiều nay - 8/4 tại Bệnh viện Việt Đức.

14 năm Việt Nam chỉ có 154 người chết não hiến tạng

Mới đây Sức khỏe & Đời sống đã thông tin, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uống Bí (Quảng Ninh) là bệnh viện tỉnh chưa ghép tạng đầu tiên thực hiện chẩn đoán và hồi sức chết não hiến mô tạng từ bệnh nhân chết não.

Bệnh nhân sinh năm 1988, bị chấn thương sọ não rất nặng sau tai nạn giao thông nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. Sau khi được chẩn đoán chết não, gia đình đã đồng ý hiến mô tạng. Các tạng được hiến bao gồm tim, gan, 2 thận và 2 giác mạc.

Trung tâm đã điều phối ghép tạng cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Trong đó, 3 bệnh nhân là trẻ em.

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, thành công của ca hiến có hai đặc điểm lớn. Một là, bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí là bệnh viện đầu tiên chưa ghép tạng thực hiện chẩn đoán chết não, hồi sức chết não. Hai là, lần đầu tiên chia tách gan người hiến chết não thành công để ghép cho hai người (1 trẻ em, 1 người lớn), tạo nên cột mốc mới cho công tác ghép gan tại Việt Nam.

"Đây là cột mốc quan trọng trong việc xây dựng nòng cốt, hình thành và mở rộng mạng lưới hiến tạng trong toàn quốc mà trong thời gian qua Trung tâm đã nỗ lực xây dựng" - PGS.TS Đồng Văn Hệ nói và thông tin: Sau khi đưa vào thí điểm xây dựng mạng lưới 16 bệnh viện vận động hiến tặng mô, tạng, Trung tâm đã hỗ trợ 4 bệnh viện triển khai thành công chẩn đoán chết não, hồi sức và hiến mô tạng.

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là cơ sở y tế đầu tiên chưa ghép tạng thực hiện thành công chẩn đoán chết não và hồi sức chết não vào ngày 19/9/2022. Thành công này tiếp theo được ghi dấu ấn tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An vào tháng 9/2023.

Hơn 90% nguồn tạng hiến vẫn từ người cho sống, cần mở rộng mạng lưới vận động hiến tặng mô, tạng- Ảnh 2.

Gần 120 y bác sĩ tuyến tỉnh xuyên đêm lấy tạng từ người cho chết não (Ảnh: BVCC).

Ông Hệ nhấn mạnh: Một trong những điều quan trọng để phát triển mạng lưới bệnh viện là cần chính sách cho hoạt động vận động hiến mô tạng. Lãnh đạo các bệnh viện cần tạo điều kiện, hỗ trợ các tư vấn viên hoạt động. Đây là điều quan trọng và cần thiết để thúc đẩy nguồn hiến mô, tạng trong thời gian tới.

Đồng thời ông Hệ cũng cho hay với quy trình chẩn đoán chết não chặt chẽ hiện nay, hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh đã có thể chẩn đoán chết não. Bên cạnh đó, trong trường hợp bệnh viện chưa triển khai được thì trung tâm, các bệnh viện lớn có thể tăng cường hỗ trợ, đào tạo tại chỗ.

Tại các bệnh viện tỉnh không thực hiện ghép, họ chỉ chẩn đoán chết não và tư vấn hiến tạng. Bởi vậy, cần có chế độ hỗ trợ cho việc tư vấn người hiến tạng chết não. Chỉ khi người thân đồng ý hiến tạng thì mới có nguồn tạng hiến cứu sống người bệnh.

"Việc chẩn đoán chết não không phải là khó khăn khiến nguồn tạng hiến từ người chết não không tăng trong 10 năm qua mà khó khăn nhất hiện nay là tư vấn người hiến tạng. 14 năm qua, Việt Nam chỉ có 154 trường hợp hiến tạng, trung bình mỗi năm khoảng 10-11 người chết não hiến tạng, trong khi một quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan chỉ trong 1 năm đã có hơn 200 người chết não hiến tạng và họ chỉ có 60 triệu dân"- ông Hệ nói.

Cần có mạng lưới tư vấn từ tuyến cơ sở, mỗi bác sĩ là một tình nguyện viên vận động hiến tạng

Ông Dương Đức Hùng, giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho rằng cần có mạng lưới tư vấn hiến tạng từ tuyến cơ sở, mỗi bác sĩ là một tình nguyện viên vận động hiến tạng.

Ông Hùng nêu lên thực tế khi người thân gặp nạn, người nhà rất hoang mang và mong chờ sự nỗ lực của các y bác sĩ để cứu sống người bệnh. "Vì vậy, khi người bệnh chết não, y bác sĩ phải là người cùng người của trung tâm vận động tư vấn hiến tạng. Bởi y bác sĩ là người từng ngày gắn bó với người bệnh và người nhà người bệnh. Người nhà sẽ tin tưởng bác sĩ, vận động sẽ hiệu quả hơn.

Người vận động phải là người ý thức được việc vận động hiến tạng sẽ giúp được nhiều người khác. Lúc này, sự vận động mới có ý nghĩa thật sự" - ông Hùng bày tỏ.

Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cũng nhấn mạnh, tại các bệnh viện tỉnh không thực hiện ghép, họ chỉ chẩn đoán chết não và tư vấn hiến tạng. Bởi vậy, cần có chế độ hỗ trợ cho việc tư vấn người hiến tạng chết não. Chỉ khi người thân đồng ý hiến tạng thì mới có nguồn tạng hiến cứu sống người bệnh.

Ở Việt Nam, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim..., những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tặng thời gian qua đã mở ra một hướng đi đúng đắn, đem lại lợi ích và ý nghĩa cho xã hội. Tuy nhiên, với những đặc thù về văn hóa, truyền thống nên nguồn tạng được hiến từ người chết não ở Việt Nam còn thấp so với thế giới. Để tăng nguồn tạng hiến từ người chết não, trong năm 2023, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã tích cực phối hợp với các bệnh viện trên cả nước để đào tạo nghiệp vụ, kiến thức và kinh nghiệm cho đội ngũ nhân viên tư vấn tại bệnh viện. Bước đầu đã mang lại những dấu hiệu tích cực.

Bạn đang đọc bài viết Hơn 90% nguồn tạng hiến vẫn từ người cho sống, cần mở rộng mạng lưới vận động hiến tặng mô, tạng tại chuyên mục Trường học, bệnh viện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Trường học, bệnh viện