6/8/2022, Công ty cổ phần Phú Thành làm lễ kỉ niệm 25 năm thành lập. Hồ Hoàng Hải – ông chủ tịch của mái hiên di động và ảnh kĩ thuật số vẫn cứ hay nhắc về cái biệt danh “Hải trứng thối”, nhắc về mát mỳ vằn thắn thơm phức, và về 2 lần trắng tay trong sự nghiệp kinh doanh của mình. Phú Thành là kết quả của 25 năm mà doanh nhân này không ngừng phấn đấu, trong đó có cả những lần trắng tay làm lại từ đầu.
“Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vừa được ký ngay trước thềm thành lập Phú Thành, vinh dự lớn lao này tôi xin được dành tặng cho tất cả cán bộ công nhân viên Phú Thành - Những con người đang miệt mài ngày đêm cống hiến công sức và trí tuệ cho công ty, những người đã và đang sát cánh cùng tôi suốt nhiều năm qua trên con đường xây dựng, phát triển công ty và chinh phục khách hàng. Có những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho Phú Thành. Có những người làm việc cho Phú Thành suốt hơn 20 năm kể từ ngày ra trường tới giờ chưa từng làm việc ở nơi đâu khác...”, doanh nhân Hồ Hoàng Hải vẫn luôn là như thế, anh dành sự tôn vinh, lời cảm ơn chân thành đến những cộng sự, những người mà anh coi như gia đình.
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Công ty cổ phần Phú Thành |
Tháng lương đầu tiên trong đời, để ăn một bát mỳ vằn thắn
“Này, những đêm mà cả triệu người vui, dân tình đổ ầm ầm ra đường ăn mừng hò hét, thì những kĩ sư, cán bộ, kĩ thuật viên, là Phú Thành chúng tôi điều khiển để thắp sáng hàng trăm tòa nhà khắp Việt Nam đấy. Chúng tôi là những người “nhấn nút” đưa hình ảnh HLV Park Hang seo tạo thành bởi ánh sáng đèn led lên 400 tòa nhà đấy, vào những đêm ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup hay ĐT U23 vô địch SEA Games”, Hồ Hoàng Hải tự hào khoe điều thú vị mà anh và Phú Thành làm được. Việc thắp sáng hàng trăm tòa cao ốc, tạo ra những thứ ánh sáng lung linh ảo diệu đó, là kết tinh lại của 25 năm ra đời và phát triển của Phú Thành. Và Phú Thành, thì là công sức của người doanh nhân đã bắt đầu “khởi nghiệp” từ những lúc học tiểu học, với công việc đầu tiên là bán trứng ở chợ.
Hồ Hoàng Hải bắt đầu kinh doanh bằng việc phụ giúp gia đình bán trứng ở chợ |
Hồ Hoàng Hải – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phú Thành không bao giờ giấu tuổi thơ nghèo khó của mình. Nghèo là hèn, mà nghèo nên ý nghĩ phải kiếm tiền lúc nào cũng thường trực trong đầu, Hoàng Hải khẳng định như vậy: “Cha tôi người gốc Nghệ An rồi chuyển ra Hà Nội sinh sống. Cha mẹ tôi đều là giáo viên, nhưng thời ấy thì lương giáo viên để nuôi một gia đình với 3 đứa con thì chật vật lắm. Hết giờ dạy, mẹ tôi ra chợ bán trứng, lúc nào mẹ tôi cũng đội lụp xụp chiếc nón vì sợ người quen và học sinh nhận ra. Tôi bắt đầu làm việc và kiếm những đồng tiền đầu tiên vào khoảng năm lớp 5, lớp 6, cứ tan học là chạy ngay ra chợ với cái mẹt trứng gà, trứng vịt. Bọn bạn về sau, sợ chúng nó thấy mình như vậy, tôi cứ phải tránh đi cho đến lúc chúng nó đi qua mới dám ra bán tiếp. Tôi bị đặt cái biệt danh mà mình không hề thích, rất ngại là “Hải trứng thối”, cái biệt danh ấy gắn với tôi mãi cho đến hết những năm cấp 2”.
“Bán trứng ở chợ, tôi hay nhìn sang một hàng mỳ vằn thắn. Cái nước mỳ, bốc lên rất thơm, nhất là vào những lúc mình rất đói thì cái mùi thơm ấy lại càng như ngào ngạt hơn, nhưng nào có tiền để ăn. Rồi đến năm lớp 11, nhờ học tốt tiếng Anh, tôi đi dẫn tour du lịch rồi kiếm được tháng lương đầu tiên, không nhiều đâu nhưng gọi là có tiền. Việc đầu tiên tôi làm khi có tháng lương đầu tiên ấy, là bước vào hàng mỳ, gọi một bát rồi đánh chén, thơm ngon đến giọt cuối cùng”, Hồ Hoàng Hải đã bươm trải, đã “ra thị trường, ra cuộc đời” theo đúng nghĩa từ những ngày học sinh ấy.
Bởi nghèo, bởi khó khăn, nên dù học rất giỏi, rất ham học, chút nữa thì chàng trai chưa đầy 18 ngày ấy đã đứt gánh học hành: “Bố tôi người Nghệ An, nên ông rất chăm chỉ, chịu khó, nhưng cũng rất thực tế. Năm lớp 11, tôi đoạt giải 3 tiếng Anh toàn thành phố, nhưng bố tôi yêu cầu tôi...nghỉ học. Bố tôi bảo, nhà nghèo, có vào được đại học cũng không đảm bảo được theo học đâu, mà không vào đại học thì còn học cấp 3 làm gì nữa.
Bố tôi mua lại được chiếc xe tải thanh lý, nó rất to, và cũ. Bố tôi yêu cầu tôi nghỉ học, đi học lái xe để đi làm phụ bố. May mà mẹ tôi đã không đồng ý để tôi bỏ học. Vậy là tôi vừa đi học phổ thông, vừa học thêm tiếng Anh kiểu học chui, đóng học phí 1 ca thì trốn lại lớp học để được học liền 2 ca, vừa học lái xe. Hết cấp 3, bạn bè thi vào vào đại học, còn tôi thì không thi mà đi làm, 18 tuổi – vần vô lăng nặng chịch của cái xe to tướng”.
Hoàng Hải kể, anh khao khát kiếm tiền thoát nghèo, nhưng cũng thấy sẽ rất nhục nếu học hành thua kém. Những ngày đi làm lái xe, anh cứ luôn khao khát giảng đường đại học, và xin một người bạn cho đi học thay, học ké vài buổi để “biết cái đại học nó như thế nào”. Rồi đến khi công việc ổn định dần, kiếm được tiền, anh đã thi tại chức, đỗ vào Đại học sư phạm Ngoại ngữ để học. Sau đó, Hồ Hoàng Hải còn thi tiếp, học tập và hoàn thành thạc sĩ quản trị kinh doanh.
Đời thay đổi nhờ một chuyến tàu
Nhắc đến cái tên Phú Thành, người ta sẽ nghĩ ngay đến “mái hiên di động Phú Thành”. Tiếp sau đó, những người thuộc thế hệ 7x,8x thì sẽ nhớ đến ảnh kĩ thuật số Phú Thành – Phú Thành Digital. Cái mái hiên di động khung nhôm chữ Z, co gọn lại được khi “quay quay” bằng tay, rồi sau đó đến những tấm ảnh “lồng ghép trong khung bằng Photoshop”, đều là những sản phẩm của Phú Thành.
Nếu cứ mãi là cái anh tài xe tải, Hoàng Hải sẽ chỉ đủ sống, trang trải cuộc sống trước mắt. Cái mong muốn kiếm tiền, làm giàu, khởi nghiệp kinh doanh vẫn cứ luẩn quẩn trong đầu chàng trai trẻ sau những cú vần vô lăng nặng trịch cái xe tải đến mướt mồ hôi. Hải vẫn tin, rồi một cơ hội nào đó sẽ đến.
Và rồi, cơ hội đã đến, sau một chuyến tàu...
“Năm ấy tôi vừa ra trường, thì được bà cô làm bên ngành đường sắt tặng cho tấm vé tàu vào Nam, mỗi năm người làm ngành này sẽ được đôi vé và không được bán. Với tôi ngày ấy thì được đặt chân đến Sài Gòn khác nào đi nước ngoài đâu. Một lần, đang đi trên đường, thì tôi thấy một cô trung niên đang quay quay một dụng cụ, quan sát thì thấy nhờ dụng cụ đó, tấm bạt che trước mái hiên có thể co gọn lại. Cái này lần đầu mình thấy luôn. Tôi liền hỏi, cô ấy nói cái này là mái hiên di dộng. Mái hiên, lại di động được, miền Bắc mình thời ấy chưa hề có sản phẩm này.
Tôi dò hỏi tiếp nơi cung cấp sản phẩm, tìm đến tận nơi, và quyết định ở lại xin học nghề lắp ráp. Một tháng trời, tôi làm thợ học việc, ngồi xích lô đi lắp ráp sản phẩm. Sau đó, tôi xin hợp tác để đưa sản phẩm này ra bán tại thị trường Hà Nội. Các bạn hẳn còn nhớ thời ấy có cái nghị định 36 CP – mọi người hay đọc là 36 CP đường thông hè thoáng, xử lý lấn chiếm lòng lề đường, mái che mái vẩy, lều bạt cản trở giao thông. Tôi nghĩ, cơ hội của mình nằm ở đây....”, có start-up đầu đời của Hồ Hoàng Hải bắt đầu từ chuyến tàu như vậy.
Thành công với mái hiên di động, rồi trắng tay với ảnh kĩ thuật số |
Mọi sự đã chẳng hề đơn giản, nhưng thành công bắt đầu đến, và Phú Thành chính thức ra đời: “Rồi, quyết định khởi nghiệp, thực sự là khi đó mình chỉ có đôi bàn tay trắng, với quyết tâm của tuổi trẻ. Vừa làm chủ, vừa làm thợ, tôi với người thợ đầu tiên đi thực hiện công trình đầu tiên. Lúc từ Sài Gòn ra, mình đã nghĩ nắm chắc kĩ thuật rồi, nhưng hai anh em hì hụi lắp cả buổi chiều, mà cái mái hiên nó bật ra được, nhưng không kéo vào được, sau rồi mới thấy mình đã lắp sai. Hợp đồng đầu tiên bán được, thu về 500 nghìn đồng, trừ chi phí thì chỉ có lãi ở cái công sức, nhưng mà ngọt ngào quá.
Thời ấy thì không có công nghệ như bây giờ, tôi chụp ảnh sản phẩm lại, in tờ rơi, rồi cứ thế đi đến từng nhà tiếp thị bằng mồm, nói đến khô cả họng, để họ hiểu là cái mái hiên di động này mang lại công dụng gì. Sản phẩm thứ 2, thứ 3 bắt đầu bán được, tôi in số điện thoại liên hệ lên bạt, cứ ai gọi là đến và lắp. Thị trường bắt đầu chấp nhận sản phẩm, đơn hàng cứ thế nhiều lên, mở rộng ra nhiều tỉnh thành... Năm 1997, Công ty Phú Thành chính thức ra đời, khi đó tôi 21 tuổi”.
Mái hiên di động Phú Thành – sản phẩm mái hiên do người Việt sản xuất chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường khi đó”. Cứ chỗ nào ngã tư to đẹp nhất thì Hồ Hoàng Hải giảm giá hoặc lắp miễn phí mái hiên di động, nhưng cho in số điện thoại liên hệ to nhất, dễ thấy nhất. Lúc sắp cạn vốn, vị doanh nhân trẻ còn liều lĩnh thực hiện cả quảng cáo trên đài truyền hình.
Khởi nghiệp thành công rồi trắng tay
Ở câu chuyện khởi nghiệp của Hồ Hoàng Hải, người ta thấy sự tình cờ rất nhiều, nhưng phía sau sự tình cờ cứ như là may mắn đó, là sự quan sát, là sự sẵn sàng dấn thân, là sự chăm chỉ, chịu khó của anh. Sản phẩm thứ 2, thương hiệu thứ 2 cũng cứ như một sự tình cờ. Hồ Hoàng Hải đúc kết kinh nghiệm rằng cứ cung cấp cái gì mà đánh đúng vào nhu cầu của khách hàng là thắng, nhưng “kinh doanh luôn có cơ hội, một sản phẩm chỉ lên đến đỉnh ở một thời điểm nào đó, rồi sau thì có khi chẳng ai cần nữa. Điều này rất đúng với ảnh kĩ thuật số, với Phú Thành Digital.
“Khi mà mái hiên di động bán cực tốt, thì tôi cũng đã biết rằng ngày mà thị trường bão hòa, nhu cầu giảm xuống chẳng mấy mà đến. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước ngoài, trước tiên là các nước Đông Nam Á. Năm 1999, tôi đi sang Thái Lan với mục đích khảo sát thị trường, để bán mái hiên di động sang đó. Trong một lần vào một trung tâm thương mại, tôi mới thấy người ta chụp ảnh ở một cái máy. Tấm ảnh được in ra luôn, lồng ghép trong khung, có chèn những hình ảnh vui nhộn. Tôi lại dừng lại xem, dùng thử, và tìm kiếm luôn đơn vị cung cấp để học hỏi.
Những năm đó, ảnh kĩ thuật số ở ta còn chưa có, chứ không như bây giờ, ai cũng có điện thoại di động, ai còn chụp ảnh, in ảnh kiểu đó nữa. Phú Thành Digital - ảnh kĩ thuật số Phú Thành ra đời, hoàn toàn mới mẻ, đánh đúng nhu cầu thị trường, và lập tức bùng phát. Lúc mới mở, khách hàng đua nhau đi chụp ảnh, chúng tôi hoạt động hết công xuất cũng không đáp ứng nổi. Tôi liên tục mở thêm các cửa hàng, tuyển thêm nhân sự, hệ thống được mở rộng phải nói là kinh khủng khiếp.
Tối ưu hóa lợi nhuận là điều tôi nghĩ đến duy nhất ở thời điểm đó, lúc đó mình quá “hăng máu”, mở rộng kinh doanh bằng vốn vay ngân hàng, và đã không kiểm soát tốt được hoạt động của hệ thống đó. Ảnh kĩ thuật số đạt đỉnh rất nhanh, rồi lao dốc cũng rất nhanh sau đó, khi công nghệ ảnh thay đổi, phổ biến hơn, ai cũng tiếp cận được, ai cũng có trong tay. Doanh thu tất cả các cửa hàng của Phú Thành Digital tụt giảm nghiêm trọng, thua lỗ đến từ việc chất lượng giảm sút, hệ thống bung bét hết cả.
Một ngày, ngồi một mình trong văn phòng, bất lực mà không có cách giải quyết, tôi bỏ về, đến đón con ở lớp mẫu giáo, thì gặp vợ tôi, cũng đang ở đó. Hai vợ chồng nhìn nhau, và khóc. Lúc này, tôi trắng tay, trắng tay thực sự, và đi đến quyết định dừng hoạt động toàn bộ hệ thống này. Một quyết định đau lòng, một bài học kinh doanh đầu đời đắt giá...”
Làm lại, trở thành đơn vị chiếu sáng nghệ thuật hàng đầu Việt Nam
“Từ không biết gì, khi làm, thì cái gì tôi cũng biết. Không có chuyên môn cơ khí, nhưng khi làm mái hiên di động, tôi như một người thợ, như một kĩ sư. Khi làm ảnh kĩ thuật số, thì trình độ Photoshop của tôi đỉnh cao đấy, tôi còn dạy cho thợ của mình mà. Cái này cũng là cái không hay của tôi, mà sau này tôi mới nhận ra, rằng người đứng đầu thì không nên cái gì cũng động tay vào mà làm, mà phải là người nghĩ ra những cái lớn, dài hơi, mang tính chiến lược nhiều hơn. Nhưng quá trình lên đỉnh rồi thất bại cho tôi thấy rằng mình ban đầu đã chẳng có gì, mà mình làm được, thì có gì mà phải sợ hãi thất bại.
2002, cùng với các cộng sự tại Phú Thành, chúng tôi cùng nghiên cứu ra sản phẩm bảng điện tử led công nghệ cao. Như cầu mái hiên giảm đi, và lại một sản phẩm nữa, chúng tôi đón bắt, đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Lại bán ầm ầm, lại sản xuất không đủ để bán, lại...sướng rồi. Nhưng lần này, rút kinh nghiệm từ thất bại, tôi đã học thêm nhiều về quản trị. Tất cả mọi công đoạn, chiến lược cho sản phẩm, tôi đã có sự tính toán kĩ lưỡng hơn, triển khai chắc chắn hơn. Đáp ứng nhu cầu khách hàng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, trong kinh doanh, có một cái mà mình không thể để mất, không bao giờ được phép sút giảm mà phải xây ngày càng chắc lên, đó là uy tín. Cũng chẳng dễ dàng gì khi bắt đầu lại từ đầu, lại phải làm lại tất cả, với những khách hàng đầu tiên, những sản phẩm đầu tiên, hợp đồng đầu tiên. Nhưng cái thất bại nào cũng có giá của nó cả, giờ thì với tinh thần cũ là chiến đấu thôi, chẳng phải sợ, nhưng cách “đánh” là phải chắc thắng, để không lặp lại sai lầm nữa”.
Với Hồ Hoàng Hải, ngay khi sản phẩm sắp lên đỉnh cao nhất, thì anh đã tính đến một ngày nhu cầu thị trường sẽ giảm đi. Nhiều người biết về anh, luôn nói rằng “cái ông này cứ luôn bán những thứ thị trường cần mà chưa ai bán cả, và cứ một mình ông bán”. Từ những bảng led quảng cáo nhỏ, thì Phú Thành lại tiên phong bán “bảng led cho cả tòa nhà”. Nếu như hợp đồng đầu tiên của mái hiên di động là 1 quán cafe góc Bờ Hồ do chính tay anh Hải đi lắp, thì hợp đồng chiếu sáng led lớn đầu tiên cũng ngay gần đó, là công trình nhà hàng Thủy Tạ. Công trình được thực hiện vào năm 2010, đúng dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
25 năm kể từ ngày Phú Thành ra đời, có thể nói là không ai chưa từng nhìn thấy, chưa từng một lần sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp này, dù chưa chắc đã biết “cái này là của Phú Thành”. Từ cái mái hiên di động quay bằng tay, đến những tấm bảng led, và giờ là những công trình chiếu sáng, hình ảnh Cờ Tổ quốc trên những tòa nhà cao ốc. Phú Thành có 25 năm phát triển, sản phẩm của Phú Thành cứ luôn đồng hành cùng sự phát triển của Đất nước, sự vận động của nền kinh tế. Phú Thành ngày ra đời là sản phẩm cho những tiểu thương nhỏ, thì giờ đây mang sứ mệnh làm rực rỡ những công trình xây dựng. Tất cả những doanh nghiệp bất động sản lớn ở Việt Nam hiện tại đều là khách hàng của Phú Thành.
Ra đời năm 1997, Công ty Cổ phần Phú Thành (Phu Thanh Join- Stock Company) với Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hồ Hoàng Hải hiện có gần 200 cán bộ công nhân viên, hơn 1000 đối tác khách hàng trên cả nước, doanh thu vài trăm tỉ đồng mỗi năm. “Một mình một chợ”, tất cả những công trình chiếu sáng trên các tòa cao ốc, các cây cầu, các công trình đô thì lớn, thì là của “cái ông Phú Thành”.
Công ty cổ phần Phú Thành hiện là doanh nghiệp chiếu sáng nghệ thuật hàng đầu Việt Nam |
“Tôi giống cha tôi, một người vô cùng chăm chỉ. Trong mọi chia sẻ, tôi luôn nói kinh doanh là để làm gì, là để làm giàu, là để kiếm tiền. Cứ nhìn thấy hợp đồng, nhìn thấy ra tiền, là tôi đi ngay, làm ngay. Đang đêm nhận được tin nhắn một cuộc hẹn vào sáng hôm sau, là nửa đêm tôi dậy lên đường đi luôn, sáng hôm sau gặp sớm, kí hợp đồng ngay, và ngay khi có chữ kí trên hợp đồng là tôi triển khai làm luôn. Vợ tôi lắm lúc còn phải kêu rằng em không cần anh làm việc nữa, anh cứ lao đầu vào làm gì...”, Hồ Hoàng Hải cho biết.
Hồ Hoàng Hải - một tay chơi guitar trong ban nhạc rock |
Về khoản nịnh vợ, ông "Hải Phú Thành" này cũng chẳng kém ai, cũng là 1 cao thủ |
Làm như thế, nhưng nói về chơi, gạt phần kiếm tiền qua hẳn một bên, thì cái ông “Hải Phú Thành” này “chơi” thực sự ác liệt. Ngoài chơi piano, anh còn chơi guitar điện, tham gia biểu diễn trong một ban nhạc đắt show. “Bạn tin không, thực ra là tôi chẳng biết một nốt nhạc nào cả. Tôi chơi nhạc bằng cách luyện tay theo các phím đàn, và vì vậy phải luyện chăm chỉ gấp nhiều lần những người khác để chơi cùng ban nhạc. Tôi chơi vì đam mê thôi”.
Ai biết về anh, thì đều khẳng định “gã này cực yêu vợ”, bằng chứng của sự yêu vợ này là sản phẩm, với liền tù tì 4 cậu nhóc. Còn nếu nói về thơ để nịnh vợ, Hồ Hoàng Hải có thể xuất bản riêng một tập thơ, chẳng kém ông thi sĩ nào trên cõi đời này.
Trần Thái/VietQ