Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

FLC sau 2 năm tái cấu trúc: Đã cắt giảm 60% nhân sự, trả 4.400 tỷ đồng nợ vay

TDVN 11:31 21/02/2024

Sau quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ trong hai năm 2022-2023, số lượng nhân sự của FLC đã giảm tới 60%, tổng giá trị tài sản hiện hữu cũng giảm còn hơn 21.000 tỷ đồng.

flc.jpg
Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 của FLC

Ngày 20/2, Tập đoàn FLC tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024 với sự tham dự của 103 cổ đông, chiếm hơn 33,721% số cổ phần có quyền biểu quyết.

ĐHĐCĐ đã thông qua việc miễn nhiệm và bầu bổ sung các thành viên hội đồng quản trị (HĐQT). Cụ thể, bầu ông Lê Tiến Dũng và ông Ngô Đặng Hoàng Anh làm thành viên HĐQT thay thế các thành viên cũ đã từ nhiệm. Cả hai thành viên HĐQT mới đều là những nhân sự cấp cao tại những đơn vị công tác trước đây và được đánh giá là phù hợp với định hướng kinh doanh, tái cấu trúc của FLC trong thời gian tới.

Như vậy, HĐQT mới của FLC sẽ có 5 thành viên bao gồm ông Lê Bá Nguyên, Chủ tịch HĐQT, bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó Chủ tịch thường trực, bà Trần Thị Hương và các thành viên là ông Lê Tiến Dũng và ông Ngô Đặng Hoàng Anh.

hdqt-9104.jpegCác thành viên HĐQT và Ban kiểm soát của FLC nhiệm kỳ 2021-2026

Đồng thời, tại đại hội, cổ đông đã thông qua thay đổi địa chỉ trụ sở công ty từ tầng 29, Tòa nhà Bamboo Airways, số 265, đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội về tầng 5, Tòa nhà FLC Landmark Tower, đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.

Việc thay đổi địa chỉ trụ sở chính cũng là một hoạt động nằm trong kế hoạch tái cơ cấu toàn diện tập đoàn nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh, tiết giảm tối đa chi phí vận hành để tập trung nguồn lực cho các hoạt động đầu tư kinh doanh trong năm 2024.

Quy mô tài sản giảm còn 21.000 tỷ đồng

Tại hội, chia sẻ với cổ đông, lãnh đạo FLC cho biết, hai năm 2022-2023 là giai đoạn vô cùng gian nan, thách thức đối với tập đoàn khi phải trải qua rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin cũng như các vấn đề phát sinh có liên quan đến vụ việc của các nguyên lãnh đạo cấp cao.

Tổng giá trị tài sản hiện hữu ước tính đạt hơn 21.000 tỷ đồng, giảm khoảng 42% so với thời điểm cuối quý III/2022 là 36.216 tỷ (FLC mới công bố báo cáo tài chính tới quý III/2022).

Tập đoàn đã và đang tiếp cận nghiên cứu nhiều dự án, trải dài trên 20/63 tỉnh thành khắp cả nước, trong đó tập trung triển khai một số dự án trọng điểm. Tập đoàn đã thực hiện nộp ngân sách nhà nước khoảng 800 tỷ đồng, thực hiện nghĩa vụ nợ vay khoảng 4.400 tỷ đồng.

Sau quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ, định biên nhân sự điều chỉnh giảm 60% nhân sự cơ hữu. Tập đoàn đã tiến hành sáp nhập 50% phòng ban, thành lập mới Ban Kinh doanh và chiến lược, Phòng Công nghệ thông tin.

Hệ thống công ty thành viên, công ty liên kết bao gồm 14 công ty con (do Tập đoàn FLC sở hữu từ trên 50% đến 100% vốn điều lệ) và 1 công ty liên kết.

Trong lĩnh vực bất động sản, FLC đã tái khởi động, triển khai thi công tại các dự án trọng điểm như FLC Premier Parc, C4C5 Thanh Hoá, FLC Sầm Sơn, FLC Tropical; đã chi thi công hơn 500 tỷ đồng; số lượng thi công 889 căn, số lượng căn đang thi công 831 căn.

Đẩy mạnh M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay và duy trì hoạt động

Năm 2024, tập đoàn cho biết vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc và định hình lại các lĩnh vực cốt lõi với ba trụ cột chính: Kinh doanh bất động sản, kinh doanh nghỉ dưỡng và M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay và duy trì hoạt động kinh doanh.

Về lĩnh vực bất động sản, tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai thi công theo cam kết với khách hàng tại 7 dự án trọng điểm như FLC Premier Parc thấp tầng, C4C5 Thanh Hóa, Biệt thự Hạ Long, Tropical 1&2, HH1 – HH4. Bên cạnh đó, tập đoàn có kế hoạch triển khai thi công xây dựng thêm 6 dự án Hilltop Gia Lai, Legacy Kon Tum, FLC Sầm Sơn, Sadec, Quy Nhơn và dự án Quảng Bình.

Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục tái cơ cấu lại tài sản theo hướng giữ lại các tài sản chất lượng tốt, khả năng sinh lời cao; chuyển nhượng hoặc hợp tác đầu tư, kinh doanh một số tài sản để đem lại nguồn tài chính cho tập đoàn.

Kế hoạch đặt ra trong năm 2024 cho mảng kinh doanh bất động sản của FLC là đạt doanh số 1.187 tỷ đồng.

Về lĩnh vực khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng, FLC sẽ tập trung khai thác vận hành các quần thể nghỉ dưỡng FLC Hạ Long, FLC Sầm Sơn, FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn. Song song với đó, tập đoàn sẽ tiến hành tìm kiếm đối tác có tiềm năng, đàm phán phương án hợp tác khai thác vận hành đối với một số hạng mục tại các quần thể.

Kế hoạch doanh thu trong năm 2024 cho mảng du lịch nghỉ dưỡng của tập đoàn đạt 1.213 tỷ đồng, lợi nhuận đủ để duy trì bộ máy cũng như thực hiện các cam kết với các bên liên quan khác như cơ quan nhà nước, khách hàng, ngân hàng.

Ngoài ra, FLC cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai hoạt động tại một số các lĩnh vực kinh doanh có khả năng đem lại nguồn thu và lợi nhuận cho tập đoàn.

Theo: Thị trường tài chính tiền tệ

Bạn đang đọc bài viết FLC sau 2 năm tái cấu trúc: Đã cắt giảm 60% nhân sự, trả 4.400 tỷ đồng nợ vay tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp