Việc công bố này là bắt buộc theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Nhóm doanh nghiệp này đều có liên hệ với một tập đoàn lớn ở Hà Nội.
Quy mô trái phiếu phát hành của phần lớn các doanh nghiệp đều cao hơn nhiều so với vốn điều lệ.
Theo bản thông tin gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 4.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm đã được một công ty phát hành ngày 20/9/2017, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Lãi suất cố định năm đầu tiên là 9%/năm, từ năm thứ hai lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3%/năm.
Công ty cùng nhóm, từ ngày 13/9/2018 đến ngày 27/12/2019 đã phát hành 5 lô trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, với tổng giá trị 7.500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm. Lãi suất cố định 4 kỳ đầu tiên là 9,5%/năm, các kỳ năm thứ 2 đến năm thứ 4 bằng lãi tham chiếu cộng với biên độ 3,5%/năm.
Doanh nghiệp thứ ba cũng nhóm này, ngày 12/6/2019 cũng phát hành 1.300 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 5 năm với mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu. Lãi suất cố định là 10%/năm, từ năm thứ 2 lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3%.
Ngày 25/12/2018 một doanh nghiệp khác đã phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 5 năm với lãi suất cố định năm đầu tiên là 10%/năm, từ năm thứ 2 lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3%.
Còn theo bản thông tin CTCP Du lịch Thung lũng Nữ Hoàng gửi đến HNX, ngày 9/4/2018, công ty này cũng đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 5 năm, lãi suất cố định năm đầu tiên là 10%/năm, từ năm thứ hai lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3%/năm.
CTCP Đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí thể thao Hà Nội (HSI) dùng 1.300 tỷ đồng trái phiếu huy động được để đầu tư dự án Khu du lịch văn hóa Sóc Sơn III-Khu vực công cộng và làng du lịch tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.
HSI được thành lập vào tháng 6/2007, vốn điều lệ tại ngày 4/4/2018 là 1.000 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Hồng Hải (SN 1975). Ngoài ra, bà Hải cũng đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán ASEAN – tổ chức tham gia đợt phát hành lô trái phiếu trị giá 1.300 tỷ đồng được đề cập ở trên của HSI.
Còn Thung lũng Nữ Hoàng (viết tắt QVC) lại dùng 1.000 tỷ đồng trái phiếu để đầu tư dự án khu nghỉ ngơi vui chơi giải trí Thung lũng Nữ Hoàng - khu khách sạn-dịch vụ và làng văn hóa tại xã Lâm Sơn, tỉnh Hòa Bình quy mô 136ha. QVC được thành lập vào tháng 10/2003 tại xã Sơn Lâm, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Tại ngày 7/6/2019, số vốn điều lệ của công ty này ở mức 500 tỷ đồng
Riêng đối với Công ty TNHH Endo Việt Nam, việc phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu sẽ được công ty này dùng để đầu tư dự án nâng cấp văn phòng tại tòa nhà Endovina Building tại 146 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM.
Endo được thành lập vào tháng 11/2007, là một doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản và đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 146, Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, TP.HCM. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Endo là bà Vũ Thị Kim Thanh (sinh năm 1974).
Vốn điều lệ của Endo là 353,5 tỷ đồng, với sự tham gia của Công ty TNHH đầu tư dịch vụ Kim Ngân góp 321,3 tỷ (tương ứng tỷ lệ sở hữu 90,89%) và Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Hòa Lợi góp 32,2 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ 9,11%). Trong đó, Kim Ngân là cổ đông lớn, nắm hàng chục triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank).