Hà Nội, Thứ Tư Ngày 11/12/2024

24 tỉnh, thành phố đề nghị kéo dài thực hiện cách ly xã hội đến hết tháng 4

TDVN 15:19 15/04/2020

Sáng 15-4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã nhận được báo cáo của 58 tỉnh, thành phố đề xuất phương án giãn cách xã hội sau ngày 15-4.

Sáng 15-4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã nhận được báo cáo của 58 tỉnh, thành đề xuất phương án giãn cách xã hội sau ngày 15-4.

Qua đó có 24 tỉnh, thành phố đề nghị tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến hết tháng 4; có 3 địa phương đề nghị tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ít nhất 1 tuần nữa; 2 tỉnh đề nghị giãn cách xã hội đến khi không còn ca bệnh lây nhiễm thứ phát; 3 tỉnh đề nghị giãn cách tỉnh với tỉnh và 3 tỉnh đề nghị bỏ giãn cách xã hội đối với một số tỉnh chưa có dịch bệnh.

Trên cơ sở thảo luận và phân tích các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến lây nhiễm, Ban Chỉ đạo và các chuyên gia đi đến thống nhất nhận định: Việc thực hiện cách ly xã hội có tác động rất lớn đến tốc độ lây lan của dịch bệnh; việc áp dụng sớm sẽ có hiệu quả cao hơn; cần tiếp tục thực hiện ở các địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao. Các địa phương khác được thực hiện ở mức độ nới lỏng một số biện pháp.

Bên cạnh đó, thống nhất việc áp dụng các tiêu chí phân loại các tỉnh, dựa trên các phân tích dịch tễ học, các yếu tố tác động đến tình hình dịch, khả năng ứng phó, các đặc điểm về dân số; giao thông đi lại; có nhiều người nước ngoài đã từng đến. 7 tiêu chí bao gồm: Tỉnh có các trường hợp nhiễm, đặc biệt là nhiễm mới; Đầu mối giao thông, đi lại; Tỉnh có biên giới, cảng hàng không, có nhiều người qua lại biên giới; Tỉnh có nhiều người nước ngoài đã đến du lịch, cư trú trong hai tháng qua; Tỉnh có các khu công nghiệp, các nhà máy có đông công nhân; Tỉnh có dân số đông; Các đáp ứng về phòng, chống dịch; mức độ sẵn sàng của hệ thống y tế; khả năng xét nghiệm; năng lực của đội ngũ cán bộ.

Ban Chỉ đạo và các chuyên gia cũng thống nhất kiến nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt hơn; kiến nghị các giải pháp tiếp tục thực hiện phải được thực hiện ở tất cả các địa phương theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Thống nhất kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn của các địa phương quyết định việc thực hiện có thể kéo dài nhưng không vượt quá ngày 1-5. Ban Chỉ đạo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch bệnh.

Việc thực hiện cách ly xã hội có tác động rất lớn đến tốc độ lây lan của dịch bệnh; việc áp dụng sớm sẽ có hiệu quả cao hơn.

Tăng cường tính kỷ cương, tuân thủ các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo tất cả các địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quan trọng đang triển khai như: Hạn chế ra khỏi nhà; khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác trên 2m.

Cấm tụ tập đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng), chưa kinh doanh các dịch vụ không thiết yếu…, cấm các dịch vụ vui chơi giải trí, tiếp tục đóng cửa các khu du lịch. Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị (đại hội đảng bộ các cấp hoặc các cuộc họp, sự kiện chính trị quan trọng do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định), những người tham gia phải được giám sát y tế 14 ngày không được tiếp xúc với nguồn bệnh, hoặc đi từ vùng có dịch; có điều kiện thực hiện xét nghiệm cho những người tham gia; thực hiện việc giãn cách trong hội trường; đeo khẩu trang; sát trùng tay; không nghỉ giải lao; không tổ chức ăn uống; mở cửa thông thoáng phòng họp...

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn để quy định các biện pháp bổ sung nhằm đảm bảo mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong thực hiện các quy định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo trung ương.

Theo đó, đã chia các địa phương thành 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nguy cơ thấp để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tương ứng.

Đối với nhóm 12 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao gồm: (1) Hà Nội, (2) Lào Cai; (3) Quảng Ninh, (4) Lạng Sơn; (5) Bắc Ninh; (6) Ninh Bình; (7) Đà Nẵng; (8) Quảng Nam; (9) Bình Thuận; (10) Khánh Hòa; (11) TP Hồ Chí Minh; (12) Tây Ninh.

Với nhóm có nguy cơ gồm 12 tỉnh, thành phố là: (1) Thái Nguyên; (2) Nam Định; (3) Hà Nam; (4) Nghệ An; (5) Hà Tĩnh; (6) Thừa Thiên - Huế; (7) Đồng Nai; (8) Bình Dương; (9) Cần Thơ; (10) Sóc Trăng; (11) Kiên Giang; (12) Hải Phòng.

Các tỉnh còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp.

Có 4 hoạt động lớn khác biệt giữa 3 nhóm vừa nêu, đó là: Việc ra khỏi nhà theo các mức độ yêu cầu: Hạn chế và khuyến cáo. Việc mở các cửa hàng không thiết yếu theo mức độ: Đóng cửa; hạn chế; khuyến cáo. Việc vận chuyển bằng các phương tiện công cộng: Tạm dừng; hạn chế; khuyến cáo. Việc tụ tập đông người: Không quá 2 người; không quá 10 người; không quá 20 người.

Theo Hà Nội mới

Link gốc : http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/964550/24-tinh-thanh-pho-de-nghi-keo-dai-thuc-hien-cach-ly-xa-hoi-den-het-thang-4

Bạn đang đọc bài viết 24 tỉnh, thành phố đề nghị kéo dài thực hiện cách ly xã hội đến hết tháng 4 tại chuyên mục Nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Nhà nước