Vì ảnh hưởng của Covid-19, Vinalines, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đều không cân đối được thu chi, thua lỗ hơn 100 tỷ đồng.
Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá, doanh nghiệp ngành giao thông chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Ba tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực này đều rơi vào tình trạng không cân đối được thu chi, thua lỗ.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất khi doanh thu hợp nhất quý I giảm hơn 6.700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019 và lỗ hơn 2.300 tỷ đồng.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) ước doanh thu vận tải hành khách trong quý I là 527,88 tỷ đồng, giảm 65 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019 do không có khách đi tàu. Các công ty thành viên phải dừng chạy hàng loạt đoàn tàu trong nước và tàu liên vận quốc tế. Còn khoản lỗ của doanh nghiệp trong quý I ước tính khoảng 100 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ từ 694 tới 935 tỷ đồng, tuỳ thời điểm kết thúc dịch.
Tương tự, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) ước giảm hơn 620 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, doanh thu công ty mẹ giảm hơn 80 tỷ đồng so với quý I/2019 do hoạt động vận tải biển bị ngưng trệ. Trong khi đó, lợi nhuận công ty mẹ Vinalines trong quý I năm nay dự kiến âm 90 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất âm hơn 110 tỷ đồng. Nếu dịch kéo dài đến hết quý IV, Vinalines ước lỗ khoảng 76 tỷ đồng.
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng ước doanh thu giảm 15 tỷ đồng trong quý I do việc hạn chế nhu cầu đi lại của người dân trong mùa dịch. Trong đó, tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai chịu ảnh hưởng lớn nhất khi lượng phương tiện qua tuyến trong quý I chỉ bằng 93% cùng kỳ năm ngoái, khiến doanh thu giảm 14,1%, theo báo cáo của doanh nghiệp.
Nếu dịch kéo dài tới quý IV, ước tính doanh thu năm 2020 của VEC giảm 13% so với kế hoạch năm, tương ứng 552,74 tỷ đồng, còn 3.698,22 tỷ đồng. Doanh nghiệp lỗ sau thuế 140 tỷ đồng thay vì lãi 2,2 tỷ đồng.
Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) ước giảm 17% doanh thu, 24% lợi nhuận (1.857 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2019. ACV dự báo một số đường bay tới Trung Quốc có thể phục hồi vào tháng 5, đường bay châu Âu, Hàn Quốc dừng đến hết tháng 7/2020. Các đường bay khác bắt đầu hồi phục chậm vào tháng 8. Tại thị trường trong nước, sản lượng sẽ tiếp tục giảm 60-70% từ cuối tháng 3 đến tháng 5 và bắt đầu hồi phục từ tháng 6. Chưa kể, do ảnh hưởng lịch của học sinh điều chỉnh nên khả năng sản lượng tăng đột biến trong đợt cao điểm hè như mọi năm sẽ không kỳ vọng.
ACV dự báo doanh thu năm 2020 đạt 11.339 tỷ đồng, giảm 10.230 tỷ đồng so với kế hoạch. Lợi nhuận dự kiến giảm 9.335 tỷ đồng (giảm 86%) xuống 1.476 tỷ đồng.
Doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty do Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước sau 3 tháng đầu năm giảm hơn 27.300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không phục hồi, 8 tập đoàn, tổng công ty thuộc quản lý của Uỷ ban sẽ thua lỗ hơn 26.300 tỷ đồng.
Rơi vào tình hình trạng thua lỗ còn có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (lỗ 572 ỷ đồng), Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (lỗ 440 tỷ đồng), Tổng công ty Lương thực Miền Nam (lỗ 97 tỷ đồng), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (lỗ 25 tỷ đồng).
Theo VN EXPRESS