Hà Nội, Thứ Năm Ngày 10/10/2024

Hài hòa tiêu chuẩn quốc tế

TDVN 08:21 02/04/2020

Với hệ thống tiêu chuẩn quốc gia khá đầy đủ, hài hòa với chuẩn mực quốc tế, khu vực, làm cơ sở hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam

Tiếp tục khẳng định vai trò của đội ngũ xây dựng tiêu chuẩn

Có thể khẳng định, với sự nỗ lực của cơ quan quản lý, các Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia và sự tham gia tích cực vào công tác tiêu chuẩn hóa của các doanh nghiệp, hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong thời gian qua đã đáp ứng kịp thời tiến độ, lộ trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Lễ kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn thế giới là dịp tôn vinh đội ngũ công tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa.

Việc chủ động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế đã tăng cường uy tín và vị thế của Việt Nam, tạo cơ hội cho sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế ngay trên sân nhà, tạo điều kiện bước vào thị trường thế giới dễ dàng hơn.

Để có được kết quả này, một lần nữa nhấn mạnh về vai trò quan trọng của những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam góp phần đưa sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, vị thế của doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế toàn cầu.

Hiện, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã thành lập được 136 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và 54 Tiểu Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia gồm hơn 1.100 chuyên gia là các giáo sư, tiến sỹ, các nhà quản lý hàng đầu trong những lĩnh vực chuyên môn sâu thuộc các cơ quan quản lý chuyên ngành, viện nghiên cứu, giảng viên các trường đại học, phòng thử nghiệm, nhà sản xuất, các Hội, Hiệp hội ngành nghề… tham gia xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia và tham gia xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế trong nhiều lĩnh vực. Việt Nam hiện là thành viên chính thức của 20 Ban kỹ thuật và Tiểu Ban kỹ thuật quốc tế ISO và IEC, tham gia với tư cách thành viên quan sát đối với 62 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế của ISO. Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia rất tích cực trong quá trình xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm CODEX.

Thay đổi để hội nhập

Hiện nay với sự thay đổi nhanh chóng của hệ thống tiêu chuẩn thế giới, để đảm bảo vị trí của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tại thị trường trong nước và trên thị trường quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý và nhu cầu của doanh nghiệp, theo bà Ngô Thị Ngọc Hà, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) hiện nay rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường quốc tế, đó cũng chính là yêu cầu bắt buộc hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phải thay đổi.

Với tỷ lệ hài hòa cao, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã trở thành công cụ hỗ trợ cho hàng hóa Việt Nam hội nhập dễ dàng.

“Như chúng ta biết, tiêu chuẩn đầu tiên của Việt Nam được ban hành vào năm 1963, tính cho đến nay cũng đã trên 55 năm, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã có rất nhiều đóng góp, dấu ấn trong công cuộc phát triển về kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu kinh tế quốc tế, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam cũng cần phải thay đổi, để đáp ứng nhu cầu quản lý hiện tại, nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, bà Hà cho biết.

Theo bà Hà, trước đây, tiêu chuẩn hóa định hướng vào các sản phẩm cụ thể, nhưng, hiện nay, đối tượng về tiêu chuẩn hóa đã có sự thay đổi. Nghĩa là, trước đây chưa quan tâm đến trách nhiệm xã hội, mà chỉ quan tâm đến chất lượng của một sản phẩm hàng hóa cụ thể. Bây giờ, chúng ta đã có tiêu chuẩn SA 8000, TCVN ISO 26000 liên quan đến vấn đề trách nhiệm xã hội và cũng quy định rất nhiều về những nội dung khác.

Bên cạnh đó là vấn đề về các công nghệ mới nổi. Ví dụ như, vấn đề tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, vấn đề đô thị thông minh, nông nghiệp hữu cơ… Mấy năm gần đây, chúng ta đề cập khá nhiều đến vấn đề nông nghiệp hữu cơ, tức là đối với tình trạng môi trường ô nhiễm, chúng ta phải thay đổi, không chỉ nghĩ đến chuyện phát triển “nóng” mà cần phải quan tâm hơn nữa đến chất lượng cuộc sống, bà Hà dẫn chứng.

“Một điểm khác đối với hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, đó là trong việc xây dựng tiêu chuẩn cũng cần phải thay đổi. Chúng ta phải xác định có được các nghiên cứu về thị trường, việc xây dựng tiêu chuẩn phải tuân theo định hướng của thị trường, như vậy mới đáp ứng được yêu cầu về quản lý, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu như chúng ta không tập trung vào thị trường, thì tất cả những tiêu chuẩn được công bố sẽ không có hiệu quả”, bà Hà nói.

Liên quan đến việc xây dựng tiêu chuẩn, hiện các doanh nghiệp cũng cần thay đổi về cách suy nghĩ về nguồn lực xây dựng tiêu chuẩn. Bà Hà đề cập đến vấn đề xã hội hóa, tức là phải có nghiên cứu cụ thể về vấn đề xây dựng tiêu chuẩn xã hội hóa. Việc xây dựng tiêu chuẩn phải có sự tham gia, xây dựng đầy đủ của các bên liên quan mà trong đó họ có lợi ích trong việc ban hành tiêu chuẩn. Cộng với nguồn lực về tài chính, sẽ được lấy từ khu vực kinh tế tư nhân, chứ không phải như hiện nay, việc xây dựng tiêu chuẩn chủ yếu lấy từ ngân sách nhà nước (chiếm 95%). Ngoài ra, để phát triển được hệ thống tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam đáp ứng được đúng nhu cầu, có lẽ cũng cần phải có những nghiên cứu về độ bao quát, mở rộng, cũng như chất lượng của các tiêu chuẩn trong hệ thống, bà Hà nhấn mạnh.

Theo VietQ

Link gốc : http://vietq.vn/hai-hoa-tieu-chuan-quoc-te-thay-doi-de-hoi-nhap-d171975.html

Bạn đang đọc bài viết Hài hòa tiêu chuẩn quốc tế tại chuyên mục Nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Nhà nước
Nhiều ngành hàng được dự báo từ trước là sẽ ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như sắt thép, xi măng… nhưng đến nay cũng bắt đầu “thấm đòn”, một số sản phẩm suy giảm mạnh đầu ra trên dưới 50%.