Có cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu
Theo Bộ Tài chính, kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương trong quý I-2020 đạt hơn 61.591 tỷ đồng, bằng 13,09% kế hoạch (cùng kỳ năm 2019 tỷ lệ này bằng 11,21% kế hoạch). Dù các bộ, ngành, địa phương đã có sự cải thiện khá rõ rệt trong triển khai dự án đầu tư công, song Bộ Tài chính vẫn đánh giá kết quả trên chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, nhất là khi kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 tăng 18% so với năm 2019. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đầu tư công được coi là một trong những giải pháp kích thích các nguồn lực đầu tư khác để giữ đà tăng trưởng kinh tế.
Về nguyên nhân, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định tại Luật Đầu tư công, kế hoạch vốn năm 2019 được kéo dài sang năm 2020, nên trong những tháng đầu năm, nhiều chủ đầu tư tập trung giải ngân vốn còn lại của năm 2019 trước. Trong khi đó, một số dự án bổ sung kế hoạch từ nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ việc điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng cấp quốc gia vẫn chưa được cấp có thẩm quyền giao
kế hoạch đầu tư. Ngoài ra, còn 43.896 dự án khởi công mới và dự án chuyển tiếp được phân bổ kế hoạch vốn năm 2020, với tổng số vốn khoảng 225.679 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư chưa đến mở tài khoản và thanh toán tại Kho bạc Nhà nước...
Dẫn việc trong quý I-2020, có 3 bộ, ngành và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 25%, 8 bộ, ngành và 34 địa phương đạt trên 15%, cao hơn mức bình quân chung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh cho rằng, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công còn có nguyên nhân chính ở khâu tổ chức thực hiện. Nhìn vào các ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao có thể thấy nếu khâu chuẩn bị và thực hiện dự án tốt, các cấp, ngành vào cuộc quyết liệt thì kết quả giải ngân sẽ cao hơn hẳn.
Giải pháp đồng bộ tăng tốc giải ngân
Bình luận về sự cần thiết đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê) so sánh, giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% sẽ tác động lan tỏa tới tăng trưởng giá trị sản xuất ngành xây dựng là 1,34% và đóng góp cho tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thêm 0,06%. "Do đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, các bộ, ngành, địa phương đang khẩn trương giao bổ sung kế hoạch trung hạn từ nguồn dự phòng và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia", ông Nguyễn Việt Phong thông tin.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định, bài học kinh nghiệm để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là kịp thời điều chuyển vốn từ những dự án chậm tiến độ sang những dự án có tiến độ triển khai tốt, giải ngân nhanh, có khả năng hoàn thành sớm. Làm vậy để góp phần bảo đảm giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.
Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh; tập trung chỉ đạo, sớm đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế - xã hội. Đặc biệt, cần tập trung phối hợp và chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án quy mô lớn, có tính chất lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng và cả nước, như: Dự án cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đến nay, các bộ, ngành, đơn vị đang chủ động vào cuộc, tìm giải pháp tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Đơn cử, dự kiến trong quý II-2020, 3 dự án thành phần thuộc Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, gồm đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây được chuyển đổi hình thức đầu tư từ đối tác công - tư (PPP) sang sử dụng vốn đầu tư công. “Mỗi chủ đầu tư cần xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng, làm cơ sở để điều hành kế hoạch giải ngân”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Đẩy nhanh tốc độ giải ngân, theo hướng chủ động, quyết liệt cũng là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tận dụng mọi điều kiện, tranh thủ thời gian để giải ngân hết 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2020. Lãnh đạo các đơn vị phải nâng cao ý thức trách nhiệm, chủ động đôn đốc các dự án giải ngân; lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, cần tránh tâm lý “đủng đỉnh đầu năm, dồn việc cuối năm” như thường diễn ra trong nhiều năm qua.
Rõ ràng, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, giải ngân vốn đầu tư công được coi là giải pháp giữ tăng trưởng kinh tế thì sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ngành là giải pháp quan trọng nhất.