Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến nay, giá lúa gạo vẫn có mức cao, thấp khác nhau giữa các địa phương. Do nơi nào giao thông thuận lợi, thông thoáng hơn thì thu mua dễ dàng và giá cao, còn ở địa phương thủ tục khó khăn, giá vẫn thấp.
Hiện đã vào vụ thu hoạch rộ lúa hè thu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo thông lệ hàng năm, cứ thời điểm chính vụ, giá lúa hè thu sẽ giảm hơn so với mặt bằng chung cả năm. Nguyên nhân do lúa hè thu chất lượng giảm, chi phí logistics, sấy tăng nên các doanh nghiệp có xu hướng giảm giá thu mua một chút.
Đối với vụ hè thu năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp phải thực hiện “3 tại chỗ”, năng lực sản xuất giảm khiến ở nhiều nơi, giá lúa giảm trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, những khó khăn về logistics, vận chuyển hàng hóa khiến doanh nghiệp có đơn hàng nhưng cũng không thể vận chuyển được đến cho đối tác.
Đơn cử, tại Tập đoàn Intimex, nếu tính cả số lượng đơn hàng bị hủy từ tháng 7 đến nay thì trong tháng, Intimex phải xuất theo hợp đồng đã ký gần 120.000 tấn gạo. Tuy nhiên, do khó khăn vì không thuê được tàu vận chuyển nên dự kiến tập đoàn chỉ có thể giao cho đối tác 30.000-35.000 tấn.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Ảnh minh họa. |
Nguyên nhân do các đơn hàng đi châu Phi không có tàu lớn vào do lo ngại dịch bệnh. Chưa kể, cước vận chuyển cũng rất cao. Vận chuyển giữa các địa phương trong nước cũng đang gặp khó khăn do giãn cách… Điều này sẽ khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn bởi không chỉ sụt giảm doanh thu mà còn có thể mất khách hàng khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, hiện nay, mới chỉ có quy định “luồng xanh” trên đường bộ còn đường thủy thì chưa rõ ràng, mỗi địa phương áp dụng khác nhau, trong khi đó 90% lúa gạo vận chuyển bằng đường thủy. Bên cạnh đó, các cảng phía nam đang thiếu lao động trầm trọng do làm việc giãn cách, do quy định người dân không được ra khỏi nhà sau 18 giờ nên các cảng muốn làm thêm giờ, làm theo ca để tăng năng lực bốc xếp, vận chuyển cũng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng lúa gạo tồn tại các cảng khiến doanh nghiệp “đứng ngồi không yên”.
Từ đó, VFA đề nghị Chính phủ và Bộ, ngành nhanh chóng tạo “luồng xanh” cho vận chuyển đường thủy và có sự thống nhất trong cả khu vực phía nam. Đồng thời, với vấn đề giá cước vận tải biển hiện ở mức quá cao, VFA kiến nghị Cục Hàng hải (Bộ Giao thông vận tải) xem xét hạ cước giá tàu biển cho doanh nghiệp.
Tình hình ách tắc trong khâu vận chuyển khiến việc tiêu thụ lúa gạo cho bà con gặp nhiều khó khăn, do đó, có ý kiến cho rằng doanh nghiệp nên tận dụng thời điểm này để mua tạm trữ lúa gạo, vừa hỗ trợ người dân, vừa có sẵn nguồn hàng để xuất khẩu khi thị trường “ấm” dần. Nhưng theo phản ánh của doanh nghiệp, để mua tạm trữ phải có vốn, song dù ngân hàng đã có các quy định về lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp lúa gạo, song thực tế việc tiếp cận nguồn vốn này không dễ.
Trước đó, để bảo đảm tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa cho người nông dân, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan xem xét có biện pháp cấp bách mở luồng xanh cho vận tải đường thủy. Đồng thời, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương cũng kiến nghị cho phép người lao động tại các cảng biển được di chuyển sau 18 giờ để phục vụ công tác bốc xếp, giải phóng hàng tồn kho nếu bảo đảm có các kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19…
Theo VietQ