Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Chuyện ở EVN: “Biếu không” nghìn tỷ được, lại 'lần chần' giúp dân?

Nguyễn Triệu 15:17 09/04/2020

Từng gồng gánh khoản nợ hàng nghìn tỷ vì đầu tư ngoài ngành, sau đó lại khẳng định tăng giá điện không phải do nợ, câu chuyện ở EVN khiến người dân hoài nghi liệu nguyên nhân giá điện tăng có thật.

Đầu tư tay trái thua lỗ hàng nghìn tỷ

Còn nhớ cách đây chưa lâu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một trong những doanh nghiệp nhà nước vươn tay trái đầu tư ngành ngoài với số vốn chỉ xếp sau Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam. Tuy nhiên thời điểm đó, trong khi cả dầu khí và công nghiệp cao su đều nằm trong top tăng trưởng cao, thì EVN lại rơi vào thua lỗ.

Cụ thể, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tính đến hết năm 2011, công ty mẹ EVN đã đầu tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ chỉ có gần 77.000 tỉ đồng. Việc EVN đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỉ đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính. Đáng chú ý, mặc dù đầu tư ra ngoài cả trăm ngàn tỉ đồng nhưng EVN không thu được đồng lãi nào mà lỗ đến 2.195 tỉ đồng.

Việc kinh doanh thua lỗ tính đến năm 2011 tập trung tại 7 công ty 100% vốn của EVN gồm các tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam; Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, TP HCM; Công ty Nhiệt điện Uông Bí, Cần Thơ, với số tiền lỗ hơn 3.648 tỉ đồng. Thanh tra Chính phủ xác định EVN đầu tư cả nghìn tỉ đồng vào những lĩnh vực nhiều rủi ro như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán nhưng vượt tỉ lệ vốn góp theo quy định như tại Công ty Tài chính cổ phần điện lực, Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình, Công ty cổ phần chứng khoán An Bình...

Đối với các đơn vị thành viên của EVN, Thanh tra Chính phủ xác định Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) không bảo toàn được vốn nhà nước, tính đến hết năm 2011 đơn vị này lỗ 3.145 tỉ đồng. Mặc dù thua lỗ nặng nề nhưng NPT còn bị các tổng công ty điện lực chậm trễ trong việc thanh toán nợ sau khi bàn giao lưới điện 110kV cho các tổng công ty với giá trị hơn 1.000 tỉ đồng.
czdc
Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT)

Đáng chú ý, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, công ty mẹ EVN còn hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn không đúng tại 11 dự án dẫn đến tiền lãi thu được biến thành tiền nằm trong giá thành sản xuất kinh doanh, làm tăng chi phí sản xuất điện.

Cụ thể, do thay đổi nguồn vốn hình thành tài sản nên lãi trái phiếu tương ứng gần 224 tỉ đồng đã được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện trong năm, làm tăng chi phí sản xuất điện trong năm 2011. Trong khi đó, khoản tiền này phải được hạch toán vào chi phí lãi vay của các dự án nguồn điện theo phương án phát hành trái phiếu dưới hình thức thu hồi vốn đầu tư trích khấu hao tài sản cố định khi tài sản hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Chi phí sản xuất điện quyết định giá điện tăng hay giảm. Bởi vậy khi chi phí sản xuất bị tính sai, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp không ai khác chính là người dân. Và trên thực tế, người dân đã phải "è cổ" ghánh thay cho chính EVN những sai sót nghiêm trọng này.

Năm 2019, EVN điều chỉnh giá bán lẻ điện tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, câu chuyện thua lỗ do đầu tư ngoài ngành một lần nữa được lật lại. Dù sau đó báo cáo của Chính phủ khẳng định các khoản đầu tư ngoài ngành cơ bản đã được EVN thoái hết vốn nên không có chuyện giá điện “gánh” các chi phí, lỗ đầu tư ngoài ngành của EVN nhưng nhìn vào cách hạch toán trước đó của EVN, người dân khó lòng tin được doanh nghiệp này đã hết nợ và khoản tiền EVN thu thêm mỗi tháng sau khi tăng giá điện là chính đáng.

cx
Ảnh minh họa. Nguồn TTXVN
Lại “kể khổ”?

Năm 2019, khi tăng giá điện, EVN đã đưa ra hàng loạt các lý do như: Giá than nguyên liệu tăng, chi phí cấp quyền tài nguyên nước tăng, giá khí nhiên liệu tăng. Người dân đã chấp nhận tăng giá điện thêm 8,36% thì lẽ đương nhiên EVN phải có trách nhiệm giải quyết những vấn đề trên.
Vậy nhưng không hiểu sao trong giai đoạn này, khi cả nước dồn lực chung tay ổn định cuộc sống người dân chịu ảnh hưởng của Covid-19, EVN lại tiếp tục đưa ra những khó khăn tương tự để kiến nghị được giảm giá than và xin miễn nhiều loại thuế liên quan tới sản xuất.

Theo đó, EVN kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc giảm giá than trộn bán cho hoạt động sản xuất điện.

EVN cũng kiến nghị miễn thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng, phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước của các đơn vị sản xuất thủy điện với thời gian là 6 tháng, từ tháng 4 đến hết tháng 10/2020.

Bản thân người dân, vì dịch bệnh mà thu nhập bị giảm sút, đời sống kinh tế và dân sinh èo uột nhưng chưa thấy cá nhân nào xin miễn giảm thuế. Một doanh nghiệp nhà nước lớn như EVN lại chọn đúng thời điểm này để xin được miễn thuế trong khi ngân sách nhà nước đang rất cần để vừa chống dịch, vừa ổn định kinh tế - xã hội. Liệu đề xuất này có hợp lý?

Khi EVN gặp khó khăn, người dân chấp nhận để doanh nghiệp tăng giá điện, vậy EVN ở đâu khi người dân đang cần được hỗ trợ?

Chưa kể tới, dù Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đề xuất giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện với mức 10% so với biểu giá tại quyết định 648; giảm giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá áp cho khách hàng kinh doanh dịch vụ xuống bằng áp giá cho họ sản xuất và áp dụng từ tháng 4 nhưng tới nay đây vẫn mới chỉ là phương án đề xuất, thực tế chưa có cá nhân, tổ chức nào ngoài khu vực cách li nhận được giảm giá điện.

Nhìn vào cách hành xử của EVN, chưa nói tới tinh thần vì cộng đồng, người dân hoài nghi cách doanh nghiệp này tăng - giảm giá điện thiếu sự minh bạch. Bởi lý do doanh nghiệp này đưa ra nhằm thu lợi về mình dường như chưa lúc nào được giải quyết, thậm chí còn tiếp tục “kể khổ” để né tránh việc giảm giá điện.
Theo THƯƠNG HIỆU VÀ SẢN PHẨM

Link gốc : chuyen-o-evn-“bieu-khong”-nghin-ty-duoc-lai-ngai-giup-dan

Bạn đang đọc bài viết Chuyện ở EVN: “Biếu không” nghìn tỷ được, lại 'lần chần' giúp dân? tại chuyên mục Nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Nhà nước
Với hệ thống tiêu chuẩn quốc gia khá đầy đủ, hài hòa với chuẩn mực quốc tế, khu vực, làm cơ sở hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam