Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) - bên mời thầu - vừa công khai kết quả lựa chọn nhà thầu 5 gói thầu mua sắm máy biến áp phụ tải nằm trong cùng một dự toán. Cả 5 gói thầu đều đạt tỷ lệ giảm giá sau đấu thầu ở mức trên 50%. Con số này một mặt thể hiện hiệu quả cạnh tranh trong đấu thầu, nhưng cũng đặt ra câu hỏi về cơ sở xây dựng giá dự toán của Bên mời thầu.
Dự toán mua sắm máy biến áp phụ tải phục vụ đầu tư xây dựng đợt 2 năm 2020 của Tổng công ty Điện lực miền Trung gồm 5 gói thầu, với tổng mức đầu tư hơn 118,563 tỷ đồng. (Ảnh: Nhã Chi) |
5 gói thầu đạt tỷ lệ tiết kiệm trên 50%
Dự toán mua sắm máy biến áp phụ tải phục vụ đầu tư xây dựng đợt 2 năm 2020 của EVNCPC gồm 5 gói thầu, với tổng mức đầu tư hơn 118,563 tỷ đồng. 5 gói thầu được đấu thầu rộng rãi qua mạng, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ; sử dụng nguồn vốn của EVNCPC.
Theo kết quả lựa chọn nhà thầu, Công ty CP Thiết bị điện trúng 3 gói thầu là: Gói thầu 19MBAT-G99 (giá gói thầu là 24,686 tỷ đồng, giá trúng thầu là 12,178 tỷ đồng); Gói thầu 19MBAT-G100 (giá gói thầu là 27,672 tỷ đồng, giá trúng thầu là 13,548 tỷ đồng); Gói thầu 19MBAT-G103 (giá gói thầu là 28,245 tỷ đồng, giá trúng thầu là 13,941 tỷ đồng).
Tại 2 gói thầu còn lại, nhà thầu trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Điện tử điện lạnh Việt Nhật - Công ty CP Cơ điện Thủ Đức. Cụ thể, Gói thầu 19MBAT-G101 có giá trúng thầu là 10,485 tỷ đồng (giá gói thầu là 21,344 tỷ đồng); Gói thầu 19MBAT-G102 có giá trúng thầu là 8,179 tỷ đồng (giá gói thầu là 16,614 tỷ đồng).
Thời gian thực hiện mỗi gói thầu trên là 70 ngày, áp dụng loại hợp đồng trọn gói.
Theo biên bản mở thầu qua mạng, mỗi gói thầu đều có 5 nhà thầu tham dự, gồm: Công ty CP Sản xuất biến thế HBT Việt Nam; Công ty CP Thiết bị điện; Công ty CP Cơ điện Thủ Đức; Công ty TNHH Thiết bị điện Shihlin Việt Nam và Công ty CP Tập đoàn HANAKA (riêng Công ty TNHH Điện tử điện lạnh Việt Nhật chỉ tham dự 2 gói thầu và trúng thầu với tư cách thành viên liên danh cùng Công ty CP Cơ điện Thủ Đức). Trong đó, Công ty CP Tập đoàn HANAKA bị loại tại cả 5 gói ở bước đánh giá kỹ thuật.
Cơ sở xây dựng dự toán mua sắm tập trung tại EVNCPC
Tỷ lệ giảm giá sau đấu thầu mua sắm tập trung (MSTT) đạt con số ấn tượng không phải “chuyện hiếm” tại EVNCPC. Khảo sát các gói thầu mua sắm hàng hóa có tính chất tương tự tại đơn vị này, có thể thấy nhiều gói thầu đạt tỷ lệ giảm giá trên dưới 50%. Đơn cử, Gói thầu 19MBAT-G33; Gói thầu 19MBAT-G45; Gói thầu 19MBAT-G61 thuộc Dự toán MSTT máy biến áp phụ tải phục vụ đầu tư xây dựng năm 2019.
Nhằm đảm bảo tính thống nhất và chuẩn hóa vật tư thiết bị (VTTB) sử dụng phục vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị, từ năm 2008, EVNCPC đã triển khai công tác đấu thầu MSTT các loại VTTB có yêu cầu kỹ thuật cao, nghiêm ngặt về an toàn, cũng như VTTB chính phục vụ sản xuất kinh doanh để cấp cho các đơn vị trực thuộc.
Theo EVNCPC, hàng quý, đơn vị ra một thông báo giá để áp dụng thống nhất cho tất cả các đơn vị trực thuộc khi lập dự toán MSTT. Thông báo giá được lập dựa trên tham khảo báo giá của ít nhất 3 nhà sản xuất, sau đó đơn vị sẽ lập dự toán theo báo giá thấp nhất.
Trước đây, dự toán được EVNCPC xây dựng dựa trên giá trúng thầu. Tuy nhiên, có tình trạng giá của một số gói thầu tại một số đơn vị trực thuộc vượt giá dự toán do EVNCPC đưa ra. Do đó, EVNCPC đã rút kinh nghiệm và thống nhất về cơ sở lập dự toán dựa theo báo giá của nhà cung cấp.
Tỷ lệ giảm giá ấn tượng tại một số gói thầu MSTT năm 2019 và 2020 của EVNCPC một mặt thể hiện tính cạnh tranh và hiệu quả trong công tác đấu thầu tại đơn vị này, tuy nhiên cũng đặt ra yêu cầu trong việc điều chỉnh giá dự toán, tránh tình trạng dù đã được xây dựng theo từng quý, nhưng giá dự toán vẫn rất cao so với giá trúng thầu.
Theo Báo Đấu thầu