Mâu thuẫn thẩm quyền quyết định đầu tư |
Mâu thuẫn thẩm quyền quyết định đầu tư
Theo quy định tại Điều 24 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69), PVN được quyền phê duyệt, quyết định các dự án do PVN làm chủ đầu tư có giá trị không quá quy mô dự án Nhóm B, tương đương khoảng 2.300 tỷ đồng, vượt mức trên phải báo cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Tuy nhiên, quy định này mâu thuẫn với điểm a khoản 10 Điều 38 Điều lệ của PVN. Cụ thể, Điều lệ PVN nêu rõ, Hội đồng thành viên được quyết định dự án dầu khí sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư mà không phụ thuộc vào quy mô vốn.
Tại điểm e, khoản 1 Điều 30, PVN được quyền phê duyệt dự án đầu tư của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) ở mức 50%*59,7 nghìn tỷ=29,85 nghìn tỷ đồng.
Để tránh chồng chéo, PVN đề nghị quy định thống nhất đối với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án; quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban Quản lý vốn quy định tại Điều 24. Đồng thời, hướng dẫn làm rõ nguyên tắc, thẩm quyền, quy trình phê duyệt các dự án đầu tư của công ty con do DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ và công ty con do DNNN nắm cổ phần chi phối.
Về vấn đề này, TKV cho rằng, việc xác định thẩm quyền quyết định đầu tư dự án còn được quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 09/2016/TT-BTC quy định về thẩm quyền phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành; Luật Đấu thầu 2013; Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn Nhà thầu.
Trong khi đó, Luật số 69/2014/QH13 không quy định rõ về việc chuyển tiếp xử lý đối với các giai đoạn tiếp theo của Dự án đã được phê duyệt trước thời điểm Luật có hiệu lực, ví dụ: việc điều chỉnh Dự án, điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thẩm định và phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành. Việc này dẫn tới khó khăn trong thực tế khi xác định thẩm quyền quyết định, phê duyệt thuộc Hội đồng thành viên TKV hay thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tạ doanh nghiệp.
Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất trong cách sử dụng các thuật ngữ “người có thẩm quyền phê duyệt” và “người quyết định phê duyệt”, dẫn tới vướng mắc: do thay đổi của luật, “người quyết định phê duyệt” không còn được xác định là “người có thẩm quyền” theo quy định của luật mới, nên không có cơ sở pháp lý rõ ràng để xác định thẩm quyền và trách nhiệm. Do đó, TKV kiến nghị bổ sung các quy định hướng dẫn cụ thể để giải tỏa vướng mắc cho doanh nghiệp và sự chậm trễ trong việc tiếp tục triển khai các giai đoạn của dự án.
Hạn chế tính chủ động trong quản trị
Một vấn đề khác được PVN phản ánh, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 44 Luật số 69/2014/QH13 quy định, Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty quyết định sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt về các nội dung sau: “Góp vốn, tăng, giảm vốn góp, chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên”.
Hiện nay, phần lớn vốn góp của PVN tại các công ty cổ phần và theo quy định Điều lệ các công ty cổ phần việc tăng vốn điều lệ (thông qua hình thức hoặc góp vốn bằng tiền của các cổ đông hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng) phải được thông qua Đại hội đồng cổ đông/HĐQT. Như vậy Người đại diện phần vốn của PVN tham gia họp HĐQT/Đại hội đồng cổ đông phải xin ý kiến PVN trước khi biểu quyết. Trong khi tài liệu họp các đơn vị thường được gửi tới các cổ đông trong thời gian khoảng 15 ngày trước ngày tổ chức họp.
Căn cứ theo các quy định nêu trên, việc PVN có ý kiến để Người đại diện tham gia ý kiến, biểu quyết tại cuộc họp có thể sẽ bị chậm, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp và tính chủ động trong quản trị điều hành doanh nghiệp.
Mặt khác, quy định này còn phát sinh một số bất cập với các quy định tại khoản 8,9 Điều 14 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước. Theo đó, quy định tại Khoản 8 Điều 14 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP thì PVN chỉ được quyết định đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp khác sau khi được UBQLVNN tại doanh nghiệp quyết định chủ trương nhưng khoản 9 Điều 14 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP thì PVN chỉ phải báo cáo xin chủ trương với các khoản đầu tư vốn có mức đầu tư vượt quá mức giá trị tương đương dự án nhóm B.
Để tăng tính chủ động, chịu trách nhiệm của HĐTV Tập đoàn, tổng ty trong quản lý vốn, PVN kiến nghị cần đồng bộ hóa, nhất quán trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tránh tình trạng cùng một nội dung được quy định mỗi văn bản một khác hoặc chưa thống nhất dẫn đến cách hiểu, áp dụng khác nhau và dẫn đến rủi ro trong công tác quản trị điều hành.
Theo Tài chính doanh nghiệp