Tài sản của doanh nghiệp này đang được ban lãnh đạo công ty bán đấu giá dần để lấy tiền nuôi quân. Nhiều cổ đông đang đặt vấn đề việc HĐQT ra quyết định bán một số tài sản là nhà đất lớn tại đại hội cổ đông bất thường lần 1 năm 2020 là không đúng quy định pháp luật, gây thiệt hại cho cổ đông.
"Cắt máu" để nuôi quân
Theo đó, để đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông; duy trì hoạt động của công ty và tạo công ăn việc làm cho người lao động. HĐQT trình Đại hội cổ đông xem xét thông qua phương án cơ cấu lại tài sản: Bán tài sản trên đất; Chuyển nhượng QSDĐ thuê của Nhà nước (đã thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và tài sản góp vốn kinh doanh) do Công ty đang quản lý sử dụng để có nguồn tiền trả nợ ngân hàng.
Cụ thể các tài sản cần bán, chuyển nhượng như sau: Một là Nhà bán hàng tại địa chỉ: Khu thống nhất I, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Thửa đất 298 tờ bản đồ 19D, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số CB 091894, thời hạn sử dụng đến ngày 11/01/2016. Hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm, diện tích 733,8m2. Giá trị tài sản trên đất trên sổ sách kế toán còn lại: 878.740.581đ.
Giá trị theo đơn vị thẩm định, định giá độc lập Chứng thư thẩm định giá số CT: 10.13-3A/2020/CT-VAE ngày chúng thư 14/10/2020 do Công ty Cổ phần Giám định và thẩm định tài sản Việt Nam, xác định là: 2.251.850.000đ. Lý do đề nghị thanh lý chuyển nhượng kinh doanh không hiệu quả, lỗ năm 2017; 2018; 2019 trên 200 triệu đồng).
Công ty Cổ phần Thương mại Lạng Sơn đang trên bờ phá sản. (Ảnh: Latraco.com.vn) |
Hai là Bán tài sản gắn liền với đất là Nhà khách sạn tại địa chỉ: Số 475 phố Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP Hà Nội. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số CH 666146 có diện tích 375m2, thời hạn sử dụng 50 năm kể từ ngày 15/10/1993; hình thức Nhà nước cho thuê đất đã trả tiền hàng năm.
Giá trị tài sản trên đất trên sổ sách kế toán còn lại là: 1.119.508.8574đ. Giá trị theo đơn vị thẩm định, định giá độc lập Chứng thư thẩm định giá số CT: 10.13-3B/2020/CT-VAE ngày chứng thư 14/10/2020 do Công ty CP Giám định và thẩm định tài sản Việt Nam, xác định là: 7.092.124.000đ.
Lý do đề nghị thanh lý, chuyển nhượng do đất thuê tại địa phương khác việc nắm bắt sự biến động của quy hoạch, chính sách về đất đai hạn chế, thời gian thuê đất còn lại 23 năm, vấn đề quản lý sử dụng như hiện tại có nhiều bất cập, hiệu quả cũng hạn chế...).
Ba là chuyển nhượng QSDĐ thuê Nhà nước (đã thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và tài sản góp vốn hợp tác kinh doanh) tại địa chỉ: Số 206 đường Trần Đăng Ninh, phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Thời hạn sử dụng đến tháng 01/2028, hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền 1 lần từ năm 2017. Giá trị tài sản trên đất theo sổ sách kế toán: 257.050.000đ. Giá trị tài sản thỏa thuận khi góp vốn liên doanh với Công ty Trường An Lạng Sơn là: 3.000.000.000đ. Giá trị do Công ty CP Giám định và thẩm định tài sản Việt Nam xác định là: 17.953.250.000đ.
Ngày 03/12/2020, Công ty CP Thương mại Lạng Sơn đã có văn bản thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thứ nhất với giá khởi điểm là 4 tỷ đồng, tài sản thứ hai với giá khởi điểm là 17 tỷ đồng.
“Đối tác nợ” là người quen cũ
Latraco tiền thân là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Sở Thương mại và Du lịch Lạng Sơn, thành lập tháng 10/1992. Đến cuối năm 2005, công ty thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Sau đợt IPO, công ty có vốn điều lệ 15 tỷ đồng, trong đó 39,41% vốn điều lệ được nắm giữ bởi hàng trăm người lao động của công ty, còn tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước giảm về mức 57,26%. Với kết quả như vậy, Latraco đã đủ điều kiện để trở thành công ty đại chúng.
Chi nhánh Latraco tại Hà Nội: số 475 phố Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP Hà Nội. (Ảnh: Latraco.com.vn) |
Theo Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong thời hạn 90 ngày kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM. Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết tại 2 sở giao dịch chứng khoán tập trung là HOSE và HNX, thì phải hoàn tất thủ tục niêm yết trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại Latraco vẫn chưa đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán.
Như vậy, đã hơn 15 năm, doanh nghiệp này vẫn không thể giao dịch trên sàn chứng khoán. Và đang đi ngược quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo nội dung Đại hội Cổ đông bất thường lần 1 năm 2020, thì ban lãnh đạo Công ty cho biết ngân hàng đã có nhiều văn bản thúc ép trả nợ, giảm hạn mức vay. Công ty đang đứng bên bờ vực phá sản.
Về hoạt động kinh doanh, doanh thu 3 năm gần nhất (2017 - 2019) của Latraco liên tục đi xuống và ở mức bình quân 360 tỷ đồng. Năm 2018 và 2019, Công ty lỗ lần lượt 3 và 3,5 tỷ đồng. Tính đến thời điểm cuối năm 2019, lỗ lũy kế của Công ty ở mức 5,1 tỷ đồng.
Nguyên nhân được xác định từ khoản nợ của các công ty khác vẫn chưa thể thu hồi. Cụ thể: Công ty Cổ phần Cơ khí và kết cấu thép Sóc Sơn - Hà Nội nợ trên 45.263.469.820đ; Hợp tác xã Thăng Long: 3.867.236.117,4; Công ty Cổ phần HS F & A Consultant Việt nam: 4.740.977.960đ; Công ty TNHH lâm sản WOODMAN nay là Công ty TNHH Lâm sản Thành An Hữu Lũng: nợ trên 23.890.368.475đ. Tổng các khoản nợ này là: 77.762.052.372,4 2.2đ.
Đáng lưu ý, trong các “đối tác nợ” là Công ty TNHH Lâm sản Thành An Hữu Lũng. Doanh nghiệp do ông Đinh Văn Thành, cựu Phó Chủ tịch Latraco (bị miễn nhiệm vào ngày 24/4/2019) cùng với 2 cổ đông lớn khác của Latraco là Đặng Hoàng Tâm (nắm giữ 8% vốn điều lệ) và Lâm Phi Khanh (nắm giữ 7% vốn điều lệ) thành lập năm 2015.
Vì sao Latraco mất 15 năm IPO vẫn chưa thể giao dịch trên sàn, việc đấu giá tài sản của Latraco có phù hợp với các quy định cảu pháp luật, và co những nguy cơ nào gây thiệt hại cho các cổ động? Đó chính là nội dung Báo KH&ĐS tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc.